Sơn Phú là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn, tạo thế mạnh phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, các thành viên Tổ hợp tác (THT) nuôi ong lấy mật xã Sơn Phú đã tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất mật ong mang thương hiệu “Mật ong Kiến Quốc” được nhiều người biết đến.
Vị ngọt từ rừng núi Hương Sơn
Ông Nguyễn Kiến Quốc, đại diện THT nuôi ong Sơn Phú cho biết, trước đây, ông tham gia tập huấn lớp kỹ thuật nuôi ong nội địa tại địa phương. Tiếp đến, ông truyền lại cho bà con trong xã, nhưng sau một thời gian nuôi năng suất không cao, ong bay đi nhiều, chỉ có các hộ đam mê học hỏi, nuôi đúng quy trình mới tồn tại được. Từ đó, Câu lạc bộ nuôi ong với 30 thành viên được ra đời, với sở thích đam mê, cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Kết quả là các hộ nuôi ong đã biết tạo ong chúa, nhân đàn, khai thác sản phẩm có thu nhập cao.
Năm 2012, các hộ được Công ty nghiên cứu và phát triển ong Trung ương về tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ 200 đàn ong giống, nên nghề nuôi ong ngày càng phát triển cả về quy mô số lượng đàn và chất lượng sản phẩm. Câu lạc bộ đổi tên thành THT nuôi ong lấy mật xã Sơn Phú, có quy chế hoạt động và ban điều hành hoạt động, đồng thời áp dụng nuôi ong theo quy trình VietGAP.
Sơ chế mật ong bằng máy giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản. |
Nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên đều phải có sổ nhật ký ghi chép thời gian chăm sóc, thay chúa, thức ăn cho ong, thời gian khai thác… để các cơ quan, doanh nghiệp có thể nắm bắt. Chỉ khi mật ong đạt đến độ “già, chín” thì mới được thu hoạch.
Ngoài kỹ thuật lấy mật, yếu tố không kém phần quan trọng là chất lượng giống. Đa số con giống được lấy từ doanh nghiệp uy tín, số khác được khai thác, nhân đàn từ ong tự nhiên. Cùng với đó, khu vực nuôi ong được bố trí gần các bìa rừng, trang trại cây ăn quả và cây lâm nghiệp với nhiều loại hoa tự nhiên nên mật ong luôn đạt các hàm lượng, thành phần dinh dưỡng cao.
Để có sản phẩm mật ong đạt chất lượng tốt nhất, sau khi thu hoạch, mật sẽ được quay bằng máy ly tâm, sau đó hỗn hợp được loại bỏ tạp chất bằng máy lọc thô và lọc mịn. Mật tiếp tục đưa vào máy lắng lọc hạ thủy phần, cuối cùng là sử dụng hệ thống chiết rót chống tạo bọt rồi đưa vào bảo quản và xuất ra thị trường tiêu thụ.
THT nuôi ong lấy mật xã Sơn Phú đến nay có kinh nghiệm gần 10 năm nuôi ong lấy mật từ nguồn hoa rừng thiên nhiên. Sản phẩm Mật ong Kiến Quốc của THT có vị ngọt vừa phải, được chắt lọc cẩn thận, không qua pha chế, giá cả hợp lý có thể cạnh tranh trên thị trường.
Góp sức nâng "chất" nông thôn mới
Mật ong Kiến Quốc là một sản phẩm giàu tiềm năng đã bước đầu xâm nhập thị trường và đón nhận được những tín hiệu tích cực nhờ sự nghiêm túc trong quy trình lấy mật và tinh lọc kỹ lưỡng.
Hướng tới sự phát triển bền vững, cùng với sự ủng hộ của các cấp, ban ngành địa phương, THT luôn nỗ lực xây dựng để nâng tầm giá trị thương hiệu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, tạo ra sản phẩm mật ong chất lượng cao.
Gần đây nhất, Mật ong Kiến Quốc đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Hương Sơn và đạt 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi giúp xã Sơn Phú xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu. Theo UBND xã, Sơn Phú đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, hiện bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Một trong những nội dung được chính quyền địa phương chú trọng là phát triển mô hình kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các THT, HTX phát triển các sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị và tham gia chương trình OCOP.
Phát triển nghề nuôi ong theo mô hình THT giúp thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. |
Ngay từ những tháng đầu năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ THT Sơn Phú hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong để tham gia Chương trình OCOP năm 2020. THT cũng huy động mọi nguồn lực hoàn thiện nhãn mác bao bì cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên nghiêm chỉnh chấp hành quy trình sản xuất mật ong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Kiến Quốc, để hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX đã đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để sơ chế, đóng chai, bảo đảm quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Hiện, các thành viên của THT có thu nhập tương đối ổn định, từ 80-150 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí.
Đặc biệt, khi sản phẩm Mật ong Kiến Quốc được gắn sao OCOP đã khích lệ, động viên người nuôi ong yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên nhiều thị trường.
Nghề nuôi ong phát triển bền vững cũng là điều kiện thuận lợi giúp xã nâng cao các tiêu chí như: thu nhập, giảm nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 97,6%.
Theo đánh giá của UBND xã, việc THT nuôi ong Sơn Phú đã gây dựng thành công thương hiệu Mật ong Kiến Quốc và đạt 3 sao OCOP, đóng góp không nhỏ vào cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời đưa những sản phẩm có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng.
Huyền Trang