Ở xã Phước Sang có Tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn sinh học được thành lập 3 năm nay đang hoạt động khá hiệu quả với hình thức liên kết sản xuất và đưa ra thị trường mỗi tháng từ 50 đến 60 tấn thịt heo an toàn sinh học.
Liên kết sản xuất sạch
Tổ hợp tác này với 16 thành viên là những người chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã Phước Sang và một số xã như An Linh, An Bình, An Thái, Tân Hiệp…, do anh Đặng Hữu Đức, ngụ ấp Bến Cát, xã Phước Sang làm Tổ trưởng, có quy mô tối đa khoảng 700 heo nái và từ 5.000 đến 7.000 heo thịt.
Phước Sang đang phát triển diện tích trồng Na dứa với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh thì những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong Tổ hợp tác đã liên kết lại với nhau nhằm tạo mối liên kết trong hoạt động chăn nuôi, giải cứu heo và người chăn nuôi heo.
Để đảm bảo sản phẩm thịt heo của Tổ hợp tác tiêu thụ ổn định trên thị trường, các thành viên thực hiện quy trình chăn nuôi heo đảm bản an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng.
Để thực nghiệm việc đưa sản phẩm heo an toàn VietGap ra thị trường, Tổ hợp tác đã cho thực hiện bán thịt heo tại chợ Phước Sang và một số vùng lân cận với mức tiêu thụ khá tốt.
Bên cạnh mô hình hợp tác nêu trên thì tại xã Phước Sang hiện có HTX nông nghiệp Bình Dương đang phát triển trồng trọt giống cây Na dứa nhập từ Đài Loan theo hướng hữu cơ với những kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế từ Na dứa.
Giống cây Na dứa mà HTX đang trồng có những ưu điểm vượt trội so với na bản địa như: một năm cho thu hoạch 2 vụ, quả to, thơm, ngọt, ít hạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Loại trái này đang rất hút hàng, giá ở các siêu thị hiện nay dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Nếu tính giá này, 1 ha cây na dứa Đài Loan có năng suất từ 30 - 40 tấn/năm, sẽ cho doanh thu từ 9 - 12 tỷ đồng. Ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX, cho biết HTX đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho đối tác là các siêu thị. Do đó, việc đầu ra đối với cây na dứa Đài Loan sẽ ổn định, giá cả cao hơn so với thị trường truyền thống, hứa hẹn sẽ cho người nông dân nguồn thu nhập cao.
Ngoài trồng Na dứa, HTX nông nghiệp Bình Dương còn mở rộng sang trồng một số loại cây khác như: dâu Đài Loan, lựu đỏ Ai Cập, sầu riêng ruột đỏ, nho đỏ...và đứng ra cung ứng những giống cây này. Đây đều là những giống cây độc lạ ở thị trường Việt Nam nên nhận được sự quan tâm của khách hàng trên cả nước.
Nhắc đến xã Phước Sang còn phải nhắc đến mô hình nuôi chim cút của chị Nguyễn Thị Hằng (ở ấp Tân Tiến) mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Hướng tới xã nông thôn mới nâng cao
Chị Hằng đã gây dựng được 3 trang trại nuôi chim cút với hơn 120.000 con cút thịt, mang lại cho chị thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng. Không những tạo thu nhập ổn định cho gia đình, các trang trại nuôi chim cút của chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Phát triển nông nghiệp sạch góp phần giúp xã Phước Sang nâng chất nông thôn mới. |
Nhờ tích cực học hỏi đặc tính sinh học, kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc chim cút nên chị Hằng đã đầu tư nuôi chim cút theo mô hình khép kín. Chuồng nuôi cút công nghiệp của chị được làm bằng sắt và kẽm với hệ thống uống nước tự động.
“Nuôi chim cút không khó, vốn đầu tư thấp, thời gian xoay vòng vốn nhanh mà chim cút còn dễ chăm sóc. Ðể chim cút sinh trưởng tốt, tránh được dịch bệnh thì người nuôi cần thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và có chế độ chăm sóc hợp lý”, chị Hằng chia sẻ.
Thời gian qua chính quyền xã Phước Sang đã đã tạo điều kiện cho các nông dân trong xã tiếp cận với các kiến thức sản xuất nông nghiệp mới nhằm giúp họ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình.
Gần đây, tỉnh Bình Dương cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Sang và xã Tân Hiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Phước Sang thêm nhiều triển vọng tươi sáng trong thời gian tới.
Với sự phát triển nông nghiệp sạch của các mô hình kinh tế hợp tác và sản xuất tiên tiến đã đóng góp lớn giúp xã Phước Sang đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 2 năm và đang thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay thu nhập của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 55 triệu đồng/năm thì đến năm 2019 đã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Với những triển vọng trên, chắc chắn trong tương lai không xa Phước Sang sẽ trở thành một điểm sáng về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn huyện Phú Giáo và tỉnh Bình Dương.
Thanh Loan