Trước đây, mắm cáy chưa vươn ra được thị trường cả nước là do chưa có nhãn hiệu tập thể. Để giải quyết vấn đề này, HTX Hồng Tiến đã chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Hợp tác cùng sản xuất
Ngày trước, người dân thường mạnh ai người đó làm và thường tận dụng đủ các vật dụng như chai, lọ, bình, can… để đựng nên sản phẩm chưa tạo được sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, HTX Hồng Tiến đã liên kết với người dân trong xã để thu mua toàn bộ con cáy tươi về phục vụ chế biến. HTX cũng đầu tư nhà xưởng rộng 1.000m2 kết hợp với hệ thống máy đóng chai bằng máy móc tự động.
Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX Hồng Tiến, cho biết điều thuận lợi của HTX là địa phương có hàng chục ha đất bãi ven sông Hồng được nhân dân trồng cói. Do là vùng trũng và trồng cói sẽ tạo môi trường thuận lợi cho con cáy vào sinh sống và phát triển.
Người dân trồng cói theo phương thức tự nhiên, không sử dụng thuốc hóa học nên cáy cũng hoàn toàn sạch, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, cáy sống trong môi trường nước lợ, gần cửa sông đổ ra biển nên độ đạm cao và mùi vị rất đặc trưng, khác hẳn với cáy nước ngọt nội đồng.
Mắm cáy Hồng Tiến được sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Trung bình mỗi năm, HTX thu mua khoảng 70-80 tấn cáy tươi về chế biến. Nếu như ở nhiều nơi khác, cáy sau khi ủ một thời gian sẽ được trộn thêm thính gạo và một ít men rượu để tăng độ kết dính thì tại HTX Hồng Tiến lại khác. Nguyên liệu để làm mắm cáy chỉ duy nhất có con cáy và muối biển. Muối biển cũng phải chọn loại muối trắng, sạch và hạt to vừa phải.
Sau thời gian ủ khoảng 8 tháng theo phương thức truyền thống, HTX thu được sản phẩm mắm cáy đặc trưng, được làm 100% từ nguyên liệu thiên nhiên, không pha tạp chất, không dùng chất bảo quản.
Hiện, HTX có 2 sản phẩm là mắm cáy đặc và mắm cáy trong được công nhận thương hiệu “mắm cáy Hồng Tiến”. Sản phẩm được đóng chai, dán nhãn mác đầy đủ và đặc biệt là được kiểm tra bởi các cơ quan chức năng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cung cấp ra thị trường. Hiện, sản lượng chế biến mắm cáy của HTX đạt trung bình hơn 10.000 lít/năm.
Khi đi vào hoạt động, HTX Hồng Tiến đã tạo điều kiện cho các hộ thành viên đẩy mạnh trồng cói, chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho cáy phát triển, từ đó tăng nguồn nguyên liệu cung cấp cho HTX. Đặc biệt, người dân không dùng cuốc, thuổng, xẻng để đào bắt cáy để tránh làm bị thương con cáy và không còn nơi cho những con cáy thế hệ sau sinh sống, mà dùng “đó” (một loại bẫy đan bằng tre hình bầu dục có cửa hom) để đánh bắt.
Khi đi thu hoạch, HTX cũng hướng dẫn người dân chỉ bắt những con cáy to, mẩy đạt kích cỡ để chế biến, những con cáy nhỏ sẽ thả lại môi trường tự nhiên. Việc này góp phần bảo vệ nguồn cáy tự nhiên, giúp bà con thu hoạch lâu dài và bảo đảm nguồn nguyên liệu ngon nhất phục vụ chế biến mắm cáy.
Từ OCOP đến sản phẩm nông thôn tiêu biểu
Năm 2019, khi UBND tỉnh có Quyết định số 2904 về việc ban hành đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, HTX Hồng Tiến đã tích cực hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa mắm cáy tham gia chương trình. Đến nay, mắm cáy Hồng Tiến đã được tỉnh chọn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực. Đây chính là cơ hội để mắm cáy Hồng Tiến trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Ban giám đốc HTX, chương trình OCOP đã giúp thành viên và người dân thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, quy mô hộ sang sản xuất theo hướng thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mắm cáy đặc trưng của địa phương. Đây là nền tảng thúc đẩy tái cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm.
Sản phẩm được hoàn thiện bao bì, mẫu mã khi tham gia chương trình OCOP. |
Đặc biệt, khi nhãn hiệu tập thể mắm cáy Hồng Tiến được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, mức tiêu thụ của HTX đã tăng 30 - 40% so với trước. HTX cũng kết nối được với các doanh nghiệp, cửa hàng OCOP trên nhiều tỉnh, thành để ổn định đầu ra.
Tuy nhiên, để sản phẩm mắm cáy đạt OCOP 4 sao không phải là đơn giản. HTX ngoài hoàn thiện quy trình chế biến đạt chuẩn chất lượng thì vấn đề hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm website, hệ thống bao bì, tem nhãn sản phẩm… cũng được quan tâm. Đến nay, doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể dễ dàng liên hệ với HTX thông qua website và trang Facebook.
Với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, đến nay, HTX Hồng Tiến đã hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện, HTX cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hình thức bán hàng online và liên kết với các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường và bảo đảm thu nhập cho thành viên.
Tùng Lâm