Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của 90% số HTX trên cả nước, trong đó có 30 - 40% bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiệu quả sản xuất sạch, chế biến sâu
Tuy nhiên, vẫn có nhiều điển hình HTX hoạt động ổn định và phát triển nhờ sự chủ động trong liên kết xây dựng chuỗi giá trị và đặc biệt là sự đầu tư thích đáng cho công nghệ chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Chế biến sâu là chìa khóa nâng cao giá trị sản xuất cho các HTX nông nghiệp. (Ảnh TL) |
HTX Bảo Minh (xã Chiềng Khong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là một trong những điển hình đã tìm ra hướng đi mới trong đại dịch thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, đầu tư các kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm, chuyển hướng chế biến sâu.
Giám đốc HTX Bảo Minh Phạm Thùy Trang cho biết, trong 2 năm qua HTX chủ động đầu tư 3 kho lạnh với sức chứa lên đến hàng nghìn tấn, nhằm phục vụ việc thu mua nông sản cho người dân và chuyển hướng một phần sang chế biến sâu.
Đơn cử, chỉ tính riêng vụ nhãn năm 2021, HTX đã tiêu thụ hơn 1.100 tấn nhãn tươi. Đồng thời, chuyển đổi 70% sản lượng nhãn sang chế biến long nhãn để xuất sang Trung Quốc. Hiện tại, HTX Bảo Minh đang tiến hành thu mua khoảng 1.000 tấn ngô hạt và 3.000 tấn sắn tươi để chế biến xuất khẩu.
Theo Giám đốc Phạm Thùy Trang, để phục vụ chế biến xuất khẩu, HTX đã chủ động hoàn thiện các khâu sản xuất, bắt đầu với việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh thái.
Cụ thể, 100% diện tích nhãn nguyên liệu phục vụ chế biến của HTX hiện được triển khai theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, nguồn nước tưới được tuyển chọn đảm bảo độ trong, sạch, không lẫn tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được kiểm soát chặt chẽ, ưu tiên các loại hợp chất vi sinh, hữu cơ, thân thiện môi trường, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” gồm: đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Đây chính là chìa khóa giúp HTX giảm thiểu tình trạng thoái hóa đất đai, nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sự mạnh dạn trong xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ ứng dụng công nghệ chế biến sâu không chỉ giúp HTX Bảo Minh vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn bảo đảm đời sống của thành viên, duy trì vùng nguyên liệu xanh, sạch, phục vụ sản xuất bền vững.
Thêm điểm tựa cho HTX
HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (Nam Điền, Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng đang là điểm sáng vượt qua thách thức, phát triển ổn định trong đại dịch, nhờ sự đầu tư mạnh cho khâu liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Theo đó, trong hơn 3 năm hoạt động, HTX đã thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng nông sản hàng hóa với một số sản phẩm thủy sản và rau màu chủ lực như cà chua, dưa, rau hẹ…
Đặc biệt, với sản phẩm rau hẹ, HTX đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại tỉnh Ninh Bình để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, với bao bì, nhãn mác đẹp mắt.
Nông sản sau chế biến có giá trị cao hơn, sức cạnh tranh thị trường mạnh hơn. (Ảnh TL) |
Hay một HTX khác cùng ở Nam Định là HTX nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An, huyện Hải Hậu cũng đang duy trì doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm nhờ chú trọng sản xuất sạch, chế biến sâu.
Từ năm 2018, HTX đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn sinh thái. 100% vùng lúa nguyên liệu của HTX hiện canh tác theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, nói không với thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại.
Thành viên HTX ứng dụng quản lý dịch hại IPM, ưu tiên các loại phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ. Sử dụng thiên địch để loại bỏ côn trùng, sâu bệnh gây hại.
Trên nền tảng cùng nguyên liệu xanh, HTX đẩy mạnh công nghệ chế biến, đóng gói sản phẩm trở thành những mặt hàng chất lượng cao, có nhãn mác, tem truy xuất, thương hiệu nổi tiếng như gạo tám xoan, gạo thơm số 7, gạo nếp Bắc…
Theo các chuyên gia, không chỉ tại các HTX, chế biến sâu là đáp án chung cho bài toán nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung. Ở một số quốc gia không có điều kiện tự nhiên thuận lợi về sản xuất nông nghiệp, điển hình như Nhật Bản, nông dân vẫn có thể làm giàu.
Một trong những lý do đến từ việc HTX nông nghiệp của Nhật Bản đã đảm nhận được gần như hoàn chỉnh từ khâu tổ chức sản xuất, tới sơ chế, chế biến sâu thành đa dạng các sản phẩm và tổ chức tiêu thụ tốt, giúp giá trị nông sản được nâng cao rất nhiều...
Hay như tại Thái Lan, bên cạnh việc quy mô tổ chức sản xuất lớn hơn, trình độ sản xuất cao, thì các HTX, nông dân trồng trái cây đều có thể tự chế biến sâu thành đa dạng các sản phẩm, tận dụng tối đa các sản phẩm chế biến từ trái cây. Nhờ đó, giá trị sản xuất từ trái cây cũng cao hơn so với việc chỉ tiêu thụ trái cây tươi.
Từ những thực tiễn trên, bên cạnh nỗ lực của HTX, thời gian tới, rất cần cơ quan chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, tạo môi trường thu hút hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản về khu vực nông thôn, nhất là đầu tư, trang bị cho bộ phận nông dân, HTX có thể sơ chế, chế biến sâu ngay tại chỗ, trên cơ sở ứng dụng những công nghệ phù hợp...
Hưng Nguyên