Đó là những chia sẻ tâm huyết của ông David Whitehead, Chủ tịch tập đoàn Mavin tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021 diễn ra sáng ngày 4/12. Hội nghị thu hút đông đảo doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tham gia.
Doanh nghiệp muốn đánh thức tiềm năng
Về tiềm năng nông nghiệp của địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu - bà Giàng Páo Mỷ cho biết, nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đang có bước chuyển rõ rệt, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt trên 22%.
Nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Lai Châu. |
Lai Châu hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như 8.000ha chè, 13.000ha cao su, 4.000 ha chuối, trên 5.000ha mắc ca, chăn nuôi tăng trưởng khá. Địa phương cũng đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay 100 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, chăn nuôi tăng trưởng khá.
Kết quả này cho thấy đây là hướng đi đúng, nhiều triển vọng đưa Lai Châu phát triển. Bà Giàng Páo Mỹ cho biết với diện tích tự nhiên lớn, trên 240.000 ha đất chưa sử dụng, diện tích mặt nước hồ và thuỷ điện trên 16.000ha thuận lợi nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, nguồn lao động dồi dào, nhiều điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm hấp dẫn...
Hơn ai hết, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn trên cả nước đều nhìn thấy rõ tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Lai Châu. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết địa phương này có điều kiệnthổ nhưỡng, khí hậu để phát triển chanh leo, dứa, ngô ngọt... Công ty Đồng Giao rất mong được đầu tư phát triển vùng chế biến rau quả trọng điểm, tạo ra vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh, trước mắt thực hiện trên diện tích 10 nghìn ha.
Trong khi đó, ông David Whitehead, Chủ tịch tập đoàn Mavin cho hay doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư 2 dự án vào nông nghiệp Lai Châu. Dự kiến, đầu tư một tổ hợp chăn nuôi khép kín, sử dụng chính phân bón để trồng trọt một số nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi, với quy mô 300ha, tổng số vốn đầu tư lên tới hàng triệu USD.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng quan tâm đầu tư vào một dự án trong ngành thuỷ sản, diện tích 300ha, số vốn đầu tư 5 triệu USD. Sản phẩm thủy sản bên cạnh phục vụ thị trường trong nước, còn xuất khẩu qua Trung Quốc.
"Nông nghiệp Lai Châu giống như "nàng công chúa miền sơn cước say ngủ", mong địa phương xem chúng tôi như một chàng hoàng tử khỏe mạnh, đẹp trai để thành ứng cử viên sáng giá, với lòng chân thành chung tay đánh thức tiềm năng, đưa nông sản Lai Châu vươn ra thị trường trong nước và thế giới"", Chủ tịch Tập đoàn Mavin bày tỏ mong muốn.
Tiềm năng là vấn đề không phải bàn, song Chủ tịch Mavin cũng mong muốn Lai Châu giải quyết tốt bài toán logistics, hạ tầng giao thông để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, tính toán hiện nay nhu cầu của thị trường thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Đông với cá rô phi fillet chất lượng cao đang rất lớn, với giá khá cao khoảng 10 USD/kg. Theo đó, doanh nghiệp này đang tìm kiếm các lòng hồ thủy điện để phát triển chuỗi chăn nuôi, chế biến thủy sản; đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Hay ông Ngô Tân Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Sâm Pusilung, cho hay hàng năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra nhiều ngoại tệ nhập khẩu dược liệu. Trong khi đó như mặt hàng sâm, Sâm Lai Châu có chất lượng tốt, hiện nay trên địa bàn có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân liên kết trồng sâm, với diện tích 17,8ha. Tuy nhiên, việc liên kết này mới chỉ mang tính tự phát, chưa phát triển thành vùng nguyên liệu lớn. Do vậy, nhà đầu tư mong Lai Châu có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng vùng nguyên liệu sâm Lai Châu, xây dựng khung pháp lý về chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu...
Đầu tư bằng trái tim, đừng quên mở cánh cửa cho hợp tác xã, nông dân
"Khi doanh nghiệp xây nhà máy đều có tường rào bao bọc xung quanh nhưng hãy mở một cánh cửa cho hợp tác xã, người nông dân đi vào. Chuỗi ngành hàng của doanh nghiệp sẽ không khép kín trong hàng rào, mà chuỗi đó phải có sự tham gia của hợp tác xã, người nông dân".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Trước chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷcho biết địa phương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kết nối liên kết vùng, ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, với nguồn Ngân sách dự kiến cho giai đoạn 2021-2025 trên 1.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ Lai Châu cho biết sẽ thực hiện 4 chương trình trọng điểm, trong đó có 2 chương trình phát triển nông nghiệp gồm: phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững. Đây là 2 nhiệm vụ trọng tâm, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát triên đột phá và bền vững ngành nông nghiệp Lai Châu.
Chứng kiến nhiều cam kết đầu tư của doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp Lai Châu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng tình với chia sẻ của ông David Whitehead, Chủ tịch tập đoàn Mavin về câu chuyện đánh thức nàng công chúa miền sơn cước say ngủ - nông nghiệp Lai Châu. Song Bộ trưởng Hoan chia sẻ: "Để đánh thức nàng công chúa thì chàng hoàng tử không chỉ khỏe mạnh, thông minh, đẹp trai mà cần có một trái tim".
"Đi đến bất cứ nơi nào mà chúng ta thực hiện bằng cả trái tim, trái tim gặp trái tim sẽ kích hoạt chuyển hóa thành năng lượng cho cả nhà đầu tư và địa phương. Một khi nhà đầu tư đến bằng trái tim, sự thấu cảm, trắc ẩn, niềm đam mê đồng hành với bà con Lai Châu thì thấy rằng chúng ta sẽ hạnh phúc, khi cho đi sẽ nhận lại rất nhiều giá trị", ông Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT mong rằng Hội nghị không chỉ dừng ở con số bao nhiêu biên bản, bao nhiêu nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới mà trong bản kế hoạch của doanh nghiệp cũng nên dành nội dung về nông dân. Bao nhiêu nông dân ở vùng đất đó sẽ gắn bó với dự án của doanh nghiệp, không chỉ mời họ làm công nhân mà là chủ thể liên kết trong đó.
"Khi doanh nghiệp xây nhà máy đều có tường rào bao bọc xung quanh nhưng hãy mở một cánh cửa cho hợp tác xã, người nông dân đi vào. Chuỗi ngành hàng của doanh nghiệp sẽ không khép kín trong hàng rào, mà chuỗi đó phải có sự tham gia của hợp tác xã, người nông dân", Bộ trưởng chia sẻ.
"Có thể hợp tác xã, người nông dân chỉ là chim sẻ, nhưng chúng ta đều biết rằng trên thế giới này "đại bàng" là số ít, còn chim sẻ mới chiếm số đông. Làm sao để đại bàng cùng kết nối với chim sẻ để phát triển nông nghiệp Lai Châu nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung", Bộ trưởng Hoan nhắn nhủ.
Lê Thúy