Nhiều HTX đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và thành viên, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững.
Người Bana rủ nhau làm cà phê sạch
Để giúp các thành viên và đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai sản xuất cà phê sạch bền vững, theo hướng hữu cơ, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh, xã Glar đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ.
Phát triển cà phê hữu cơ đã khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. |
Hiện nay, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với 36 hộ dân (24 hộ là người dân tộc thiểu số) triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ với diện tích gần 70 ha. Mô hình không những giúp cho các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng mà còn tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX cho biết: Nhiều năm nay, người dân thường có thói quen sử dụng phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác khiến đất đai ngày càng khô cằn, ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, HTX đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ. Mục tiêu là giúp cho người trồng cà phê, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi phương thức canh tác, chuyển sang sản xuất không hóa chất để vườn cây phát triển bền vững.
Các hộ dân tham gia mô hình được HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân vi sinh, phân ủ, phân gà hữu cơ, thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
“Niên vụ cà phê 2021-2022, HTX sẽ liên kết với khoảng 100 hộ để mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho người dân phân bón, thuốc sinh học và bao tiêu sản phẩm. Tiền đầu tư sẽ được HTX khấu trừ khi người dân bán sản phẩm. Đặc biệt, HTX sẽ cam kết thu mua cho người dân cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg nhân xô. Hiện tại, HTX đã xây dựng được sản phẩm cà phê mang thương hiệu Slar Land Coffee và được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP năm 2020”, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh cho hay.
Anh Si Môn, người dân tộc Bana (làng Dor 2, xã Glar, huyện Đăk Đoa) trước kia là hộ nghèo, giờ đã vươn lên làm giàu từ cà phê cho biết, anh và các hộ dân trong làng tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh để cùng nhau cam kết sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.
Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, nên nhiều năm nay, gia đình anh Si Môn bán được giá cà phê cao hơn so với giá thị trường 1.500 đồng/1kg. “Trước kia đất của mình bị chai, cứng, nhưng hiện nay thì đang thay đổi, dần tơi xốp hơn. Trong đất có nhiều vi sinh vật sinh sống. Cây cà phê cũng đang khoẻ dần lên, năng suất ổn định, không bị tình trạng năm được mùa, năm mất mùa như trước nữa”, anh Si Môn chia sẻ.
Phất lên nhờ làm cà phê sạch
Trong khi đó, HTX Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), với lợi thế của huyện Đăk Hà là vùng trồng cà phê nhiều nhất của tỉnh Kon Tum, HTX đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cà phê hữu cơ như công nghệ tưới tiết kiệm hay công nghệ ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê…
Cà phê hữu cơ đã được nhiều hộ dân Tây Nguyên chọn là cây xoá đói giảm nghèo. |
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX cho biết, với nguồn nguyên liệu sẵn có và thế mạnh về cà phê của địa phương, HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến cà phê bột pha phin mang thương hiệu Cà phê đặc biệt Sáu Nhung.
Các sản phẩm cà phê của đơn vị được sản xuất khép kín từ đầu quá trình nguyên liệu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm Cà phê đặc biệt Sáu Nhung đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Từ việc chỉ có 7 thành viên vào năm 2016, đến nay, HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung đã có 115 thành viên; trong đó có 34 thành viên chính thức và 81 thành viên liên kết, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ. Tổng doanh thu của đơn vị cũng không ngừng nâng lên, từ khoảng 1,6 tỷ vào năm 2016 lên trên 18 tỷ đồng vào năm 2021.
Khi HTX chưa ra đời, các hộ nông dân tại xã Hà Mòn huyện Đắk Hà sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy trình, tiêu chuẩn nên thường bị thương lái ép giá với lý do cà phê không đạt chất lượng.
Từ khi có HTX, nông dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ được HTX đảm bảo nên giá cả ổn định, lợi nhuận từ sản xuất cà phê tăng từ 15-20%/ năm so với trước đây. Do đó, đời sống kinh tế của các hộ thành viên được cải thiện và nâng cao. Thành viên mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất vì không lo đầu ra như những năm trước đó.
Anh Ynê K’Đăm, thành viên HTX chia sẻ, lúc đầu gia đình tôi tự sản xuất cà phê theo kinh nghiệm truyền thống, diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Đến mùa thu hoạch bán ra ngoài thường hay bị tư thương ép giá, người ta chê sản phẩm của mình là không đạt chất lượng. Từ khi được HTX Sáu Nhung vận động vào thành viên HTX, làm theo quy trình hữu cơ của HTX đưa ra, áp dụng các tiến bộ khoa học như công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân chi phí nhân công giảm, lượng phân bón đầu tư giảm rất nhiều.
"Hiệu quả trong sản xuất cà phê được nâng lên, sản phẩm cà phê chúng tôi làm ra đẹp hơn, chất lượng tốt hơn và tiêu thụ thì đã có HTX đứng ra lo, nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư sản xuất”, anh Ynê K’Đăm nói.
Có thể thấy, mục tiêu hình thành và phát triển các vùng cây cà phê tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo hướng hữu cơ tuần hoàn, đã nâng cao thu nhập cho nông dân, thành viên HTX. Nhằm đưa cây cà phê là một trong những cây trồng mà nhiều hộ dân Tây Nguyên chọn để xoá đói giảm nghèo và khởi đầu cho phát triển kinh tế mới.
Đoàn Huyền