Thạnh Tân là một trong những xã thuộc khu vực núi Bà Đen và nức tiếng với loại cây mãng cầu. Nhằm biến vùng trồng mãng cầu quanh núi Bà Đen và vùng phụ cận trở thành vùng chuyên canh mãng cầu lớn nhất cả nước, HTX mãng cầu Thạnh Tân ra đời với mong muốn cùng người dân và chính quyền thực hiện tâm huyết đó.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Theo Ban giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân, tuy là cây truyền thống của địa phương nhưng cũng có thời gian, mãng cầu bị người tiêu dùng, đặc biệt là người dân trồng loại cây này quay lưng vì không có đầu ra. Đứng trước khó khăn đó, HTX đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.
“Đây chính là cách bảo đảm sản phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng, từ đó giúp họ thay đổi cách nhìn về trái mãng cầu. Tiếp đến là chứng minh cho người nông dân thấy lợi ích của việc làm ra trái mãng cầu chất lượng”, ông Hà Chí Mãng - Giám đốc HTX mãng cầu Thạnh Tân cho biết.
Sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ. Thay vào đó là tập trung sử dụng những loại thuốc, phân bón có trong danh mục cho phép và sử dụng theo tiêu chuẩn “4 đúng”.
HTX mãng cầu Thạnh Tân chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP (Ảnh: TL) |
Mục đích của hướng canh tác này là không chỉ chú trọng phát triển sản xuất ở hiện tại mà còn tính tới tương lai trong việc cải tạo đất, làm cho đất ngày càng màu mỡ, tốt hơn, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trên vườn cây của người nông dân.
Sức khoẻ của người sản xuất cũng ít bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học độc hại. Một điều quan trọng nữa là sản phẩm mà nông dân làm ra sẽ được thị trường đón nhận, nâng niu hơn sản phẩm thông thường.
Nhờ đẩy mạnh liên kết, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Với sự hiệu quả của mô hình sản xuất, HTX đã thu hút được 18 thành viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác 90 ha, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật tiến tiến như áp dụng công nghệ tưới để tiết kiệm nước, bảo quản để chậm chín…
Để đưa được sản phẩm của mình ra thị trường, ban đầu, HTX cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc Hà Chí Mãng chia sẻ, bà con đã quen với tập quán canh tác truyền thống nên khi bắt đầu làm theo quy trình mới, như ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhiều người cảm thấy bị bó buộc. Trước đây, nông dân chưa bao giờ bao trái nhưng bây giờ phải tuyển chọn, bao trái lại để không bị ruồi vàng tấn công. Khi thu hoạch phải chọn những trái nở gai, đủ độ già mới hái nhưng do bao trái nên sẽ khó nhìn thấy hơn…
Bên cạnh đó, chăm sóc theo quy trình sản xuất an toàn thì chi phí chăm sóc, độ khó cũng tăng lên nên nông dân dễ chán nản. Do đó, cán bộ kỹ thuật của HTX đã phải thường xuyên đồng hành, hướng dẫn cho nông dân, tập cho họ làm quen dần với quy trình canh tác mới. Đến vụ thứ hai, thứ ba thì nông dân sẽ thấy cây tốt hơn, chăm sóc nhẹ nhàng hơn…
Đến nay, những nông dân liên kết sản xuất với HTX đã quen với quy trình sản xuất này và hầu như không còn gặp khó khăn nữa.
Theo anh Nguyễn Thành Hải, hộ liên kết với HTX, mọi việc trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ giờ đây đã thuận lợi hơn nhiều. Gia đình anh và các lao động làm việc rất nhanh. Hơn nữa, trồng mãng cầu theo quy trình VietGAP, anh Hải nhận thấy cây tốt, xanh hơn, trái thu hoạch cũng to hơn, nhờ bao trái nên hạn chế đáng kể ruồi vàng gây hại. Hơn nữa, anh còn an tâm hơn về đầu ra bởi giá bán ổn định nhờ có HTX đứng ra thu mua.
Lực đẩy nông thôn mới
Từ khi áp dụng sản xuất theo quy trình an toàn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bắt đầu phát triển, giá bán sản phẩm lên tới 50 - 70.000 đồng/kg, nên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của HTX cũng như của người lao động ổn định. Bình quân 1 ha mãng cầu đạt lợi nhuận 180 - 200 triệu đồng/năm.
HTX Thạnh Tân giúp địa phương hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân địa phương, mô hình sản xuất của HTX Thạnh Tân còn góp phần xây dựng và phát triển vùng sản xuất cây mãng cầu theo hướng bền vững, khẳng định chất lượng quản mãng cầu núi Bà Đen.
Mô hình sản xuất theo chuỗi của HTX đã góp phần giúp xã Thạnh Tân hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhận thấy vai trò của HTX, chính quyền Thạnh Tân đã tạo điều kiện để HTX mở rộng diện tích thông qua việc tích tụ ruộng đất, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về mô hình HTX kiểu mới để thu hút người dân tham gia làm thành viên hoặc liên kết làm vệ tinh cho HTX.
Theo đánh giá của chính quyền, mô hình sản xuất của HTX Thạnh Tân chính là nền tảng quan trọng để xã xây dựng tiêu chí số 13 thực sự bền vững, góp phần đưa địa phương sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 3 vừa qua.
Như Yến