HTX mật ong Cường Nga ở Sơn Diệm (Hương Sơn) đầu tư hệ thống máy hạ thủy để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa trước khi đóng sản phẩm đưa ra thị trường (Ảnh: TL) |
Hương Sơn là huyện miền núi của Hà Tĩnh, có diện tích tự nhiên khá lớn, trong đó chủ yếu là rừng và đất rừng, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, tình trạng nuôi ong vẫn còn tự phát, manh mún nhỏ lẻ. Vì vậy, năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm không cao.
Để giúp người dân nâng cao lợi ích từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững của mô hình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND huyện Hương Sơn và chính quyền các xã có người nuôi ong thành lập các HTX nuôi ong với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi ong, đảm bảo cho các hộ gia đình có ong nuôi lấy mật tự tin mở rộng sản xuất, để từ đó nâng cao sản lượng chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu mật ong Hương Sơn, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Tiêu chuẩn VietGAP
Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Hương Sơn đang có khoảng 13.000 đàn ong lấy mật, trong đó riêng thị trấn Tây Sơn có khoảng 1.000 đàn ong. Để tăng tính cộng đồng trong nuôi ong và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, thị trấn đã thành lập HTX nuôi ong Tây Sơn với 20 thành viên tham gia triển khai mô hình nuôi ong theo hướng VietGAP, nhằm đảm bảo năng suất chất lượng.
Theo đó, các hộ đã chọn các thùng ong được đặt gần nguồn thức ăn, nước sạch, bóng râm và xa nguồn ô nhiễm về chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, khu vực phun thuốc trừ sâu, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt đảm bảo không bị phá hoại hay bị súc vật tấn công, không nguy hiểm do hỏa hoạn và lũ lụt.
Qua gần một năm triển khai, theo đánh giá nhóm tư vấn VietGAP trên cơ sở phân tích mẫu đất, mẫu nước vùng nuôi và mẫu mật ong thì các chỉ số kim loại như arsen, cadimi, chì… đều nằm ở ngưỡng cho phép. Ngày 15/11/2019, Tổ chức NHONHO đã cấp giấy chứng nhận mật ong thị trấn Tây Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Thanh Long, thành viên HTX chia sẻ: "Nuôi ong lấy mật là một nghề không tốn nhiều công, vốn đầu tư ban đầu ít, dễ chăm sóc nếu hiểu rõ loài ong. Tuy nhiên, nghề này nhiều khi cũng gặp rủi ro bởi nếu không khảo sát kỹ khu vực vườn đồi gửi ong, đàn ong sẽ bị nhiễm hóa chất do người làm vườn phun xịt để kháng bệnh cho cây trồng. Vì thế, người nuôi ong cần có kinh nghiệm và theo dõi sát sao từng giai đoạn phát triển của ong”.
Thực tế, đã có không ít gia đình nuôi ong mật thất bại. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do hiện tượng “ong bốc bay”. Hiện tượng này được hiểu là sự bỏ tổ ra đi của toàn bộ đàn ong. Đây là một bản tính tự nhiên đã được hình thành trong quá trình hoạt động của loài ong nhằm bảo tồn nòi giống. Ngoài ra, “ong bốc bay” còn do sai sót về kỹ thuật của người nuôi, công tác phòng chống bệnh cho ong không đảm bảo. Do "ong bốc bay" nên đàn ong phát triển lệ thuộc vào số đàn bắt lại được, năng suất và sản lượng mật sẽ giảm đi rất nhiều, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Tuy nhiên, kể từ khi tham gia HTX và được hướng dẫn nuôi ong theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người nuôi ong giảm được chi phí sản xuất như: giảm chi phí mua thức ăn bổ sung, chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm tỷ lệ “ong bốc bay” làm tăng sản lượng mật và mật ong đảm bảo chất lượng.
Lãnh đạo HTX cho biết, với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới HTX sẽ tiếp tục phát triển nghề nuôi ong bền vững và tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời hướng tới xây dựng thành công thương hiệu mật ong Tây Sơn. Từ đây, những cơ sở sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo thị trường ổn định.
3 tháng thu hơn 500 triệu đồng
Từ thành công của HTX nuôi ong trên địa bàn Tây Sơn, nhiều xã khác trong huyện Hương Sơn cũng thành lập HTX để gắn kết người nuôi ong lại với nhau để phát triển mô hình nuôi ong bền vững và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao cho các thành viên.
Các sản phẩm mật ong của các HTX trên địa bàn huyện Hương Sơn đang dần khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm (Ảnh: TL) |
HTX Mật ong Cường Nga ở Sơn Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh) ra đời tháng 8/2019, với 9 thành viên chính thức và liên kết với hàng chục hộ dân nuôi ong lấy mật trên địa bàn.
Tham gia nuôi ong theo mô hình VietGAP, các thành viên không còn lo lắng về việc bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bởi, mật ong sau khi thu hoạch từ trang trại, được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, sản phẩm mật ong Cường Nga xuất ra thị trường đều đạt chuẩn về chất lượng, không bị bồi lắng, không lên men trong quá trình bảo quản. Toàn bộ sản phẩm được dán nhãn mác thương hiệu và mã vạch đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội và tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm. Sau 3 tháng thành lập và đi vào hoạt động, HTX đã bán ra thị trường trên 2.500 lít mật, doanh thu hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, thị trường đã được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, vào miền Nam và có mặt tại một số siêu thị.
Hiện nay, mỗi chai mật ong có giá bán từ 150.000 – 200.000 đồng, nên các thành viên rất phấn khởi. “Nghề nuôi ong mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân địa phương, góp phần thực hiện đề án phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”, một thành viên cho hay.
Vừa qua, sản phẩm mật ong Cường Nga đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là sản phẩm đầu tiên của huyện Hương Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Có thể thấy, ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Sơn còn góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hà An