Ông Niê là thành viên của HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu. Kể từ khi bước qua tuổi lục tuần, ông bàn giao phần lớn đất canh tác cho các con, chỉ giữ lại hơn 1 ha để tự sản xuất. Trên diện tích không quá lớn, ông thực hiện chiến lược đa dạng cây trồng với cà phê, hồ tiêu, và sầu riêng.
Trồng cây gì cũng trúng lớn
Niên vụ vừa qua, giá cà phê “lên đỉnh”, khu trồng cà phê của gia đình ông Niê cho tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Đứng giữa vườn cà phê vừa được cắt tỉa cành, tạo tán, chuẩn bị đón mùa hoa mới, ông bảo chưa bao giờ cà phê lại được giá như năm nay.
“Vào cuối vụ, có thời điểm giá cà phê chạm ngưỡng hơn 100 nghìn đồng/kg, người trồng cà phê ở Ea Tu đứng ngồi không yên. Không chỉ các hộ sản xuất, lao động thời vụ cũng vui vì công thu hái, công cắt cành… cũng tăng. Chuyện hi hữu thôi nhưng phải nói là không bao giờ ngờ đến”, ông Niê hồ hởi nói.
Sau thời gian bị "thất sủng", cây cà phê liên tục được mùa, trúng giá trong 2 năm trở lại đây. |
Cùng với cà phê, giá hồ tiêu trên địa bàn Buôn Ma Thuột năm nay cũng liên tục tăng mạnh so với những năm trước. Với mức bình quân 65-80 nghìn đồng/kg, về cuối vụ lên tới hơn 100 nghìn đồng/kg, các nhà vườn có thể thu về 160-250 triệu đồng/ha.
Cả hồ tiêu và cà phê đều cho thu nhập cao chưa từng có, nhưng theo ông Niê, sầu riêng mới là cây “vô địch” về lợi nhuận của vụ vừa qua. Tính riêng 50 gốc sầu riêng 7 - 8 năm tuổi, năm 2023, ông Niê thu về khoảng 700 triệu đồng, nhờ giá bán đạt mức 72.000 - 73.000 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 35.000 đồng/kg.
"Năm 2024 này, vì cây sầu riêng đang thể hiện ưu thế vượt trội nên tôi quyết định mở rộng số lượng sầu riêng thêm 50 gốc. Nếu giá bán tiếp tục ổn định như hiện tại, cây sầu riêng sẽ tiếp tục là cây làm giàu của gia đình tôi nói riêng và các hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Tu nói chung", ông Y Drin Niê chia sẻ.
Krông Pắk cũng là một trong những thủ phủ trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, với hàng ngàn hộ dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Viết Sửu có 2 ha sầu riêng, vụ vừa qua thu được khoảng 60 tấn. Với mức giá trung bình 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 3,5 tỷ đồng.
Ông Sửu cho hay lợi thế của gia đình ông là có vườn sầu riêng già, chỉ rộng hơn 7 sào với 87 cây nhưng năng suất, chất lượng đều vượt trội. “Có những cây sầu riêng đạt sản lượng 4 tạ quả, tương đương hơn 30 triệu đồng/cây”, ông Sửu nói.
Ấn tượng từ các HTX
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu (TP.Buôn Ma Thuột), cho hay sau hai năm giá các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, hay cả lúa liên tục tăng giá phi mã, giờ ra ngõ là có thể bắt gặp tỷ phú.
Như tại HTX Eatu đang có gần 50 thành viên. Bình quân mỗi hộ thành viên hiện có khoảng 1,5 ha đất sản xuất xen canh cả cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Ngoài ra HTX còn liên kết và hợp tác với nhiều bà con địa phương với tổng diện tích lên tới hơn 1.400 ha.
Trồng sầu riêng xen canh hồ tiêu cũng liên tục thắng lớn, giúp nông dân Đắk Lắk thành tỷ phú. |
Tính bình quân trên mỗi ha, liên tiếp 2 vụ gần nhất, riêng cà phê năng suất khoảng 3 tấn tương đương 200 triệu đồng, cộng thêm khoảng 2 tấn hồ tiêu (trồng xen canh) với giá 80.000 đồng/kg tạo nguồn thu thêm 160 triệu đồng, đặc biệt là 10 tấn sầu riêng thêm khoảng 700 triệu đồng.
"Nhờ các loại cây trồng đều được mùa, trúng giá, thu nhập của thành viên HTX năm 2023 đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha. Trừ hết chi phí, bà con còn lời khoảng 50 - 70%. 2 năm liên tiếp trúng lớn nên giờ ra đường bắt gặp một nông dân tỷ phú ở Đắk Lắk giờ không có gì lạ nữa", ông Trọng hồ hởi kể.
Có thể thấy, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển sản phẩm thế mạnh trên địa bàn tỉnh, các HTX đang thể hiện vai trò chủ thể quan trọng. Như ở huyện Krông Bông, hàng loạt HTX ra đời trở thành điểm tựa cho nông dân trong quá trình sản xuất.
Điển hình HTX nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình, xã Cư Kty. Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha, đến nay cùng với sự đồng hành của HTX Thăng Bình, mô hình đã lan tỏa đến nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mở “sân chơi” OCOP
Hay như tại Krông Pắc có HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat là nhân tố quan trọng giúp xã Hòa Đông hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới như hình thức tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn, môi trường, giảm nghèo, an ninh-trật tự…
Bà H’Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat cho biết, sản phẩm cà phê bột của đơn vị vừa được gắn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn. Bởi sau khi đạt chứng nhận OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều.
Nhờ sự đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, cùng những chiến lược phát triển phù hợp, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 110 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao (16 sản phẩm đạt 4 sao, 94 sản phẩm đạt 3 sao) của gần 50 xã, phường, với các chủ thể là HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Dù không vượt trội về số lượng, nhưng chất lượng các sản phẩm lại nổi bật.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP rất phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương. Đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng…
Thời gian tới, chương trình OCOP sẽ tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng để mở “sân chơi” cho các HTX, doanh nghiệp, người nông dân phát huy nội lực, đưa nông sản đi xa hơn, từ đó ổn định thị trường, gia tăng giá trị nông sản, làm giàu bền vững.
Mỹ Chí