Sinh ra ở vùng quê thuần nông xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, nên ngay từ khi còn trẻ, tình yêu với cỏ hoa đồng nội đã ngấm vào suy nghĩ của anh Bùi Đình Hội. Cùng với khát vọng khởi nghiệp, anh Hội trở về và quyết tâm tạo khác biệt với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Làm mới tư duy
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Hội chia sẻ cả anh và vợ đều là dân lao động, nhưng thuận lợi hơn là vợ anh có nhiều năm làm việc trong một trang trại nông nghiệp tại Nhật Bản, vì vậy kiến thức và trải nghiệm với nông nghiệp công nghệ cao là hành trang quý giá.
Dựa trên điểm tựa ấy, ngay từ khi bắt đầu, anh Hội và vợ đã xác định phải làm nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sự khác biệt. Vừa học hỏi cách làm nông nghiệp của người Nhật, vừa biến hóa để phù hợp với thực tế tại địa phương, anh Hội tiến hành dựng nhà lưới để trồng dưa chuột theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Nông nghiệp công nghệ cao đang là điểm tựa giúp nhiều nông dân, HTX ở Nghệ An nâng cao thu nhập. |
“Trong khu trồng dưa, chúng tôi tuân thủ tuyệt đối các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, theo dõi hồ sơ và nhật ký canh tác ở từng khâu; đất trồng phải cách ly khu vực bị ô nhiễm; rễ của dưa chuột yếu nên khi làm đất phải cày bừa kỹ cho đất tơi xốp…”, anh Hội cho hay.
Việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại nhanh chóng giúp mô hình trồng dưa chuột của gia đình anh cho kết quả tích cực. Dưa cho thu hoạch chỉ sau 2 tháng, ngắn hơn cách sản xuất cũ từ 2-4 tuần. Đặc biệt, nhờ chất lượng vượt trội, dưa sau thu hoạch được giá rất cao, bình quân 20-25 nghìn đồng/kg.
Với năng suất, chất lượng vượt trội, hiện khu nhà màng rộng 2.500m2 trồng dưa chuột của gia đình anh Hội cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm. Thành công của mô hình trồng dưa cũng là bàn đạp để anh tiếp tục mở rộng sang các mô hình khác.
Từ diện tích ban đầu chưa đầy 2.500 m2, anh Hội tiếp tục mở rộng khu nhà lưới lên 5.000 m2. Bên cạnh dưa chuột, anh đưa cây nho hạ đen vào sản xuất. Cũng với công thức tương tự, nho cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu bình quân đạt 250-300 triệu đồng/năm.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, trang trại sản xuất tổng hợp (bên cạnh dưa, nho, còn có ao cá, sản xuất giống cây…) của gia đình anh Hội còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/tháng.
Chủ động liên kết
Bên cạnh những mô hình khởi nghiệp cá nhân, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang thành công nhờ chủ động liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác, qua đó tạo nên bước đột phá, nâng cao giá trị canh tác, thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Đơn cử, những năm qua, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đang là hướng đi mang lại nhiều giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Với tư duy khác biệt, nông dân tự tin tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, thu lợi nhuận vượt trội.
Trong quá trình đổi mới sản xuất ở xã Nghĩa Thuận, HTX công nghệ cao Nông Thịnh được thành lập với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”. Nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên.
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiếp tục là định hướng phát triển, nhằm giúp nông dân làm giàu ở Nghệ An. |
Trong chuỗi phát triển sản phẩm sạch trong nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, với diện tích 2.500m2 sẽ cho ra 1.300 trái dưa với sản lượng gần 3 tấn (mỗi trái nặng 1,5 - 2kg), mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 - 200 triệu. Trong một năm, thành viên HTX có thể sản xuất 3 vụ dưa lưới với tổng sản lượng trên 20 tấn dưa lưới và 1 vụ dưa chuột, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng”, Giám đốc Trần Hoài Thanh chia sẻ.
Nhờ sản xuất ổn định, 100% thành viên HTX đang có mức thu nhập cao. Người lao động HTX có thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, HTX là địa chỉ tin cậy của nông dân địa phương đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình.
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Cùng với Nghĩa Thuận, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, cũng đang có những thành công ấn tượng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả cao cho người dân. Một trong những mô hình nổi bật tại Tây Hiếu là mô hình vườn mẫu, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.
Trên diện tích gần 1 ha đất vườn, trước đây gia đình ông Ngô Sỹ Thể xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu chủ yếu trồng cà phê, chanh sau đó thực hiện cải tạo vườn tạp, gia đình đã chuyển sang trồng cây ăn quả gồm mít thái và na. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc cũng chỉ mang tính tự phát, hiệu quả thấp.
Đầu năm 2022, qua khảo sát, UBND thị xã Thái Hòa đã quyết định chọn vườn của gia đình ông để xây dựng vườn chuẩn. Theo đó, ông Thể đã được các cấp hỗ trợ về cây giống, vốn để lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết kế lối đi cho khu vườn được thông thoáng.
“Việc tổ chức sản xuất khoa học giúp các loại cây ăn quả trong vườn nhà tôi sinh trưởng tốt hơn, các loại chi phí đầu vào như giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm 30-55%. Giá trị kinh tế dự kiến sẽ tăng bình quân 50-60 triệu/ha/năm”, ông Thể phấn khởi nói.
Có thể thấy, sự chủ động, sáng tạo của nông dân trong sản xuất, cùng định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của tỉnh, đang tạo bàn đạp cho hàng trăm mô hình khởi nghiệp hiệu quả cao được hình thành ở Nghệ An.
Đáng chú ý, việc phát triển kinh tế số trong nông nghiệp của tỉnh cũng đạt được những thành công tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có gần 300.000 doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp đưa gần 9.000 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Với thành công đang có, thời gian tới, Nghệ An tiếp tục xây dựng đề án các vùng chuyên thâm canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và kêu gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết nối nông nghiệp thông minh… Đây sẽ là nền tảng để tỉnh tiếp tục “mở đường lớn” cho những mô hình khởi nghiệp cho doanh thu tiền tỷ ra đời và phát triển.
Lệ Chi