Bà Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (huyện Phú Xuyên), cho biết sau hai năm bị dịch Covid-19, năm nay, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi cũng là lúc HTX đang tận dụng các cơ hội, chính sách liên kết của Nhà nước, các địa phương thông qua tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa trên cả nước.
Thúc đẩy liên kết
Cụ thể, HTX Kim Thông là một trong 15 đơn vị được lựa chọn trưng bày sản phẩm hàng hóa tại Festival trái cây và các sản phẩm OCOP ở Sơn La vừa qua. Trước đó, HTX Kim Thông phối hợp cùng các HTX khác tham gia trưng bày gian hàng ở Huế, Lâm Đồng, Gia Lai…
Thực tế, TP Hà Nội đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La, Lâm Đồng, TP HCM… tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành nhằm hỗ trợ các HTX của Hà Nội và các tỉnh, thành khác quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng.
Việc đẩy mạnh liên kết vùng đã góp phần hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối tiêu thụ.
Tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành là cách giúp HTX Kim Thông mở rộng đầu ra và xây dựng thương hiệu. |
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết vùng còn giúp các HTX tiếp cận được các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng cung cầu không gặp nhau và hạn chế tổn thất cho nông dân, thành viên HTX.
Bà Vũ Thị Huyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cho biết, hiện HTX có 5ha trồng rau hữu cơ, hơn 1.500ha bưởi Diễn trồng theo hướng an toàn. Việc đẩy mạnh liên kết vùng, miền không chỉ giúp các thành viên HTX chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, mà còn giúp giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng 15-20% so với trước vì tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng.
Hay theo Giám đốc HTX rau quả an toàn Hồng Hà (Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh, thông qua chính sách liên kết vùng đã giúp HTX mở rộng được đầu ra, khẳng định được giá trị sản phẩm trên thị trường. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch 5 tạ rau cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu 3,5-4 triệu đồng.
“Việc hỗ trợ các HTX trên địa bàn đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khác đang từng bước giúp mô hình kinh tế tập thể, HTX ở Hà Nội thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường”, bà Vinh nói.
Động lực phát triển
Thực tế mỗi vùng, mỗi địa phương có những thế mạnh và hạn chế riêng. Điều đó đòi hỏi các HTX ở các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế vùng, nội vùng, đồng thời cùng giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, hai năm dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy, có thời điểm, nhiều loại nông sản của các HTX đang vào vụ thu hoạch nhưng lại đứng trước nguy cơ dư thừa, hay thực phẩm khó tiêu thụ được ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch.
Liên kết vùng giúp HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. |
Đến vụ thu hoạch, các HTX bị áp lực trước bài toán đầu ra cho nông sản. Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (Gia Lâm) chia sẻ, muốn tiêu thụ thuận lợi hàng chục tấn rau mỗi ngày không phải là chuyện đơn giản, bởi nguồn cung ngày một nhiều thì doanh nghiệp càng đòi hỏi khắt khe.
Tuy nhiên, nếu biết liên kết giữa các vùng miền, đầu ra cho nông sản của các HTX sẽ thuận lợi hơn, không rơi vào cảnh “được mùa mất giá” mà lại đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Tiêu biểu như HTX Văn Đức, dù dịch bệnh nhưng nhờ đẩy mạnh liên kết nên ngoài xuất rau cho các tỉnh lân cận, HTX còn cung cấp rau cho các vùng đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, mỗi ngày HTX cung cấp khoảng 2-3 tấn rau các loại cho hệ thống siêu thị và 30-35 tấn rau bán tại chợ đầu mối thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
Nắm bắt được điều này, thời gian qua, liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp được đẩy mạnh, tạo động lực trong phát triển kinh tế và phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Thủ đô.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngoài liên kết với các tỉnh, thành tổ chức các hội chợ xúc tiến nông sản, sản phẩm OCOP, Hà Nội còn tổ chức các chương trình "Khuyến mại tập trung TP Hà Nội" và "Tuần hàng Việt" năm 2022; Chương trình thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam",…
Thành phố còn hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng Thủ đô; triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia….
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Văn Chí cho biết, việc thúc đẩy liên kết vùng đã tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước và trong sản xuất kinh doanh giữa các HTX, doanh nghiệp. Thông qua liên kết vùng, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Đặc biệt, thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX, các địa phương trong vùng đã cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách/dự án chung đối với kinh tế tập thể cũng như đối với vùng và liên vùng.
Ngoài ra, liên kết vùng còn góp phần đáng kể trong việc lôi kéo các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng, để tạo đầu kéo giúp các HTX phát triển...
Tùng Lâm