Dưới đây là góp ý Dự thảo lần 2 Luật Hợp tác xã sửa đổi của Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng, VnBusiness trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
1. Về tên gọi: Cơ bản thống nhất như Dự thảo Luật nhưng nên bỏ từ “các” và viết lại là “Luật tổ chức kinh tế hợp tác”.
2. Về độ dài của Dự thảo Luật là quá dài (73 trang), điều này làm cho người dân, nhất là tầng lớp nông dân và một bộ phận lớn người dân có trình độ thấp trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện. Do đó, kiến nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu, rút gọn độ dài của Dự thảo Luật, những vấn đề chưa cần thiết phải đưa vào luật nên bóc tách đưa vào Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật sau này, rút gọn Dự thảo Luật càng ngắn càng tốt để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện.
3. Về bố cục của Dự thảo Luật gồm có 05 phần, 15 chương, trong đó có phần chỉ có một chương, tạo ra sự rối rắm không cần thiết. Do đó, kiến nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu, xây dựng bố cục Dự thảo Luật ngắn gọn hơn, có thể rút gọn xuống còn 08 chương (bỏ bố cục chia theo 05 phần), cụ thể gồm có 08 chương như sau:
Chương 1. Những quy định chung
Chương 2. Hợp tác xã
Chương 3. Liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã
Chương 4. Tổ hợp tác
Chương 5. Tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã
Chương 6. Quản lý nhà nước về tổ chức kinh tế hợp tác
Chương 7. Chính sách hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác
Chương 8. Điều khoản thi hành.
4. Về các hình thức đối tượng thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác theo như Dự thảo Luật là chưa rõ, do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ hơn. Cụ thể đó là:
4.1. Quy định về thành viên chính thức phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện, đó là: góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác hoặc góp sức lao động (tại khoản 20 Điều 4 Dự thảo Luật)
Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì, trên thực tế đã có nhiều thành viên góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã trong thời gian rất dài, vi phạm quy định Luật HTX năm 2012 nhưng vẫn không thể xử lý chấm dứt tư cách thành viên được do đây là thành viên góp vốn. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn quy định bổ sung thêm điều kiện “hoặc góp sức lao động”. Theo đó, “góp sức lao động là việc thành viên tham gia xây dựng tổ chức kinh tế hợp tác dưới các hình thức trực tiếp quản lý, trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, tư vấn, môi giới và các hình thức tham gia lao động khác” (tại khoản 10 Điều 4 Dự thảo Luật), giải thích từ ngữ này là chưa rõ do không phân biệt rõ giữa thành viên và người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, kiến nghị sửa đổi quy định “thành viên chính thức” thành “thành viên góp vốn” và sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ các vấn đề sau:
a) Vấn đề cốt lõi của việc xác lập tư cách thành viên góp vốn
Việc xác lập tư cách thành viên góp vốn trong tổ chức kinh tế hợp tác là khi thành viên thực hiện hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ theo cam kết và theo quy định của pháp luật và điều lệ (về quy định mức vốn góp tối đa và tối thiểu), lúc này thành viên góp vốn đã xác lập đầy đủ quyền sở hữu, quyền lợi ích và tư cách thành viên của họ trong tổ chức kinh tế hợp tác, ngoài ra không nên ràng buộc thêm điều kiện thứ hai nào nữa đối với thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác phát triển thành viên góp vốn, thu hút vốn góp của thành viên để đầu tư phát triển, do đó, kiến nghị bỏ quy định về “sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác hoặc góp sức lao động” (tại khoản 20 Điều 4 Dự thảo Luật) đối với thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác phát triển.
Thành viên góp vốn muốn trở thành thành viên liên kết thì phải có ký kết hợp đồng dịch vụ (đầu vào, đầu ra) với tổ chức kinh tế hợp tác và phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ đã được ký kết đó.
Thành viên góp vốn muốn trở thành người lao động làm việc trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, vị trí việc làm và điều kiện tuyển dụng lao động của tổ chức kinh tế hợp tác và phải có ký kết hợp đồng lao động với tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, thành viên góp vốn luôn được ưu tiên xét tuyển lao động hơn so với các đối tượng khác nếu thành viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, vị trí việc làm và điều kiện tuyển dụng lao động.
b) Những vấn đề cốt lõi về quyền và lợi ích của thành viên góp vốn
Với việc xác lập tư cách thành viên góp vốn như trên (theo điểm a khoản này) nên thành viên góp vốn phải được bảo đảm các quyền và lợi ích cốt lõi cho họ, cụ thể như: Được chia lợi nhuận theo số vốn đã góp; được tham dự đại hội, hội nghị thành viên; được phát biểu ý kiến và biểu quyết tại đại hội, hội nghị thành viên; được ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của tổ chức kinh tế hợp tác; được kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác; được yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội, hội nghị thành viên bất thường; được cung cấp đầy đủ thông tin về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác; được chuyển nhượng vốn, cho thừa kế vốn và được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật…
Đối với chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc của tổ chức kinh tế hợp tác do thành viên góp vốn đảm nhiệm hoặc thuê ngoài. Quy trình thủ tục bổ nhiệm hoặc thuê ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Vấn đề cốt lõi của việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn
Việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn là khi thành viên có đơn xin rút vốn hoặc xin chuyển nhượng vốn hoặc xin cho thừa kế vốn và được hội đồng quản trị tổ chức kinh tế hợp tác xem xét, đồng ý, lúc này tư cách thành viên góp vốn mới chính thức chấm dứt và đây chính là vấn đề cốt lõi của việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn, ngoài ra còn có các vấn đề khác liên quan đến việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thành viên góp vốn trong HTX là đối tượng thành viên tiềm năng được quyền tham gia ký kết hợp đồng dịch vụ. |
4.2. Quy định về thành viên liên kết có góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động (tại khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật).
Quy định này thực chất đây là đối tượng thành viên góp vốn. Tuy nhiên, thành viên góp vốn nhưng không được phân phối thu nhập theo điểm b) khoản 1 Điều 67 Dự thảo Luật và không được quyền tham gia quản lý tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể là: không được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội, hội nghị thành viên; không được biểu quyết; không được ứng cử, đề cử để đại hội, hội nghị bầu vào các chức danh, chức vụ; không được kiến nghị, yêu cầu… theo điểm d) đ) e) g) khoản 1 Điều 67 Dự thảo Luật là không hợp lý, không tạo động lực để thu hút thành viên góp vốn, mà còn tạo ra rào cản phát triển của tổ chức kinh tế hợp tác, đi ngược quan điểm chỉ đạo của Đảng “Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm” (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị TW5 khóa XIII của Đảng).
Do vậy, kiến nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật sửa đổi đối tượng “thành viên liên kết có góp vốn” thành “thành viên góp vốn” và bổ sung các quyền và lợi ích của thành viên góp vốn là “được chia lợi nhuận” và “được quyền tham gia quản lý tổ chức kinh tế hợp tác”.
Những vấn đề cốt lõi của việc thực hiện nghĩa vụ để xác lập tư cách thành viên góp vốn, việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn, các quyền và lợi ích của thành viên góp vốn thì đã được nêu ở trên (khoản 4.1 Điểm này).
4.3. Quy định về thành viên liên kết không góp vốn là thành viên đóng phí thành viên liên kết, không góp vốn và đáp ứng ít nhất một trong hai điều kiện, đó là: a) Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác; b) Góp sức lao động.
Quy định này thực chất là thành viên liên kết. Do vậy, kiến nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật bỏ cụm từ “không góp vốn” đi liền theo sau cụm từ “thành viên liên kết” cho rõ nghĩa hơn. Tuy nhiên, việc quy định thành viên liên kết mà có đóng phí thành viên thì chỉ nên quy định thực hiện trong lĩnh vực phi nông nghiệp, còn lĩnh vực nông nghiệp thì không nên. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ các vấn đề về thành viên liên kết như sau:
a) Vấn đề cốt lõi để xác lập tư cách thành viên liên kết
Việc xác lập tư cách thành viên liên kết trong tổ chức kinh tế hợp tác là khi thành viên có ký kết hợp đồng dịch vụ (đầu vào, đầu ra) với tổ chức kinh tế hợp tác và phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ đã được ký kết đó.
b) Vấn đề cốt lõi của việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết
Việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết là khi thành viên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ đã được ký kết với tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian liên tục từ 02 năm trở lên (theo Luật HTX năm 2012) và đây chính là vấn đề cốt lõi của việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết, ngoài ra còn có các vấn đề khác liên quan đến việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Thành viên liên kết là đối tượng thành viên tiềm năng được quyền tham gia góp vốn để trở thành thành viên góp vốn và được quyền tham gia ký kết hợp đồng lao động để trở thành người lao động làm việc trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác nếu thành viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, vị trí việc làm và điều kiện tuyển dụng lao động của tổ chức kinh tế hợp tác.
4.4. Vấn đề về người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác, Dự thảo Luật chưa có quy định để làm rõ địa vị, pháp lý của họ trong tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, kiến nghị bổ sung quy định: “người lao động làm việc trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác là “người làm công hưởng lương”, thực hiện theo Bộ luật Lao động.
Việc xác lập tư cách người lao động làm việc trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác là khi người lao động thực hiện việc ký hết hợp đồng lao động với tổ chức kinh tế hợp tác và phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động đã được ký kết đó.
Việc chấm dứt tư cách người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác là khi người lao động có đơn xin thôi việc và được hội đồng quản trị, ban giám đốc xem xét, đồng ý cho thôi việc hoặc khi người lao động vi phạm quy định, quy chế làm việc của tổ chức kinh tế hợp tác…, ngoài ra còn có các vấn đề khác liên quan đến việc chấm dứt tư cách người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và đây chính là vấn đề cốt lõi của việc chấm dứt tư cách người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác.
Người lao động là đối tượng tiềm năng được quyền tham gia góp vốn để trở thành thành viên góp vốn và được quyền ký kết hợp đồng dịch vụ (đầu vào, đầu ra) với tổ chức kinh tế hợp tác để trở thành thành viên liên kết của tổ chức kinh tế hợp tác.
4.5. Từ những vấn đề đã được làm rõ như đã nêu trên (4.1, 4.2, 4.3, 4.4 Điểm này), do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về các hình thức đối tượng thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể gồm có 03 hình thức đối tượng thành viên chủ yếu trong tổ chức kinh tế hợp tác: một là “thành viên góp vốn”, hai là “thành viên liên kết” và ba là “người lao động” trong tổ chức kinh tế hợp tác.
Theo đó, một chủ thể thành viên có thể thực hiện nghĩa vụ để xác lập tư cách thành viên cho cả ba hình thức đối tượng thành viên (vừa là thành viên góp vốn, vừa là thành viên liên kết, vừa là người lao động) trong tổ chức kinh tế hợp tác hoặc chỉ thực hiện việc xác lập tư cách thành viên của một hoặc hai hình thức đối tượng thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác đều được.
5. Kiến nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ góp vốn của thành viên góp vốn. Nội dung kiến nghị bổ sung quy định như sau:
5.1. Về nghĩa vụ góp vốn của thành viên góp vốn: Thành viên góp vốn trong tổ chức kinh tế hợp tác là phải có nghĩa vụ góp đủ vốn điều lệ theo cam kết và theo quy định của pháp luật và điều lệ (về quy định mức góp vốn tối đa và tối thiểu). Trong quá trình hoạt động, nếu thừa vốn thì được trả lại; nếu thiếu vốn thì phải góp vốn bổ sung, nếu không góp vốn bổ sung thì thành viên góp vốn không còn quyền tham gia quản lý tổ chức kinh tế hợp tác.
5.2. Về quy định mức vốn góp tối đa là hoàn toàn thống nhất với Dự thảo Luật quy định, theo đó, hợp tác xã là không quá 30 % vốn điều lệ, liên hiệp hợp tác xã là không quá 40% vốn điều lệ.
5.3. Về quy định mức vốn góp tối thiểu cơ bản thống nhất như Dự thảo Luật quy định, theo đó, mức vốn góp tối thiểu là số vốn mà cá nhân hoặc pháp nhân phải góp vào vốn điều lệ để trở thành thành viên góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác. Đồng thời, kiến nghị bổ sung nội dung “Mức vốn góp tối thiểu do điều lệ tổ chức kinh tế hợp tác quy định”.
6. Để tổ chức quản lý dân chủ và bình đẳng trong tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm nguyên tắc đối nhân theo quan điểm chỉ đạo của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2020 Hội nghị TW5 khóa XIII), do đó, kiến nghị bổ sung một điều khoản dành riêng cho việc quy định về hình thức, nguyên tắc biểu quyết của tổ chức kinh tế hợp tác. Nội dung đề xuất như sau:
6.1. Quy định về hình thức biểu quyết của tổ chức kinh tế hợp tác là biểu quyết bằng giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do đại hội, hội nghị thành viên, cuộc họp hội đồng quản trị tổ chức kinh tế hợp tác quyết định.
6.2. Quy định về nguyên tắc biểu quyết của tổ chức kinh tế hợp tác là mỗi thành viên tham dự đại hội, hội nghị thành viên, cuộc họp hội đồng quản trị tổ chức kinh tế hợp tác được quyền biểu quyết một phiếu, phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít và không phụ thuộc vào chức danh, chức vụ trong tổ chức kinh tế hợp tác.
7. Kiến nghị xem xét quy định về lợi nhuận, về thặng dự, về thu nhập theo khoản 13, 23, 25 Điều 4 Dự thảo Luật. Theo đó: “Lợi nhuận là số hiệu doanh thu trừ đi chi phí của giao dịch bên ngoài”; “Thặng dư là hiệu số doanh thu trừ đi chi phí của giao dịch bên trong” và “Thu nhập là tổng thặng dư và lợi nhuận của tổ chức kinh tế hợp tác trong một năm tài chính”.
Với các quy định như Dự thảo Luật đã nêu là rất khó hiểu và rất khó thực hiện. Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, vấn đề thu nhập trong tổ chức kinh tế hợp tác là hoàn toàn không giống như Dự thảo Luật quy định, kể cả quy định về phân phối thu nhập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì lâu nay vẫn không thực hiện được trên thực tế. Do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ hơn về “Lợi nhuận” và “Thu nhập” (tại khoản 13, 25 Điều 4 Dự thảo Luật), bỏ quy định về “Thặng dự” (tại khoản 23 Điều 4 Dự thảo Luật), tạo điều kiện cho các hình thức đối tượng thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Nội dung đề xuất như sau:
7.1. Đề xuất bổ sung quy định đề “thu nhập” của mỗi hình thức đối tượng thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể là:
a) Thu nhập của thành viên góp vốn là được chia lợi nhuận theo số vốn đã góp sau khi đã được trích lập các quỹ theo quy định của pháp và điều lệ.
Lợi nhuận là số hiệu “doanh thu” trừ đi “chi phí” (chi phí này bao gồm cả chi phí giao dịch bên ngoài và bên trong, chi phí quản lý, lao động và các khoản chi phí khác…).
b) Thu nhập của thành viên liên kết: (1) là được hưởng lợi ích từ giá dịch vụ (đầu vào, đầu ra) theo hợp đồng dịch vụ đã được ký kết với tổ chức kinh tế hợp tác nhờ có sự liên hết, hợp tác “mua chung, bán chung”; (2) là từ sự chia sẽ lợi ích của tổ chức kinh tế hợp tác cho thành viên liên kết nhờ việc thực hiện các khâu dịch vụ sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm của tổ chức kinh tế hợp tác; (3) là được biểu dương, khen thương khi có đóng góp thành tích xuất sắc cho tổ chức kinh tế hợp tác và được hưởng các phúc lợi xã hội khác của tổ chức kinh tế hợp tác (nếu có).
c) Thu nhập của người lao động là được nhận lương, phụ cấp hàng tháng và các khoản thu nhập khác (nếu có) do tổ chức kinh tế hợp tác chi trả theo hợp đồng lao động đã được ký kết với tổ chức kinh tế hợp tác.
Một chủ thể thành viên nếu được xác lập cả ba tư cách thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác thì được hưởng cả ba khoản thu nhập nêu trên (a, b, c), hoặc chỉ xác lập tư cách thành viên của một hoặc hai trong ba tư cách thành viên thì chỉ được hưởng một hoặc hai trong ba khoản thu nhập nêu trên.
7.2. Kiến nghị bỏ toàn bộ nội dung Điều 59 Dự thảo Luật về phân phối thu nhập. Vì vấn đề thu nhập đã được làm rõ như trên (khoản 7.2 Điểm này).
8. Về quy định số lượng thành viên để thành lập tổ chức kinh tế hợp tác: Cơ bản thống nhất như Dự thảo Luật nhưng kiến nghị bổ sung quy định “góp vốn” gắn liến với trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên khi tham gia thành lập hợp tác xã. Theo đó, viết lại là:
8.1. Hợp tác xã
a) Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 05 thành viên tự nguyện góp vốn thành lập nhằm mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng cộng đồng tổ chức kinh tế hợp tác ngày một lớn mạnh, bền vững.
b) Thành viên, người lao động trong hợp tác xã, bao gồm: thành viên góp vốn, thành viên liên kết là cá nhân, pháp nhân và người lao động làm việc trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, hoạt động của hợp tác xã.
c) Hợp tác xã là thành viên của liên minh hợp tác xã cấp tỉnh nơi hợp tác xã đăng ký.
d) Khuyến khích hợp tác xã thành lập hoặc tham gia liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã.
8.2. Liên hiệp hợp tác xã
a) Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (nội dung đề xuất bổ sung), do ít nhất 03 hợp tác xã tự nguyện góp vốn thành lập nhằm mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường và xây dựng cộng đồng các tổ chức kinh tế hợp tác ngày một lớn mạnh, bền vững.
b) Liên hiệp hợp tác xã là thành viên của liên minh hợp tác xã cấp tỉnh nơi liên hiệp hợp tác xã đăng ký, đồng thời là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (nội dung đề xuất bổ sung).
c) Khuyến khích liên hiệp hợp tác xã thành lập hoặc tham gia liên đoàn hợp tác xã.
8.3. Liên đoàn hợp tác xã
a) Liên đoàn hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (nội dung đề xuất bổ sung), có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhất định, do ít nhất 05 liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã tự nguyện góp vốn thành lập nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và năng lực xuất - nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu thành viên, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình.
b) Liên đoàn hợp tác xã là thành viên của Liên minh HTX Việt Nam.
c) Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của liên đoàn hợp tác xã.
8.4. Tổ hợp tác
a) Tổ hợp tác là tổ chức kinh tế hợp tác không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện góp vốn thành lập nhằm hợp tác, hợp sức để phát triển sản xuất, kinh doanh (nội dung đề xuất bổ sung) theo quy định của pháp luật về tổ hợp tác (nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung)
b) Hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác được ký kết và thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
c) Tổ hợp tác là mô hình tiềm năng để phát triển thành mô hình hợp tác xã phát triển bền vững (nội dung đề xuất bổ sung).
9. Vấn đề quy định tại Điều 109 Dự thảo Luật về Liên minh Hợp tác xã là chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh tình hình hiện nay. Bởi vì, kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước khẳng định là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù Luật Hợp tác xã đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Tuy nhiên, đến nay khu vực này vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc xác lập cấu trúc thành viên của mô hình hợp tác xã chưa rõ, không tạo ra động lực để phát triển, nhận thức về mô hình hợp tác xã kiểu mới còn rất hạn chế nên rất cần có sự hỗ trợ xây dựng về tổ chức và hoạt động của mô hình hợp tác xã, rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác xã phát triển, trong đó Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế tập thể, luôn giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, theo đó, nhiệm vụ chính trị của Liên minh Hợp tác xã hiện nay chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ được giao, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể và đảm nhận thực hiện một số dịch vụ công để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đây là những nhiệm vụ trọng tâm, còn về thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể là một phần công việc rất nhỏ trong tổng thể công việc nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã; do đó, Dự thảo Luật lần này cần phải được làm rõ vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị TW5 khóa XIII, theo đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng là: “Củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; …đồng thời, nghiên cứu giao Liên minh Hợp tác xã thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Liên minh”. Do vậy, kiến nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật bỏ quy định về “Liên minh Hợp tác xã hoạt động theo các quy định của pháp luật về Hội” (tại Điều 109 Dự thảo Luật); đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định Điều 109 Dự thảo Luật về “Liên minh Hợp tác xã” như sau:
a) Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác do Đảng và Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ, được Nhà nước bảo đảm điều kiện, nguồn lực để Liên minh Hợp tác xã hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao.
b) Hệ thống Liên minh Hợp tác xã được tổ chức ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp Trung ương là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cấp địa phương là Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Thành viên chính thức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bao gồm: Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, thành phố; liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã và các tổ chức đại diện do các tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện thành lập trong phạm vi liên tỉnh, khu vực, vùng kinh tế (không thuộc phạm vị của một đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
d) Thành viên chính thức của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố, bao gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức đại diện do các tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện thành lập trong phạm vị của một đơn vị hành chính cấp, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, liên hiệp hợp tác xã là thành viên của liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố, đồng thời là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
đ) Điều lệ tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là có sự thống nhất về nội dung nhiệm vụ và tổ chức bộ máy. Điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc các tổ chức kinh tế hợp tác thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều lệ của liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố được đại hội đại biểu các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh, thành phố thông qua và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
e) Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và đại hội liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố là thống nhất trong nhiệm kỳ.
Phạm Công Chính
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Đà Nẵng