HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là đơn vị tiêu biểu của Hà Nội trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết “5 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà phân phối và người tiêu dùng).
Khẳng định giá trị
Giám đốc Phạm Thị Lý chia sẻ, năm 2017, HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Mục đích chính là xây dựng được mô hình để hỗ trợ nông dân sản xuất theo đúng quy trình và đảm bảo tiêu chuẩn. HTX chỉ đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức về sản xuất hữu cơ cũng như giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất.
Các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ ra đời đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. |
Đến nay, những chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng đã được đưa vào sử dụng tại HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương.
Chế phẩm sử dụng hiệu quả cả trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, làm tăng dưỡng chất hữu cơ vi sinh, đem lại sự cân bằng sinh thái trong đất.
Quy trình trồng rau, củ, quả ở HTX được thực hiện qua nhiều công đoạn như: Ủ phân chuồng, phân xanh với chế phẩm sinh học, bón vào đất để cải tạo độ cân bằng pH và chất dinh dưỡng. Việc xua đuổi, diệt trừ, làm suy yếu côn trùng cũng bằng các loại chế phẩm sinh học.
“Tôi cho rằng, không nên bóc lột “sức khỏe” của đất mà cần phải trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất. Đất có tốt thì cây mới phát triển tốt được. Cây tốt sẽ đẩy lùi được sâu bệnh. Nhờ vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm triển khai, các sản phẩm rau hữu cơ của HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng”, Giám đốc Phạm Thị Lý vui vẻ nói.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong 10 năm trở lại đây, các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố có những bước phát triển nhất định. Trung bình mỗi năm, các mô hình cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm.
Đáng chú ý, một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, gạo, bưởi… của nhiều HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, tiêu biểu như: HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng), HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), HTX Khai Thái (Phú Xuyên)… Doanh thu của những HTX này tương đối lớn vì đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo và được giá.
Sản xuất theo hướng “xanh” an toàn và hiệu quả
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu, những năm đầu bắt tay vào canh tác hữu cơ, hiệu quả mang lại còn khá thấp.
Nguyên nhân là thị hiếu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ nhìn chung còn khá mơ hồ nên việc tiêu thụ khó khăn. Thêm nữa, canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, trong khi sản lượng lại không cao bằng khi sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững đang là mục tiêu mà Hà Nội hướng tới. |
Dù vậy, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân không nản lòng. Đến nay, sản phẩm hữu cơ của HTX được cung ứng cho thị trường với mức giá bình quân lên tới 24.000 đồng/kg - cao gấp nhiều lần so với rau, củ, quả được gieo trồng theo phương thức truyền thống có sử dụng hoá chất. Điều đáng nói, dù giá rau màu rất cao nhưng hiện HTX cũng không đủ nguồn cung.
“Chất lượng luôn được HTX bảo đảm, điều này cũng giúp sản phẩm của HTX dễ dàng tiếp cận với thị trường. Năm 2021, HTX chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng hiện nay đang trên đà hồi phục phát triển. Do đó, doanh thu của HTX năm nay ước đạt khoảng 4,2 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2020 khoảng 400 triệu đồng”, Giám đốc Hoàng Thị Hậu chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con các địa phương chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Hà Nội sử dụng những năm qua luôn đứng ở nhóm thấp nhất so với các tỉnh, thành phố của cả nước.
Bên cạnh mặt tích cực do ứng dụng nông nghiệp hữu cơ đem lại đã rõ rệt, nhưng không phải người nông dân nào cũng có thể áp dụng được. Bởi, nền nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như khả năng cạnh tranh của các HTX sản xuất quy mô nhỏ, tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
“Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, ông Phương nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường bền vững là mục tiêu mà Hà Nội đang thực hiện để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp xanh, tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần cân bằng hệ sinh thái.
Kim Yến