Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút ít nhất 65% số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia hoặc sử dụng các dịch vụ của tổ hợp tác, HTX; tỷ trọng đóng góp vào GDP của địa phương đạt từ 5% trở lên. Để đạt mục tiêu, các HTX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa KTTT, HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển KT – XH, giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lò Thị Mỷ, cho biết, hoạt động của các HTX tác động khá mạnh vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Mặt khác, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao vai trò chủ thể trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên... Từ đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) được tôn vinh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. |
Nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh.
Điển hình như: HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) nhờ áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại cùng nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết độc đáo của núi rừng Tây Côn Lĩnh, đã chế biến thành công một số dòng sản phẩm cao cấp, nức tiếng trên thị trường. Trong đó, 2 sản phẩm: Trà xanh hộp 100gr và sản phẩm Hồng trà hộp 100gr được tôn vinh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) có thế mạnh chăn nuôi ong lấy mật với quy mô lên đến 3.000 đàn ong, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) nổi tiếng với các sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành vải, may mặc được dệt từ sợi Lanh trắng. Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX tiến hành liên kết sản xuất với 125 hộ dân, thuộc 7 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đồng Văn, trồng 80 ha cây Lanh trắng phục vụ dệt sợi. Qua đó, còn tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng cho các hộ dân.
Nâng cao đời sống các thành viên
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 27 HTX mới thành lập, giải thể 10 HTX, 100% HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Hiện, toàn tỉnh có 769 HTX và 1.451 tổ hợp tác (THT). Trong 6 tháng đầu năm, có 680 thành viên mới gia nhập HTX; 153 thành viên ra khỏi HTX; tổng số thành viên HTX đến nay có 22.150 thành viên và có trên 21.180 thành viên THT. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX gần 8.500 người; thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, khu vực KTTT còn có trên 21.000 thành viên là các hộ tham gia hoạt động của trên 1.400 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân trong khu vực HTX đạt trên 1.750 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong khu vực HTX đạt trên 42 triệu đồng/năm, tăng 144% so với năm 2015. Có 109 HTX sản xuất, chế biến với 133 sản phẩm hàng hóa được cung cấp ra thị trường tiêu thụ và 40 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP của tỉnh đạt khoảng 1,8%. Các HTX thu hút hơn 12.000 lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các HTX tích cực huy động thành viên tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM bằng các việc làm thiết thực, như: Hiến đất, đóng góp ngày công tham gia làm đường giao thông, nhà văn hóa, công trình thủy lợi; phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM…
Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực KTTT, HTX trong thời gian qua đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của tỉnh Hà Giang, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.
T.H