HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết ở xã Ea Kiết được xem là một trong những HTX đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao trên địa bàn huyện Cư M'gar.
Điểm sáng liên kết bền chặt ở Ea Kiết
Đơn cử như việc HTX này đã cung cấp sản lượng hằng năm hơn 700 tấn cà phê cho Công ty TNHH Dakman Việt Nam để sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn thương mại công bằng (Fairtrade) và sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho HTX và nông dân địa phương.
HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao cho các hộ dân trồng cà phê. |
Nhờ thúc đẩy mối liên kết như vậy đã giúp cho HTX đạt doanh thu gần 25 tỷ đồng/năm. Từ 48 thành viên góp vốn ban đầu, đến nay số lượng thành viên không ngừng tăng lên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161ha được chứng nhận Fairtrade.
Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất chế biến cà phê Honey, cà phê phân loại cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Phúc cho biết, đến nay, HTX có tổng cộng 97 thành viên tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững FLO với diện tích 183,3 ha, sản lượng hằng năm trên 5.000 tấn (bao gồm cà phê chứng nhận, cà phê phân loại, cà phê bột). Các thành viên HTX trồng cà phê theo tiêu chuẩn FLO khi bán ra, người mua trích lại cho người sản xuất hơn 440 USD/tấn.
Cùng với đó, người trồng cà phê có chứng nhận FLO luôn có giá bán ổn định. Đối với HTX thu mua cho các thành viên sau khi trừ chế biến thường cao hơn từ 4.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Nhờ tham gia HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, các thành viên được tập huấn những quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững nên đã góp phần tăng thu nhập. Nếu như năm 2011, bình quân thu nhập của các thành viên đạt từ 25 - 30 triệu đồng/ha, thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 50 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạch đó, HTX còn xây dựng nguồn quỹ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ xã hội ở xã Ea Kiết như: Đầu tư dây chuyền chế biến nông sản, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Nhờ đó đã giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hồi năm 2022 và đang giữ vững, nâng cao tiêu chí nông thôn mới.
Xây dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng
Còn tại xã Ea M'dróh vốn là vùng khó khăn của huyện Cư M'gar, để góp phần giúp cho xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng như tận dụng lợi thế của địa phương phát triển các sản phẩm nông nghiệp, cách đây 5 năm đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đại Phúc. Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi và chế biến gà hoa mơ, gà H'Mông.
Nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cư M’gar” được kỳ vọng mang lại sự đột phá cho các HTX tham gia vào chuỗi liên kết trồng sầu riêng ở huyện Cư M’gar. |
Cơ hội đang mở ra cho các thành viên kể từ khi HTX này có sản phẩm thịt gà đen Tây Nguyên (gà H'Mông) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được gắn “sao”, có thương hiệu, được khách hàng tin tưởng về chất lượng sản phẩm đã tạo lợi thế rất lớn đối cho HTX trong việc tìm kiếm đầu ra và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, thu nhập của HTX và các thành viên ngày càng ổn định và tăng cao, có năm thu nhập sau thuế của HTX đạt hơn 900 triệu đồng.
Cùng với 2 HTX nêu trên, từ sự nỗ lực, linh hoạt, nhạy bén của các HTX, tổ hợp tác, cộng với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể của Nhà nước và chính quyền địa phương, đã giúp cho hoạt động kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện ngày phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động.
Đến nay, huyện Cư M'gar có 51 HTX và 14 tổ hợp tác. Đa số các HTX, tổ hợp tác đều đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt, một số HTX có sự liên kết hợp tác với nhau trong từng khâu của quá trình sản xuất, cũng như liên kết với nông dân, các doanh nghiệp để sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm theo chứng nhận, bao tiêu sản phẩm.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các mô hình liên kết mang lại lợi ích lớn cho nông dân và HTX, tổ hợp tác trong việc giảm chi phí sản xuất, sản xuất trên quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều, canh tác bền vững và thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ sự phát triển của HTX và mô hình liên kết sản xuất, việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cư M'gar thời gian qua có nhiều thuận lợi. Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, có nhiều tiềm năng phát triển ổn định của huyện.
Cụ thể, có 1 sản phẩm thực phẩm (thịt gà đen H'Mông), 4 sản phẩm tinh bột nghệ, mật ong và 5 sản phẩm đồ uống. Từ lợi thế của mỗi sản phẩm được công nhận và sự chủ động của các chủ thể, một số sản phẩm OCOP của huyện đã và đang được người tiêu dùng đón nhận và bắt đầu vươn xa trên thị trường.
Không chỉ vậy, hồi tháng 7/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cư M’gar”, từ đó mở ra thêm cơ hội cho các HTX, tổ hợp tác trồng sầu riêng trong huyện. Toàn huyện có trên 4.500ha sầu riêng, trong đó đã quy hoạch vùng trồng tập trung tại xã Ea Tar và các xã lân cận, với diện tích trên 1.000ha.
Giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững
Đến nay, Cư M’gar có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với các HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, huyện cũng xây dựng hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích trên 831ha. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, Cư M’gar có hơn 1.000ha kinh doanh, sản lượng ước khoảng trên 20.000 tấn.
Huyện Cư M’gar đang tiến tới mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025. |
Điển hình phải kể đến xã Ea Tar được xem là vùng trọng điểm trồng sầu riêng của huyện Cư M’gar. Trong xã có có 3 HTX nông nghiệp dịch vụ để liên kết sản xuất, thúc đẩy đầu ra cho trái sầu riêng và các loại nông sản thế mạnh của địa phương.
Hiện nay, chính quyền xã Ea Tar đang tiếp tục thúc đẩy chuỗi liên kết trồng sầu riêng, cũng như hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, tiếp tục làm “cầu nối” để thúc đẩy đầu ra và hướng đến xuất khẩu trái sầu riêng Ea Tar.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, trong định hướng phát triển, huyện đặc biệt quan tâm đến việc hình thành những vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Đơn cử như việc phát triển thương hiệu, sử dụng nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar đúng và trúng sản phẩm nhằm bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu bền vững.
Theo ông Công, thời gian tới, huyện khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, nông dân căn cứ vào những tiêu chí chất lượng của thị trường để xây dựng, phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, từ việc chính quyền huyện Cư M’gar triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, hỗ trợ tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển, đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện, cũng như góp phần giải quyết bài toán việc làm và thu nhập cho lao động ở địa phương.
Là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 48% dân số, thời gian qua, huyện Cư M’gar đã có nhiều giải pháp để giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Nhất là đẩy mạnh phát triển, nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao của các HTX, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo hiệu quả. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Cư M'gar chỉ còn khoảng 5,1%, hộ cận nghèo 7,6%...
Còn trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Huyện đang cố gắng để đến cuối năm 2023, tất cả các xã sẽ hoàn thành về đích nông thôn mới, từ đó giúp Cư M’gar tiến về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Thanh Loan