Mỹ Lợi A là một xã vùng sâu của huyện Cái Bè. Toàn xã có hơn 1.500 ha vườn cây ăn trái. Sản lượng trái cây bình quân đạt 20 tấn/ha. Mặc dù diện tích và sản lượng trái cây lớn, nhưng thời gian trước, do tập quán canh tác nhỏ lẻ nên đầu ra không ổn định.
Điểm sáng kinh tế hợp tác ở một xã vùng sâu
Chính vì vậy, HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A được thành lập ở xã Mỹ Lợi A từ cách đây 3 năm nhằm góp phần giúp cho xã đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao chất lượng nông sản để cung cấp cho thị trường, giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A hiện có khoảng 12 ha trồng vú sữa theo tiêu chuẩn VietGap. |
Anh Lê Hồng Hải (ấp Lợi Trinh, xã Mỹ Lợi A) tham gia HTX này cách nay được 3 năm. Gia đình anh trồng 1,5 ha vú sữa tím Bách Thảo theo hướng VietGAP.
Theo chia sẻ của anh Hải, anh tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập và được hưởng nhiều lợi ích. Trước hết, anh được học hỏi và tiếp cận những mô hình sản xuất hiện đại, an toàn thông qua các lớp tập huấn, qua đó áp dụng kiến thức học được vào việc sản xuất đạt hiệu quả.
Với 21 thành viên ban đầu, nhờ hoạt động hiệu quả mà đến nay, số thành viên HTX đã tăng lên 72. HTX trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A hiện có 78 ha trồng ổi, vú sữa, sầu riêng, trong đó có 21 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Trong năm 2023, nhận thấy việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có nhiều ưu điểm, HTX đã thành lập Tổ Sản xuất vú sữa VietGap để phổ biến, nhân rộng mô hình.
Tổ Sản xuất vú sữa VietGap có 20 thành viên với khoảng 12 ha trồng vú sữa. Sau khi đã khẳng định được chất lượng, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường và ký kết được hợp đồng cung ứng vú sữa cho các cửa hàng trái cây sạch tại Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định… và một số siêu thị.
Định hướng của HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A trong những năm tới là tiếp tục thu hút thành viên, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, HTX phấn đấu 100% diện tích canh tác cây ăn trái được chứng nhận đủ điều an toàn thực phẩm và chứng nhận VietGap/GlobalGap. Mặt khác, HTX cũng nỗ lực để 100% nông sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật được tiêu thụ qua hợp đồng và có thể truy xuất nguồn gốc.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A gặp thuận lợi khi diện tích sản xuất của các thành viên tương đối lớn và nằm trong vùng quy hoạch. Mặt khác, chủng loại sản phẩm khá đa dạng, thời gian thu hoạch quanh năm. Nhiều thành viên HTX có chuyên môn sâu, có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, tâm huyết trong xây dựng và phát triển HTX. Đây là lợi thế để HTX tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng nông sản.
Hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn
Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là các HTX trong khu vực nông nghiệp. Huyện hiện có 27 HTX, trong đó có 25 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp, với trên 7.600 thành viên, vốn đăng ký hơn 45,2 tỷ đồng. Toàn huyện còn có 30 tổ hợp tác với 10.371 thành viên.
Huyện Cái Bè hình thành các vùng chuyên canh lớn, tạo điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường. |
Cái Bè vốn nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây ăn trái sum suê mang lại cho nông dân địa phương những nguồn lợi, giá trị kinh tế lớn. Lúa - gạo, xoài, mận, bưởi, cam quýt... là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cái Bè được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Cái Bè có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 33.102 ha. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của huyện với trên 53%. Với tỷ trọng cao của lĩnh vực nông nghiệp thì việc phát triển các HTX nông nghiệp là rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, kinh tế hợp tác ở Cái Bè không chỉ giúp thành viên ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo, ổn định đời sống.
Theo đó, các HTX trong huyện đã tích cực kết nối với các doanh nghiệp với thành viên trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi. Nhờ vậy đã khắc phục phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng chuyên canh lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường.
Từ việc nông dân trong huyện Cái Bè tích cực tham gia hình thức kinh tế tập thể đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn. Để liên kết và đồng bộ sản xuất, từ khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, một số hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX để ký kết hợp đồng, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp nhằm tạo vùng sản xuất lớn, mở rộng quy mô nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh ở xã Hậu Mỹ Trinh với mô hình liên kết tiêu thụ lúa. HTX hiện có 520 thành viên, hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản cho thành viên và bà con nông dân trong và ngoài xã, dịch vụ sấy, trữ và cho thuê kho trữ lúa gắn với khai thác và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Xây dựng chuỗi liên kết ngày càng vững chắc
Theo UBND huyện Cái Bè, nhờ tập trung triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các HTX đều xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngày càng vững chắc.
Các thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi B phấn khởi nhờ sầu riêng được giá. |
Một số HTX hoạt động thu mua nông sản đạt hiệu quả ở Cái Bè có thể kể đến như: HTX Hòa Lộc (xã Hòa Hưng), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trung (xã Mỹ Trung), HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiên Hộ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng (xã Tân Hưng), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lương (xã Mỹ Lương), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A, HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi B (xã Mỹ Lệ B)…
Đơn cử như HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trung ở xã Mỹ Trung chuyên cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người dân.
Hiện nay, HTX này đã hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa của các thành viên với giá cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. HTX cũng đã và đang hỗ trợ thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng, đầu ra ổn định. Thời gian tới, HTX sẽ hỗ trợ thu mua trực tiếp toàn bộ diện tích lúa của thành viên giúp bà con yên tâm sản xuất.
Hoặc như HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi B ở xã Mỹ Lợi B có 27ha trồng sầu riêng. Năm nay, đặc sản này bán được giá, có thời điểm đến 120.000 đồng/kg mang về thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Nhờ trái cây đặc sản, đặc biệt là sầu riêng có giá, cộng với liên kết theo chuỗi với vai trò của HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi B, đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ Lợi B lên trên 72 triệu đồng/người/năm. Điều này đã góp phần giúp cho xã Mỹ Lợi B được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Dấu ấn đậm nét của các HTX
Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là các HTX trong khu vực nông nghiệp. Huyện hiện có 27 HTX, trong đó có 25 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp, với trên 7.600 thành viên, vốn đăng ký hơn 45,2 tỷ đồng. Toàn huyện còn có 30 tổ hợp tác với 10.371 thành viên.
Từ những chuyển biến tích cực của các HTX đã chung sức đưa huyện Cái Bè sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, huyện có 24/24 xã được công nhận là xã nông thôn mới. Trong đó có 6 xã nông thôn mới nâng cao.
Vào tháng 11/2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã có thông báo về việc công bố huyện Cái Bè đủ điều kiện đề nghị xét, đề xuất công nhận hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023 và sẽ hoàn tất sớm các thủ tục để trình chính phủ xét công nhận huyện cái Bè đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Trong đó phải thấy dấu ấn đậm nét của các HTX ở Cái Bè trong xây dựng nông thôn mới. Nhất là các HTX trong huyện đã tích cực kết nối với các doanh nghiệp với thành viên trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi. Nhờ vậy đã khắc phục phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng chuyên canh lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường.
Hơn thế nữa, nông dân huyện Cái Bè tham gia hình thức kinh tế tập thể đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn. Để liên kết và đồng bộ sản xuất, từ khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, một số hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX để ký kết hợp đồng, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp. Từ đó tạo vùng sản xuất lớn, mở rộng quy mô nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới.
Hầu hết các HTX trong huyện Cái Bè đều xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã có sản phẩm chủ lực được công nhận với thứ hạng cao. Đến nay, trên địa bàn huyện có 17 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao.
Xác định vai trò cực kỳ quan trọng của các HTX trong xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua huyện Cái Bè đã tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tham gia HTX, xem đây là cuộc cách mạng của nông dân. Nhờ đó mà nông dân trong huyện tham HTX ngày càng nhiều hơn. Vì vậy đã giúp thay đổi tập quán và tư duy canh tác, đưa sản xuất nông nghiệp trong huyện phát triển lên một tầm cao mới, bền vững và hội nhập mạnh mẽ.
Đặc biệt là các HTX trong huyện đã quy tụ, tập hợp nông dân, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác đồng thời liên kết với các doanh nghiệp và các chợ đầu mối tại Tp.HCM giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Không chỉ liên kết doanh nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu, các HTX chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn huyện Cái Bè còn quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là cung cấp sản phẩm cho các công ty, siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, các HTX liên kết xuất khẩu trái cây đặc sản theo đường chính ngạch sang các nước.
Không chỉ vậy, có một số HTX trong huyện tuy mới thành lập chưa lâu, nhưng nhờ xác định chiến lược trong liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản đã cho thấy hướng phát triển mang tính bền vững.
Bên cạnh đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” trên địa bàn huyện Cái Bè với sự tham gia tích cực của các HTX cũng đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, phát triển mạnh, tạo giá trị gia tăng. Đến nay toàn huyện Cái Bè có 17 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm OCOP của các HTX đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường không chỉ đối với người tiêu dùng địa phương mà còn khắp cả nước.
Tất cả những nỗ lực, dấu ấn đậm nét của các HTX như kể trên đã giúp cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Cái Bè ngày càng thêm vững chắc và có nhiều bước tiến lớn, giúp cho đời sống nhân dân ngày càng đi lên. Và tính đến cuối năm 2023, ước thu nhập bình quân đầu người ở huyện đã đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Thanh Loan
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |