Cách đây một tháng, tại ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú) đã ra mắt HTX nông nghiệp Đồng Tâm, thu hút 40 hộ nông dân đăng ký tham gia làm thành viên. Ngành nghề chủ yếu của HTX là trồng lúa, trồng cây hàng năm khác; buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; vận tải hàng hóa…
Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
HTX nông nghiệp Đồng Tâm được thành lập để tương trợ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là tiêu thụ lúa, giải quyết đầu vào, đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, triệt tiêu tình trạng “trúng mùa, mất giá”. Từ đó tăng lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh tế và thu nhập cho thành viên HTX.
Huyện Mỹ Tú đang tập trung chuyển đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. |
HTX này cũng được xem là đầu mối tuyên truyền và vận động nông dân trên địa bàn tích cực tham gia kinh tế hợp tác và phát triển bền vững ở địa phương. Điều đó góp phần giúp cho xã Thuận Hưng (một xã từng có nhiều khó khăn, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số) củng cố, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới sau khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới hồi tháng 2/2023.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, diện mạo xã Thuận Hưng đã có sự khởi sắc tích cực. Thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế hợp tác, đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người ở xã, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống chỉ còn 0,37%.
Tính đến nay, toàn huyện Mỹ Tú có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã nông thôn mới nâng cao, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đạt 44/52 tiêu chuẩn văn minh đô thị.
Mỹ Tú là một huyện thuần nông, để đạt mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bằng cách củng cố quy hoạch diện tích lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu dưới chân ruộng, nuôi thủy sản…
Là địa phương chuyên về sản xuất nông nghiệp, huyện Mỹ Tú cũng là một trong các huyện có sản phẩm đạt sao OCOP đều là các nông sản, thủy sản tươi sống đặc trưng có sẵn tại địa phương, được hộ kinh doanh và HTX chế biến ra như: Mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo; rượu cam xoàn; mứt me Mai Anh; mắm tép không vỏ; mứt mận; mứt ô mai mận; ba ba đông lạnh; đường phèn; đường cát trắng…
Việc liên kết sản xuất được người dân và các HTX, tổ hợp tác ở Mỹ Tú thực hiện khá tốt với nhiều mô hình đa dạng mang lại hiệu quả. Nhất là tập trung chuyển đổi tư duy từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp và chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế hợp tác nhằm nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 64 triệu đồng/năm.
Nông dân phấn khởi
Đơn cử như HTX Nông nghiệp Tân Lập ở ấp Tân Hòa B, xã Long Hưng là một trong những HTX tiêu biểu của huyện Mỹ Tú. HTX hiện có 30 thành viên, tổng diện tích sản xuất 200ha, hoạt động chính là sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, cùng các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ khuyến nông như bơm tới, cày bừa, thu hoạch.
Tham gia vào các HTX nông nghiệp giúp nông dân trồng lúa ở Mỹ Tú yên tâm sản xuất. |
Hiện nay, HTX này đang mở rộng liên kết phát triển thêm diện tích trồng đu đủ, dứa MD2 và trồng sen lấy gương. Theo ông Văn Công Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tân Lập, trước đây diện tích sản xuất lúa của người dân manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng giống lúa chất lượng thấp, khi tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Còn từ khi tham gia vào HTX, như chia sẻ của ông Phương, các thành viên được sử dụng giống lúa chất lượng cao, được hướng dẫn kỹ thuật và được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trạm bơm điện phục vụ sản xuất lúa nên năng suất tăng lên. HTX cũng được hỗ trợ mua máy sạ thưa phục vụ sản xuất lúa theo hướng VietGap, được chứng nhận sản xuất lúa đặc sản theo hướng an toàn VietGap.
“Điều quan trọng hơn nữa là lúa của các thành viên HTX làm ra đều được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy người dân cũng yên tâm sản xuất”, ông Phương chia sẻ.
Chính điều này cũng góp sức giúp cho xã Long Hưng đạt được nhiều tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Hoặc như HTX nông nghiệp Thành Lợi, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) được thành lập cách đây 3 năm, thu hút 26 thành viên là những thanh niên, nông dân giàu nhiệt huyết với việc sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích đất canh tác để tổ chức sản xuất chung là 50ha.
Hoạt động chủ yếu của HTX là cung cấp vật tư nông nghiệp, cung ứng lúa giống, bao tiêu lúa thương phẩm và tín dụng nội bộ trong thành viên HTX.
Anh Thạch Bửu Tấn, thành viên HTX, phấn khởi nói: Trước đây khi chưa vào HTX thì tôi rất lo lắng, sợ HTX hoạt động không hiệu quả, nhưng từ khi tham gia đến nay, chúng tôi thấy rất phấn khởi. Đó là nhờ HTX hỗ trợ lúa giống, phân bón, chi phí tiền làm đất. Hơn nữa, các thành viên HTX cùng áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm với giá thành đầu vào thấp, nhưng lại bán được giá cao, và lợi nhuận sau thu hoạch cũng cao hơn so với các hộ bên ngoài HTX.
Tạo hướng đi mới cho HTX
Với thế mạnh là có lực lượng lao động trẻ có trình độ, năng lực, nhiệt huyết, HTX nông nghiệp Thành Lợi đang từng bước khẳng định sự đúng đắn trong mục tiêu hoạt động, tạo ra hướng đi mới, thay đổi thói quen nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Với sự chung sức của các HTX trong xây dựng nông thôn mới giúp Mỹ Tú trở thành vùng quê đáng sống. |
Ông Lưu Hoàng Mai, Giám đốc HTX, cho biết thời gian tới HTX sẽ cung ứng thêm dịch vụ vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón, tiếp tục phối hợp liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty doanh nghiệp sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đồng thời mở rộng diện tích canh tác và thành viên mới cho HTX.
Với những hiệu quả bước đầu, HTX nông nghiệp Thành Lợi đã giúp thành viên ổn định được giá chi phí đầu vào và sản phẩm đầu ra, nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất, tạo thêm niềm tin cho các thành viên vào mô hình kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay.
Tính đến tháng 11/2023, huyện Mỹ Tú có 10 HTX nông nghiệp, thu hút 404 thành viên. Toàn huyện còn có 63 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, quy tụ 1.462 thành viên.
Theo đánh giá của UBND huyện Mỹ Tú, nhận thức của người dân về vai trò của HTX, tổ hợp tác ngày càng được nâng lên, xác định chỗ dựa vững chắc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Trong thời gian tới, huyện đặt ra mục tiêu mỗi xã phải có ít nhất một HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, chính quyền huyện này cũng sẽ hỗ trợ các HTX nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.
Song song đó, huyện Mỹ Tú sẽ chú trọng hỗ trợ các HTX nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap và theo hướng hữu cơ. Huyện cũng hỗ trợ các HTX xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú, cho biết để phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm đạt hạng sao OCOP trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể, HTX chuẩn hóa các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng.
Hy vọng rằng với việc quan tâm nhiều hơn nhằm tạo hướng đi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể sẽ giúp huyện Mỹ Tú đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thanh Loan