Thời gian qua, nhờ sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... đã tạo “cú hích” thu hút doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy Mê Linh cán đích nông thôn mới (NTM) đúng hạn.
Hình thành các vùng chuyên canh
Nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 30km, huyện Mê Linh có diện tích tự nhiên 14.246ha, dân số xấp xỉ 226.800 người, gồm 18 đơn vị hành chính (16 xã và 2 thị trấn).
Khởi sắc NTM ở Mê Linh từ những mô hình HTX nông nghiệp. |
Đến nay, huyện đã cơ bản đạt 7/9 tiêu chí của huyện NTM, 16/16 xã hoàn thành cơ bản các tiêu chí; trong đó 14/16 xã đạt chuẩn NTM mới, 2 xã Đại Thịnh và Liên Mạc được công nhận NTM nâng cao.
Với lợi thế nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, một trong những mô hình giàu lên nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả không thể không nhắc đến HTX dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh (thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh).
Ông Đào Việt Dũng, Giám đốc HTX cho biết: Xuất phát từ thực trạng canh tác nông nghiệp kiểu “mạnh ai nấy làm”, sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ... dẫn đến hiệu quả kinh tế còn thấp. Đến nay, trái ổi của HTX đã có giá trị kinh tế rất cao, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trung bình hơn 1 tấn ổi, thu về 20 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết thêm, với hơn 54ha diện tích cây ăn quả đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, 38 thành viên từ khi tham gia HTX đã “ăn nên làm ra”, đời sống nâng cao đáng kể.
Bên cạnh cây ăn quả, rau cũng là sản phẩm chủ lực được Mê Linh đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích. Điển hình như vùng sản xuất rau lớn tập trung ở HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt).
Thời gian qua, nhờ tích cực đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đến nay các thành viên HTX Đông Cao đã có thu nhập từ 200-230 triệu đồng/ha. Thậm chí, một số mô hình công nghệ cao sản xuất rau, quả trái vụ đạt giá trị trên 800-700 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mê Linh còn rất nhiều HTX mặc dù mới thành lập nhưng hoạt động khá hiệu quả như: HTX nông nghiệp Khánh Phong, HTX dịch vụ và thương mại Thành Tâm, HTX bưởi đỏ Đông Cao… Các HTX này đều có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được đưa vào tiêu thụ tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo số liệu từ UBND huyện Mê Linh, nhờ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đã thổi một luồng gió mới làm "thay da, đổi thịt" cả một vùng quê, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,2 triệu đồng/người năm 2020, 100% xã đều được bê tông hóa đường giao thông.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) phát triển, huyện chỉ đạo khai thác có hiệu quả các nguồn vốn cho vay theo mô hình kinh tế tập thể.
Theo đó, trong năm 2020, đã có 4 THT, 3 HTX, 8 Tổ hội nghề nghiệp được đầu tư, thông qua các dự án cho các thành viên vay 4,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, 126 thành viên của Tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX được hỗ trợ vay từ Ngân hàng NN&PTNT với số vốn trên 2,2 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ xã nghèo thành xã điểm NTM
Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, những năm qua, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) tiếp đà thành công, tập trung mọi nguồn lực nâng cao các tiêu chí làm điểm NTM nâng cao giai đoạn 2020-2025.
Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao cho người dân tại một số xã của huyện Mê Linh. |
Hơn 10 năm trước, khi mới bắt đầu xây dựng NTM có xuất phát điểm rất thấp, địa phương chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Tuy nhiên, dưới sự nỗ lực lãnh đạo của các cấp chính quyền cùng sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân thì đến nay NTM tại Liên Mạc như một “cuộc cách mạng” khởi sắc toàn diện từ kinh tế, văn hoá xã hội đến đời sống của người dân.
Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Đức Tình cho biết: “Năm nay, khi huyện chọn Liên Mạc làm điểm xã NTM nâng cao, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Ngay từ những ngày đầu, xã đã xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM”.
Song song với đó là các chính sách nhạy bén, khuyến khích các HTX vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội người dân.
Nhờ có những chủ trương kịp thời của huyện Mê Linh, chỉ trong một thời gian ngắn, xã Liên Mạc đã tập trung quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao.
Điển hình như HTX nông nghiệp Bồng Mạc (thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc) là một trong những đơn vị đi đầu trong liên kết sản xuất lúa Japonica (giống J01, J02) theo quy mô hàng hóa, mở rộng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tạ Hồng Lý, Giám đốc HTX chia sẻ: Tháng 6 vừa qua, 203 thành viên của HTX tiến hành thu hoạch vụ Đông Xuân lúa Japonica (J01) cho năng suất bình quân đạt 6,4 tấn/ha, tăng 0,8 tấn so với các giống khác cấy năm 2020. Hơn nữa, chất lượng gạo thơm ngon nên giá bán ra thị trường cao hơn lúa thông thường khoảng 20%, tương đương với 10.000 đồng/kg, thu nhập 64 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, các hộ tham gia mô hình thu lãi gần 30 triệu đồng/ha.
Từ những đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các THT phát triển thành HTX. Đồng thời, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ cho các HTX, THT cũng như tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trong quản lý điều hành để các THT, HTX hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
“Với tiến độ hiện nay, huyện Mê Linh phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành hồ sơ để trình UBND TP. Hà Nội và các cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh thông tin.
Tô Thương