Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2022 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp, có vị trí quan trọng và đang tiến đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung.
Làm giàu từ mô hình HTX
Được thành lập từ năm 2019, HTX nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh đang trở thành một trong những lá cờ đầu dẫn dắt hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng an toàn sinh thái trên vùng đất chiêm trũng ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Nuôi trồng thủy sản VietGAP đang mang lại lợi ích cao về kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo. |
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, HTX đã tiến hành chuyển đổi diện tích 20ha vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ sang nuôi một số loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá trôi, chép, trắm...
Để hoạt động hiệu quả, Hội đồng quản trị phân công cụ thể cho thành viên theo từng vị trí như bộ phận chuyên về vốn, bộ phận chuyên về hoạt động mua bán sản phẩm…
Đại diện UBND xã Gia Minh cho biết, đến nay, toàn xã có gần 300 ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích ao nổi là 30 ha. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi thủy sản đã không còn là chuyện hiếm.
Riêng HTX Thủy sản Gia Minh hiện đã có 27 thành viên, với diện tích nuôi thủy sản được mở rộng lên 22 ha. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động từ các mô hình của HTX còn thu hút được nhiều thành viên từ các địa phương lân cận như xã Gia Lạc hay xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan)…
Nhờ có lượng khách hàng đặt mua ngày càng đông. Mỗi năm, HTX cung ứng trên 500 tấn thức ăn chăn nuôi, trong đó phục vụ cho các thành viên trong HTX là 300 tấn, cho người dân ngoài HTX là 200 tấn.
Do làm tốt khâu dịch vụ thức ăn, HTX đã làm lợi cho thành viên trong HTX và nhân dân 20% giá so với thị trường bên ngoài. Không chỉ vậy, HTX tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay đã ký hợp đồng tiêu thụ được 90% sản lượng thủy sản của HTX.
Về hiệu quả kinh tế của mô hình, ông Đinh Văn Tính, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Gia Minh cho biết: Mỗi năm, các thành viên HTX thu hoạch 2 vụ cá với sản lượng đạt 13,5 tấn/ha/vụ, đặc biệt có hộ đạt tới 25 đến 27 tấn/ha/vụ.
Với giá bình quân 50.000 đồng/kg cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/1ha/năm, trừ chi phí còn lãi từ 200-300 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả của nuôi cá mang lại gấp nhiều lần so với cấy lúa hiện nay.
Bên cạnh đó, HTX cũng đã xây dựng được các quỹ như: Quỹ phát triển, quỹ đầu tư quỹ rủi ro do thiên tai để hỗ trợ cho các hộ thành viên trong HTX khi gặp rủi ro. Đây là một trong những mô hình kinh tế được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, được nhiều đơn vị khác đến tham quan, học hỏi.
“Kể từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản ở xã Gia Minh đã cho thấy nhiều ưu điểm như không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, đồng thời đảm bảo thuận lợi để chuyển sang hình thức sản xuất khác, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương”, đại diện UBND xã Gia Minh chia sẻ.
Thúc đẩy liên kết trong nuôi trồng
Tương tự, ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang tại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định. Điển hình, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu, xã Hoằng Lưu đang trở thành “bà đỡ” tin cậy cho thành viên nói riêng và cho cả người dân trong xã nói chung.
Hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. |
Ông Chu Hữu Độ, Giám đốc HTX Hoằng Lưu, chia sẻ trước đây, gia đình ông cũng như các thành viên HTX đều nghèo khó. Từ ngày thành lập HTX, kinh tế gia đình của tất cả thành viên trong HTX đã khấm khá lên rất nhiều.
HTX Hoằng Lưu hiện có 45 thành viên, trong đó có 25 thành viên nuôi trồng thủy sản với diện tích 150 ha. Nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trung bình hơn 100 tấn/năm.
Bình quân mỗi thành viên HTX thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, đồng thời HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu/người/tháng.
Thành viên Nguyễn Văn Nghị hiện có trên 1ha nuôi tôm và cá mú, trung bình mỗi năm thu trên 1 tấn cá, 2 tấn tôm. Ông cho biết, tham gia HTX từ năm 2018, ông được ưu đãi về quyền lợi, hỗ trợ về con giống, tiêu thụ sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ đó mỗi năm trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng.
“Nhờ làm chủ công nghệ, các hộ có thể thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đa số các hộ có doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, Giám đốc HTX Chu Hữu Độ nói.
Không chỉ hoạt động đơn lẻ, ở nhiều địa phương đã hình thành được các chuỗi giá trị thủy sản. Tiêu biểu như Thanh Hóa đã hình thành 102 chuỗi liên kết thủy sản do các HTX làm chủ, cung ứng gần 48.000 tấn thủy sản/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các HTX đang có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của các HTX thủy sản còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
“Để khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến tiếp cận thị trường nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX thủy sản nói riêng phát triển.
“Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong lĩnh vực thủy sản, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương”, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho hay.
Minh Thành