Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu, ngành thủy sản vẫn là một trong những điểm sáng tích cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể là xuất khẩu thủy sản quý I/2022 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, là quý I có trị giá xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Vẫn chủ yếu xuất tươi
Có được điều này là do một số địa phương đã hình thành được các chuỗi giá trị thủy sản. Tiêu biểu như Thanh Hóa đã hình thành 102 chuỗi liên kết thủy sản do các HTX làm chủ, cung ứng gần 48.000 tấn thủy sản/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hay ở Ninh Bình đã xây dựng được 30 HTX chuyên ngành thủy sản với hơn 700 thành viên nhằm hỗ trợ người dân sản xuất và tìm kiếm đầu ra…
Tuy nhiên, theo đại diện của các HTX, dù nhận thấy vai trò của chuỗi giá trị, các HTX đã đầu tư cho bảo quản, chế biến nhưng việc này mới chỉ mang tính nhỏ lẻ. Phần lớn thủy sản vẫn chủ yếu tiêu thụ tươi sống thông qua thương lái, các chợ đầu mối. Điều này không chỉ gây ra tình trạng vùng sản xuất ùn ứ mỗi khi đến vụ thu hoạch, trong khi người tiêu dùng ở nhiều địa phương lại không có sản phẩm sạch để mua. Đi cùng với đó là giá trị thủy sản chưa được nâng cao.
Ninh Bình đã xây dựng và phát triển được 30 HTX chuyên ngành thủy sản nhằm phát triển thế mạnh của địa phương. |
Ông Phạm Trung Năm, Giám đốc HTX DVTM và nuôi trồng thủy sản Gia Tân (Ninh Bình) cho biết thủy sản chưa sơ chế hoặc chế biến có thời gian bảo quản rất ngắn, nhiều nhất là trong 24 giờ. Trong quá trình bảo quản phải đầu tư hệ thống oxy, thùng chứa… nên gia tăng thêm chi phí vận chuyển cho HTX.
Còn theo ông Đinh Văn Tính, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Gia Minh (Ninh Bình), trong lĩnh vực thủy sản tại tỉnh hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu nên HTX phải chủ động đầu tư máy móc để chế biến các loại cá.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư máy móc mới chỉ ở mức đơn lẻ, phục vụ chế biến số lượng nhỏ, trong khi mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 200-300 tấn cá. Chính vì vậy mà đến 80% thủy sản của HTX phải tiêu thụ tươi.
Tình trạng của HTX Gia Minh cũng là vấn đề chung của HTX thủy sản hiện nay. Nguyên nhân chính là do các HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất như xây dựng nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế sản phẩm... Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoàn thiện chuỗi giá trị, khó thu hút liên kết với doanh nghiệp. Thay vào đó, HTX đều phải tự tìm cách tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm và mẫu mã không được đa dạng. Các sản phẩm chế biến tinh sâu, có giá trị cao chưa được chú trọng.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thế nhưng, đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa hiện nay chỉ mang tính sản xuất thủ công, theo kinh nghiệm, chưa áp dụng nhiều cơ giới hóa, tự động hóa. Phụ phẩm nông thủy sản mới chỉ khai thác được 30-40% sản lượng, chưa đến 10% tái sử dụng cho chế biến thực phẩm.
Đặc biệt, việc đầu tư máy móc cần nguồn chi phí không hề nhỏ, trong khi mô hình nuôi trồng thủy sản ngay từ khâu đầu tư con giống, công nghệ, hạ tầng đã tốn chi phí hàng tỷ đồng đối với HTX.
PGS TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết hiện muốn đầu tư một hệ thống sơ chế, sấy thủy sản, chi phí thấp cũng phải hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn của HTX thủy sản vẫn nhỏ giọt hoặc khó khăn do đòi hỏi nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có yêu cầu thế chấp tài sản là điều không hề đơn giản với các HTX.
Tận dụng tiềm năng, thúc đẩy liên kết
Cùng với khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị.
Hiện, diện tích sản xuất thủy sản chủ yếu là đất ruộng hoặc đất thuộc quyền sở hữu của thành viên HTX. Nếu muốn đầu tư xây dựng trụ sở hay quy tụ về một vùng sản xuất lớn còn gặp trở ngại do địa phương thiếu diện đất quy mô lớn cho HTX đầu tư. Quá trình đô thị hóa khiến HTX thủy sản thiếu đất, hoạt động cầm chừng, trong khi muốn đầu tư cho chế biến thủy sản thì cần có vùng nguyên liệu sản xuất đồng bộ, ổn định.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng tuy các địa phương đã hình thành được các HTX, các chuỗi thủy sản nhưng so với tiềm năng thế mạnh thì các mô hình này vẫn còn ít, chưa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp.
Với mong muốn phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất kinh doanh thủy sản, đặc biệt là có thể liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chế biến, các HTX thủy sản hiện nay đều mong muốn được hỗ trợ tiếp cận máy móc, công nghệ hoặc nguồn vốn một cách thuận lợi.
Ông Đinh Văn Tính cho biết HTX Gia Minh mong được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng đường điện ra khu vực nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện cho các hộ thành viên vay vốn ưu đãi với số lượng nhiều và thời gian dài.
“Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư liên kết chế biến thủy sản, nhưng tiến độ còn chậm. HTX mong các cơ quan chức năng đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án thủy sản trên địa bàn huyện Gia Viễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nuôi trồng và chế biến thủy sản của HTX”, Giám đốc HTX Gia Minh kiến nghị.
Các chuyên gia cho rằng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm thủy sản còn rất lớn. Vì thế, để hình thành được các liên kết vùng, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ các tỉnh, thành có lợi thế về nuôi trồng chế biến thủy hải sản sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản.
Chia sẻ tại “Hội thảo giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động Hợp tác xã sản xuất thủy sản phát triển bền vững” mới đây, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho các HTX thủy sản, cần phải có sự chung tay vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể như Sở NN&PTNT, KH&CN, Công Thương, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT…, các hội, đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Liên minh HTX… trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển khối HTX chuyên ngành thủy sản. Cụ thể là hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nhà xưởng…
Nhằm khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, cho rằng việc HTX tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường là việc nên làm. Các địa phương nói chung, Ninh Bình nói riêng nên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX thủy sản nói riêng phát triển...
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn là một kênh giúp cho việc tiêu thụ nông sản nói chung, thủy sản nói riêng được rộng mở hơn.
Huyền Trang