Theo Nghị định 15 về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm các HTX, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Điều này thay cho việc HTX phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Hai mặt của vấn đề
Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP, Bộ Y tế; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, doanh nghiệp đăng ký bản công bố tại Sở Y tế địa phương; các sản phẩm còn lại doanh nghiệp tự công bố theo hướng dẫn.
Giám đốc HTX chăn nuôi Bình Minh (Vĩnh Phúc), ông Mạc Văn Hải cho biết, những quy định trong Nghị định 15 không chỉ tạo điều kiện tự chủ đối với các HTX. Đặc biệt, các HTX thường có quy mô sản xuất vừa và nhỏ và thường tập trung vào sản xuất nông sản theo lợi thế đặc sản địa phương. Do đó, việc tự công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao uy tín trên thị trường.
Sau 5 năm đi vào thực tiễn, các HTX nhận thấy, nghị định 15 là chủ trương tốt, giúp nâng cao trách nhiệm của HTX sản xuất, chăn nuôi là đảm bảo sản phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, cũng để cơ sở xây dựng HTX uy tín thương hiệu của mình. Tuy nhiên, điều này cũng là nguyên nhân khiến không ít HTX khó cạnh tranh trên thị trường.
Việc để HTX được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố tuy có những ưu điểm nhưng cũng chính là điểm khó khăn đối với HTX. |
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội), cho biết việc được phép tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa trước khi lưu hành trên thị trường chính là kẽ hở cho những đơn vị sản xuất, kinh doanh không chân chính lợi dụng.
Hiện nay, tính tự giác tuân thủ quy định pháp luật của người dân, cơ sở sản xuất vẫn chưa cao và chưa đạt đến độ nghiêm túc như các nước trên thế giới. “Trong khi do quy định pháp luật bỏ qua bước tiền kiểm, liệu bước hậu kiểm có hiệu quả không khi số lượng HTX, doanh nghiệp trên cả nước hiện nay không hề nhỏ và lượng sản phẩm sản xuất hàng năm cũng rất lớn”, ông Chiến băn khoăn.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng ngay cả với những doanh nghiệp, HTX làm ăn chân chính nhưng sản xuất và kinh doanh thực phẩm vốn là lĩnh vực bị tác động bởi nhiều yếu tố. Có khi HTX, doanh nghiệp chế biến đã làm theo quy trình nhưng có thể vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường trong quá trình chế biến, đóng gói… cũng rất dễ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như vậy, nếu không chú trọng quản lý, kiểm tra quá trình sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm trước khi công bố và đưa ra thị trường thì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Phú dẫn chứng, ngay như vụ rau sạch dởm của nhà cung cấp Trình Nhi "biến hình" vào Winmart, Tiki ngon" có thể thấy, việc chỉ để nội bộ các siêu thị tự kiểm tra chất lượng sản phẩm là chính mà chưa có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý thị trường, y tế thì sạch-bẩn là chuyện sẽ tiếp tục diễn ra. Điều này vừa đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vừa ảnh hưởng đến những HTX, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm chất lượng vào các siêu thị.
Bịt kẽ hở
Theo các chuyên gia, cách thức để HTX tự công bố chất lượng sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm, còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào công tác “hậu kiểm” - kiểm tra sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường là động lực để HTX phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm an toàn thực phẩm thông qua những chỉ tiêu chất lượng mà HTX tự công bố trên nhãn mác hàng hóa.
Tuy nhiên, từ thực tế nhiều vụ sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được cung ứng ra thị trường cho thấy, cần tháo gỡ những vướng mắc trong văn bản pháp luật hiện hành.
Theo đó, cần phải tính toán lại việc các cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm sau khi sản phẩm đã được tiêu thụ. Đặc biệt là cần đưa những mặt hàng thực phẩm thiết yếu đối với đời sống hàng ngày vào danh sách phải được tiền kiểm, quản lý chặt theo các đợt trước khi đưa ra thị trường.
Nhiều người tiêu dùng đang cho rằng dù vào siêu thị nhưng họ cũng chỉ mua hàng bằng "niềm tin" vì việc quản lý chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường vẫn còn nhiều "lỗ hổng". |
Ông Mạc Văn Hải, cho biết hiện nay 1 kg thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng vẫn phải trải qua sự kiểm tra của 3 bộ là NN&PTNT, Y tế, Công Thương. Thế nhưng mỗi bộ lại quản lý, kiểm tra một nội dung mà chưa tạo được sự thống nhất. “Điều này khiến HTX mất thêm nhiều thời gian và ngay cả khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng như vụ ngộ độc pate Minh Chay, phải mất rất nhiều ngày mới có văn bản đỉnh chỉ lưu thông sản phẩm”, ông Hải dẫn chứng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, thực phẩm, nông sản là những thứ liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên vấn đề quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải chặt chẽ, rõ ràng để tạo ra giá trị thực cho cả người bán, người phân phối và người mua.
Vì vậy ngoài vấn đề hậu kiểm thì vẫn cần có các quy định tiền kiểm nhưng không được máy móc, làm khó các HTX, doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tránh tình trạng đơn vị sản xuất sau khi được cấp phép thì hoạt động, sản xuất không đúng theo tiêu chuẩn, quy định đã được cấp phép.
Bên cạnh đó cũng cần có những quy định về tổ chức chuỗi sản xuất phân phối bán buôn bán lẻ của các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu để vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, vừa bảo đảm thương hiệu cho các HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Huyền Trang