Những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở các HTX trên thế giới và mang lại những cơ hội lớn cho những mô hình này cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia.
Hiệu quả từ áp dụng công nghệ
Tại HTX hoa Hà Lan, công nghệ chính là nền tảng đưa HTX này trở thành đơn vị chiếm đến 95% thị phần ngành hoa của cả nước.
Với diện tích 1,3 triệu m2, hệ thống kho lạnh rộng lớn cùng khoảng 30.000 xe lạnh chuyên dụng luôn túc trực để giao nhận hoa đi khắp thế giới. 100% diện tích hoa của HTX được sản xuất trong nhà kính bằng hệ thống tin học và tự động hoá ở các công đoạn khác nhau như làm ấm, thông gió, hạ nhiệt, tưới nước, bón phân, phun thuốc, thanh trùng...
Đặc biệt, việc mua bán hoa được thực hiện chủ yếu thông qua các sàn giao dịch trên các bảng thanh toán điện tử nên việc buôn bán của HTX được tính theo giây. Giá và chất lượng hoa do nông dân tự công bố. Nếu người mua trả thấp hơn giá sàn, hoa sẽ bị tiêu hủy để giữ ổn định thị trường.
Nhờ đầu tư công nghệ đồng bộ, trung bình mỗi năm, HTX hoa Hà Lan bán ra thị trường hơn 12 tỷ cành hoa, mang về doanh thu hơn 4 tỷ Euro và góp phần đưa ngành công nghiệp hoa Hà Lan trở thành lớn nhất toàn cầu.
Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, các HTX nông nghiệp Nhật Bản đang thu hút 2/3 nông dân tham gia làm thành viên và là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật.
Hoa của HTX Hà Lan sau khi được thu hoạch sẽ được tập trung để phục vụ việc mua bán thông qua sàn giao dịch. |
Tại HTX nông nghiệp JA Zennoh Ibaraki (tỉnh Ibaraki) dù sản xuất nông sản còn gặp những tác động bởi khí hậu nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, xã viên HTX Ibaraki đã vượt qua khó khăn và nuôi trồng được nhiều loại nông sản có giá trị. Tiêu biểu như việc giám sát vùng sản xuất hiện được hỗ trợ bởi camera và các thiết bị cảm ứng. Các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại. Hiện, 30% nông sản tỉnh Ibaraki cung ứng tới thị trường thông qua HTX nông nghiệp JA Zennoh Ibaraki.
Nhìn từ HTX hoa Hà Lan và HTX JA Zennoh Ibaraki có thể thấy ngành nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nếu có các cơ chế đầu tư, hỗ trợ mô hình HTX chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh để khai thác những thế mạnh về nông nghiệp cũng như ưu điểm của mô hình kinh tế HTX.
Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nền tảng công nghệ giúp không ít HTX hoàn thiện và phát triển các chuỗi giá trị. Theo đó, mọi khâu trong chuỗi đã dần được minh bạch hóa bằng công nghệ khiến việc củng cố niềm tin với đối tác trở nên dễ dàng hơn.
Tiêu biểu như việc HTX Chúc Sơn (Hà Nội) sử dụng hệ thống dữ liệu bằng hình ảnh, lời nói để quản lý các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những điều này không chỉ giúp công tác quản lý thuận tiện hơn mà còn giúp việc xử lý các vấn đề phát sinh trở nên linh hoạt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chuyển đổi số ở các HTX vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn chậm. Điều này được nhận định là do không chỉ nông dân, HTX mà ngay cả các thương lái, đơn vị thu mua cũng chưa quan tâm đến khả năng ứng dụng kinh tế chia sẻ trong phát triển kết nối chuỗi. Việc tham gia một số sàn thương mại điện tử… mới chỉ dừng ở việc thăm dò thị trường, và thực chất các sàn này cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu mong muốn của các HTX.
Chẳng hạn như ngoài một số sàn điện tử miễn phí mở cửa hàng online vẫn có các sàn như Tiki, Sendo… thực hiện thu phí nên hầu hết các HTX không thể tham gia bán hàng online trên các sàn này. Trong khi đây là những kênh bán hàng tiềm năng, đang thu hút nhiều khách hàng mua sắm online. Và việc thu phí cũng là trở ngại trong quá trình chuyển đổi số vì không ít HTX đang trong tình trạng thiếu đất canh tác, thiếu nhân lực trình độ, thiếu vốn, thiếu lao động…
Cần chính sách hỗ trợ
TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp PTNT II (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhìn từ các nước trên thế giới có thể thấy, muốn chuyển đổi số hiệu quả, trước tiên HTX phải có diện tích đất lớn, có vốn.
So với các HTX nông nghiệp Việt Nam, các HTX nông nghiệp Đức không có khó khăn về đất hay trụ sở. Trên cơ sở nguồn đất do HTX quản lý hoặc thuê dài hạn của xã viên, HTX được chính quyền địa phương cho phép xây dựng bán kiên cố các nhà kho, cửa hàng, trụ sở của mình khi có nhu cầu cần thiết.
Còn tại Thái Lan, việc được tạo điều kiện thuận lợi về vốn cũng là cách giúp HTX có điều kiện ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Cụ thể là HTX được vay từ ngân hàng với lãi suất thấp hơn, khoảng 4,5%/năm. Sau đó, HTX cho thành viên vay lại với lãi suất 7-9%/năm (vay ở ngân hàng ngân hàng thương mại cổ phần lãi suất 10%/năm) tuỳ theo từng thành viên được xếp loại A, B, C tại đại hội thường niên của HTX. Được lãi suất thấp giúp xã viên có quyền lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển đổi số cũng như dịch vụ đầu vào tốt hơn.
Để ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến chính sách phát triển HTX. |
Theo TS Trần Minh Hải, đây là điểm khác biệt giữa thành viên HTX tại Thái Lan và Việt Nam. Vì thành viên HTX ở Việt Nam thường thiếu vốn nên có khi phải sử dụng dịch vụ chuyển đổi số của những đơn vị kém chất lượng hoặc chuyển đổi số chỉ mới dừng ở một vài bước và chưa xuyên suốt cả quy trình.
Điều này cũng khiến nhiều HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp có đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số với chi phí phù hợp hơn, nhưng chính nông dân, thành viên HTX lại chưa tiếp cận được.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, HTX chính là con đường thúc đẩy sản xuất ở nông nghiệp, nông thôn phát triển thông qua các chuỗi giá trị. Và để hình thành được các chuỗi giá trị cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX. Muốn vậy, Nhà nước cần có những định hướng, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế này áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh. Và các quốc gia có mô hình HTX thành công đều coi kinh tế HTX là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, chú trọng hỗ trợ các HTX phát triển và thích ứng với thị trường bằng những chính sách phù hợp với đặc điểm của mô hình này.
Chẳng hạn như các HTX nông nghiệp ở Nhật Bản áp dụng hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nhờ Chính phủ luôn chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp, đào tạo ứng dụng khoa học công nghệ miễn phí.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật còn có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dồn đổi đất để có thể sản xuất trên diện tích lớn. Chính vì vậy mà đến nay, cả đất nước Nhật mới có khoảng 6.000 HTX nông nghiệp nhưng đều là HTX quy mô lớn về số lượng thành viên và diện tích sản xuất. Các thành viên HTX ở Nhật có thể tự cập nhật và chia sẻ các thông tin về giá cả thị trường, cổ phiếu nông nghiệp, thời tiết, khoa học - kỹ thuật... thông qua nền tảng trực tuyến kết nối những cá nhân, tổ chức nông nghiệp.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có đến 18.340 HTX nông nghiệp nhưng phân bố không đồng đều và phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, khó ứng dụng khoa học công nghệ. Người nông dân tuy là chủ của các mảnh ruộng nhưng chủ yếu sản xuất và kinh doanh theo kinh nghiệm.
Ông Harm Haverkort, Giám đốc Agriterra Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Hà Lan là đất nước đang chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu giống như Việt Nam. Chính vì vậy, để nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển và có tính cạnh tranh hơn, HTX đóng vai trò quan trọng để có thể triển khai các phương pháp sản xuất bền vững dựa vào khoa học công nghệ. Trong đó, chuyển đổi số sẽ là bước đi phù hợp hơn cả nhằm giúp HTX thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường.
Và để làm được điều này, theo ông Harm Haverkort, Việt Nam cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX… Khi chính sách phù hợp, những nguồn đầu tư của Nhà nước cũng sẽ được HTX sử dụng hợp lý trong việc lựa chọn công nghệ và thực hiện chuyển đổi số.
Huyền Trang