Đông Cao là xã có truyền thống làm rau xanh với diện tích hơn 20 ha. Mô hình trồng rau an toàn (RAT) của anh Mạnh là khu đồng ruộng được quy hoạch tập trung, trang bị nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động. Toàn bộ khu trồng rau được chia thành những diện tích nhỏ trồng các loại rau khác nhau. Ngoài ra, khu sơ chế cũng được xây dựng riêng biệt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Đây cũng là mô hình đầu tiên của xã Đông Cao được chọn làm ô mẫu để nhân rộng trên địa bàn.
Mạnh dạn đầu tư
Mỗi năm, vợ chồng anh Mạnh dành 1 - 2 sào ruộng để trồng rau nhằm nâng cao thu nhập. Năm 2015, anh chuyển sang trồng RAT với diện tích hơn 2.000 m2 với các loại rau như: Su hào, bắp cải, súp lơ...
Trong số các loại rau đang trồng, rau cải là loại rau khó trồng nhất, đặc biệt là ở thời điểm trái vụ. Bởi, loại rau này dễ bị sâu bệnh, tốn nhiều công chăm sóc nhưng ưu điểm là thời gian ngắn, thị trường khan hàng nên giá bán cao hơn so với sản xuất đúng mùa.
Ban đầu, do chưa nắm rõ kỹ thuật nên rau của anh Mạnh thường xuyên bị sâu bệnh, lá vàng úa rồi chết dần. Để khắc phục những hạn chế đó, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm qua các vụ trồng, anh Mạnh tích cực tìm hiểu trên sách, báo, tivi và đi thực tế tham quan mô hình ở nhiều nơi. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng RAT (chủ yếu là rau cải ăn lá), mang lại hiệu quả kinh tế.
Anh Mạnh cho biết trồng RAT đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều so với trồng rau thông thường từ khâu làm đất đến thu hoạch. Ngoài lựa chọn hạt giống chất lượng thì công đoạn làm đất phải được xử lý kỹ lưỡng để tránh mầm bệnh phát sinh sau này.
Trong quá trình rau phát triển, anh hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học mà sử dụng chủ yếu là phân vi sinh để bón lót và cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng.
Đối với phòng trừ sâu bệnh, hầu hết thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc sinh học, sau khi phun thuốc 10 - 15 ngày mới tiến hành thu hoạch rau, bảo đảm thời gian cách ly. Ngoài ra, nguồn nước tưới rau cũng được sử dụng bằng nước giếng khoan và được cơ quan chuyên môn kiểm tra định kỳ.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất RAT, anh Mạnh đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt nhà lưới nhằm tránh tác động của thời tiết và sâu bệnh gây hại. Mạnh dạn bỏ ra số vốn lớn, anh Mạnh chia sẻ động lực lớn để anh tiếp tục gắn bó với việc trồng RAT là ngoài việc đã làm chủ được kỹ thuật thì đồng đất ở xã Đông Cao cũng có nhiều yếu tố thuận lợi để sản xuất.
Trung bình mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường trên 40 tấn RAT các loại. Với giá bán dao động 15 - 18 nghìn đồng/kg tùy từng loại, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình của gia đình anh còn giải quyết việc làm cho 2 lao động địa phương, thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng RAT của anh Mạnh là mô hình đầu tiên của xã Đông Cao |
Lan tỏa mô hình
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng RAT của gia đình anh Mạnh, tháng 4/2017, một số người dân tại xóm Trại và xóm Soi (xã Đông Cao) đã thống nhất thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao.
Từ 9 thành viên ngày đầu thành lập, đến nay, HTX đã thu hút 37 thành viên tham gia trồng các loại RAT. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng HTX đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhận thức của người dân trong sản xuất đã có những chuyển biến rõ rệt.
Hiện nay, với diện tích trên 3 ha, bình quân mỗi ngày, HTX thu hoạch hơn 5 tạ rau các loại và được công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Phong (Hà Nội) thu mua với số lượng lớn để cung cấp cho một số trường mầm non, bếp ăn tập thể tại Hà Nội.
Bà Đinh Thị Thu - Giám đốc HTX, cho biết để bảo đảm được số lượng đơn hàng như trên, HTX đã giao cho mỗi thành viên chuyên canh một loại rau khác nhau. Là giám đốc HTX nên bà Thu tự nguyện chọn loại rau khó sản xuất nhất, đó là rau cải ăn lá.
Theo đơn đặt hàng, mỗi ngày phía công ty Nguyên Phong sẽ thu mua 1 tạ rau cải ăn lá với giá 10.000 đồng/kg. Đáp ứng đơn hàng trên, bà Thu đã thực hiện gieo rau luân canh, cứ 2 ngày lại gieo một lần trên diện tích 5 thước. Như vậy, ngày nào bà cũng có 1 tạ rau để cung ứng cho khách hàng…
Với cách làm phù hợp, hiệu quả, sản phẩm rau xanh của HTX đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở NN&PTNT) cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Đây là cơ sở để HTX cân nhắc mở rộng quy mô, duy trì chất lượng sản phẩm nhằm hoạt động ổn định, bền vững. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư nhà xưởng phân loại, bảo quản rau để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Hoàng Lê