Theo thống kê mỗi năm có từ 4,8 đến 12,7 triệu tấn RTN thải ra môi trường và đổ xuống các đại dương, tác hại của RTN, túi nilon đã ảnh hưởng đến môi trường cùng với sức khỏe con người là rất lớn.
Đẩy mạnh cuộc chiến chống RTN
Hơn 40 kg RTN bao gồm 16 chiếc bao tải, 4 chiếc bao bố đựng gạo và nhiều túi ni lông khác, đó là số RTN được tìm thấy trong bụng con cá voi dài gần 5 m trôi dạt vào đảo Mindanao của Philippines ngày 16/3 vừa qua. Theo các nhà khoa học con cá voi đã bị chết đói do không thể ăn được vì dạ dày của nó chứa lượng RTN quá lớn.
Làn sóng xanh đang trở thành xu hướng mới trong đời sống xã hội và ngày càng có sức hút đối với cộng đồng (Ảnh: TL) |
Đây là hệ quả của việc dùng túi nhựa, đồ nhựa 1 lần tràn lan ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Giáo sư Sherry Masan, Đại học New York, Mỹ “Nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, trong không khí, trong nước uống, trong đồ ăn. Đặc biệt mối đe dọa lớn nhất của RTN chính là các hạt nhựa có kích thước rất nhỏ không nhìn thấy được bằng mắt thường, chúng xâm nhập vào cơ thể con người và tạo ra các hormone vô cùng độc hại”.
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy trên thế giới khoảng 8,8 triệu tấn RTN bị xả xuống biển mỗi năm. Trong khi, mỗi năm lượng RTN thải ra trên khắp thế giới đủ để bao quanh trái đất 4 lần, theo thống kê mỗi phút có 1000 kg túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.
Vậy mất bao lâu để nhựa bị phân hủy, theo ước tính chai nhựa mất khoảng từ 450 đến 1000 năm, ống hút nhựa là 100 đến 500 năm, bàn chải đánh răng 100 đến 500 năm, ly xôp mất từ 50 đến 100 năm.
Đã đến lúc con người phải hành động ngay, đặc biệt năm nay kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Quốc tế lần thứ 98 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế và lần thứ 26 của Liên Hợp quốc, một thông điệp rất rõ ràng được chuyển đến các thành viên đó là “Hợp tác xã hành động vì biến đổi khí hậu”.
Mới đây, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch cấm ống hút, bông ngoáy tai bằng nhựa và nhựa sử dụng một lần như túi ni lông, chai đựng nước. Ấn Độ cũng đã cam kết cấm sử dụng nhựa 1 lần kể từ năm 2022. Và Trung Quốc là đất nước có lượng RTN hàng đầu thế giới cũng đã thông qua Luật cấm nhập khẩu đồ nhựa, vi nhựa, Hàn Quốc cùng đã cấm sử dụng nhựa dùng 1 lần tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bắt đầu từ tháng 4/2020.
Tất cả các động thái trên đều chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thức tỉnh và có các động thái nhanh chóng giảm thiểu nguy hại từ RTN, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi người dân trong cuộc chiến cam go này.
Làn sóng xanh tại Việt Nam
Câu chuyện hạn chế RTN tại Việt Nam gần đây đang là một đề tài nóng được đưa ra ở nhiều diễn đàn. Mới đây, một số siêu thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm hạn chế RTN bảo vệ môi trường đã sử dụng phương pháp gói rau củ bằng lá chuối. Việc làm này không chỉ vì sức khỏe của mỗi con người mà còn góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, một vấn đề bức thiết hiện nay.
Đi tiên phong trong việc chống RTN tại TP. Hồ Chí Minh là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đó là đóng sản phẩm bằng lá chuối (Ảnh: TL) |
Đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh và hiện nay là các thành phố lớn tại Việt Nam. Đây là hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường nhằm loại bỏ túi ni lông khỏi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Đi tiên phong trong việc chống RTN tại TP. Hồ Chí Minh là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), ngoài việc duy trì và mở rộng nhóm sản phẩm gói bằng lá chuối, từ tháng 5-2019, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước ngưng kinh doanh ống hút bằng nhựa. Hiện tại, Saigon Co.op đang kinh doanh các mặt hàng đĩa, tô, hộp, ly… từ bã mía; ống hút từ giấy, gạo.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn bổ sung vào danh mục hàng nhãn riêng các loại ống hút giấy và găng tay tự hủy sinh học. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các mặt hàng thân thiện với môi trường như: muỗng, nĩa, dao, ống hút, đũa làm bằng gỗ; túi đựng thức ăn tự hủy; túi vải mua sắm; giấy vệ sinh tái chế 100%; bàn chải đánh răng bằng tre; ống hút bằng giấy, inox, bột cỏ; chai thủy tinh đựng nước… Các chương trình khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi ni-lông khi mua sắm như tặng thêm điểm thưởng khi dùng “túi môi trường”; mang chai nước thủy tinh để lấy nước uống… cũng thường xuyên được tổ chức.
Theo đại diện truyền thông Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, sức mua các mặt hàng thay thế này đã tăng 15% – 20% so với trước thời điểm bắt đầu “nói không” với ống hút nhựa. Một số mặt hàng thay thế khác đang được thử nghiệm như ống hút làm bằng sậy, sản phẩm có nguồn gốc từ bột ngô thay nhựa… cũng có sức mua khá tốt, dần được người tiêu dùng ưa thích. Khoảng 30%-40% khách hàng có ý thức tốt về hạn chế túi nilon, dùng ít hoặc từ chối dùng túi này khi đi mua sắm. Con số này có ý nghĩa khích lệ cao, giúp nhà sản xuất lẫn nhà phân phối có thêm động lực thực hiện các chương trình dài hơi hơn.
Có thể nói, những việc làm, hành động tưởng chừng như rất nhỏ của các HTX đã thật sự mang nhiều ý nghĩa và cần được phát huy trong đời sống xã hội, sống xanh cần trở thành lối sống tích cực cho mỗi người dân và cộng đồng.
Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu hết năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.
Minh Thành