Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn thế giới. Những ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã và cộng đồng nông nghiệp, những người yếu thế, khó khăn kinh tế, người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Khu vực châu Á – TBD có dân số chịu tác động lớn nhất và là khu vực chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất trên thế giới.
Các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, nghề cá, lâm nghiệp có số lượng thành viên lớn trong khu vực và những tác động của biển đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến vụ mùa thất bát, năng suất thấp hơn, xói mòi đất, diện tích bao phủ rừng bị thu hẹp, tổn thất trong chăn nuôi đã dẫn đến việc nghèo đói ngày càng tăng và mất an ninh lương thực.
Nhiều mô hình HTX phát triển xanh
Tại Ấn Độ, HTX Phát triển rừng và trang trại đã biến những mảnh đất cằn cỗi thành những mảnh đất xanh và nhiều HTX khác đang trồng hàng nghìn cây xanh tại những khu vực mà HTX hoạt động. Liên đoàn HTX tín dụng của Sri-lanca (SANASA) đang thúc đẩy chương trình ‘Lassana Lanka’ (một đất nước Srilanca tươi đẹp) vì sự phát triển của 10.000 thôn làng bền vững.
Mô hình trang trại thông minh đang được chú ý trong chiến lược xây dựng nền nông nghiệp xanh (Ảnh: Internet) |
Tại Tây Ban Nha, một mô hình trang trại thông minh đang được chú ý trong chiến lược xây dựng nền nông nghiệp xanh đó là trang trại nổi thông minh vừa trồng rau, vừa nuôi cá. Mô hình trang trại nổi thông minh có thể giúp người nông dân vừa trồng rau, vừa nuôi cá trên 1 diện tích cố định, mô hình này có 3 tầng. Tầng cao nhất được lắp đặt với các tấm quang điện có chức năng hấp thụ ánh sáng mặt trời để sản sinh ra điện, ngoài ra tầng này cũng có các khoang chứa nước mưa để phục vụ mục đích tưới tiêu, tầng thứ 2 được thiết kế như một nhà kính để trồng các loại rau, hệ thống này cũng không sử dụng đất mà trồng theo phương pháp thủy canh, với cách này rau rau được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, cách ly được sâu bệnh, tách được nước ô nhiễm và các độc tố. Tầng cuối cùng được sử dụng như một trang trại nuôi cá, 1 khu giết mổ và 1 phòng lạnh lưu trữ cá cũng được thiết kế ở tầng này.
Tất cả các tầng của trang trại nổi đều được điều khiển bởi hệ thống phần mềm và vận hành bởi công nghệ đám mây, dữ liệu thu thập sẽ được phân tích và sử dụng nhằm đưa ra phương án nuôi trồng phù hợp với từng nhu cầu cụ thể.
Về năng suất mô hình trang trại nổi thông minh có thể nuôi trồng được hơn 8000 tấn rau và 1.700 tấn cá/năm, ước tính sau 10 năm có thể thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu. Đây là mô hình lý tưởng cho các đô thị đông dân cư ở ven biển.
Một chuyến đi đến hành động
Thực hiện “Hành động vì biến đổi khí hậu” bao gồm: Từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, xác định lại mục đích, tái chế, tiết kiệm và phân loại. Đây là những thay đổi có chi phí thấp nhất và dễ thực hiện tại văn phòng và tại nhà. Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á –TBD (ICA-AP) kêu gọi các tổ chức thành viên tham gia vào chương trình hành động vì biến đổi khí hậu với các hoạt động như từ chối và giảm thiểu việc sử dụng các đồ nhựa dùng một lần: Tránh sử dụng các đồ nhựa dùng một lần mà thay vào đó là sử dụng các chất liệu có thể tái sử dụng và tái chế. Tái sử dụng và xác định lại mục đích: Dao nĩa, quần áo, đồ đạc, giấy, nhựa, kim loại và rác thải điện tử. Tiết kiệm điện và nước. Rác thải được phân loại: phân loại ướt, khô, tái chế và không tái chế.
Hàng trăm công nghệ Israel đang góp phần cải thiện ngành nông nghiệp trên thế giới (Ảnh: Internet) |
Chính phủ Việt Nam cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân Việt Nam, trong đó có hơn 30 triệu thành viên trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX cùng chung tay thực hiện chủ trương và các giải pháp chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Các thành viên của hệ thống Liên minh HTX đã hỗ trợ ứng phó với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh lương thực tại Việt Nam. Một số HTX điển hình như HTX chăn nuôi Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại chăn nuôi bò sữa; HTX chăn nuôi Bình Thành (Duy Tiên, Hà Nam) với mô hình nuôi cá “sông trong ao” tiết kiệm nguồn nước; HTX Long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) sản xuất thanh long theo công nghệ Israel…
Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên cấp bách như hiện nay khi nguồn cung, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn và cách thức phát triển nông nghiệp xanh đang chịu quá nhiều tác động. Theo tổ chức Nông Lâm Liên Hợp quốc (FAO) nền nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí như giống cây trồng năng suất cao thích ứng với biến đổi khí hậu, phương pháp canh tác phù hợp với từng Quốc gia, vũng lãnh thổ, thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên cho tương lại.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm tới 60% dân số thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa cao nhất thế giới, song chỉ có khoảng 35% lượng tài nguyên nước trên toàn cầu và phải hứng chịu 70% các vụ thiên tai trên thế giới. Việc phát triển nông nghiệp xanh ở nhiều quốc gia hiện nay còn rất nhiều trở ngại do thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, cùng với quy mô sản xuất manh mún. Trong khi nhu cầu về sản xuất nông nghiệp và nhu cầu mưu sinh tiếp tục thôi thúc người dân mở rộng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi làm suy thoái tài nguyên.
Để nuôi sống hàng tỷ người vào năm 2030, sản xuất nông nghiệp phải tăng 70% trong khi đó nông nghiệp lại ở vào thế yếu trong mối tương quan với đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tương lai có lẽ sẽ bắt đầu với cuộc cách mạng mới trong sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp xanh chính là mục tiêu hướng tới.
Minh Thành