Trùng Khánh vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng. Làm sao để hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm 5% là mục tiêu mà các cấp chính quyền địa phương này luôn trăn trở.
Đánh thức tiềm năng
Theo thống kê, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trùng Khánh là trên 28% (tương đương 5.000 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo là 18% (tương đương 3.200 hộ). Với số lượng trên có thể thấy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao, trong khi Trùng Khánh là một huyện biên giới, có nhiều núi cao nên việc phát triển sản xuất gặp không ít khó khăn. Người dân ở Trùng Khánh cũng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí chưa cao và mật độ phân bố không đồng đều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảm nghèo của huyện.
Tuy nhiên, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện xác định, việc nằm giáp biên giới tuy gặp những khó khăn nhất định nhưng cũng chính là thế mạnh để huyện phát triển, giao thương hàng hóa. Để tận dụng được điều này, Trùng Khánh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa dựa vào thế mạnh của huyện.
Trước đây, Trùng Khánh chỉ tập trung vào phát triển lâm nghiệp mà "bỏ qua" nông nghiệp. Tuy nhiên những năm gần đây, huyện đặc biệt lưu tâm đến phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, một số cây được tập trung và ưu tiên phát triển là: hạt dẻ, cam, quýt, lê.
Trước đây, người dân chỉ để cây “tự mọc, tự lớn” rồi thu hoạch nên sản lượng ít. Nhưng hai năm gần đây, huyện chú trọng khuyến khích người dân cải tạo diện tích cây cũ kết hợp trồng mới để gia tăng diện tích và sản lượng. Chẳng hạn như cây dẻ, trên địa bàn huyện đã trồng mới 166,6/300 ha, nâng tổng diện tích cây dẻ đạt gần 600 ha, tập trung tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh, Đàm Thủy. Sản lượng hạt dẻ bình quân đạt khoảng 160 tấn hạt/năm. Với giá bán trung bình 100 - 140 nghìn đồng/kg, hạt dẻ tạo ra nguồn thu đáng kể giúp giảm nghèo tại địa phương.
Một trong những mô hình tiêu biểu hiện nay đó chính là HTX Bích Loan (thị trấn Trùng Khánh) đã đầu tư vườn ươm cây hạt dẻ, áp dụng kỹ thuật ghép giống để giảm thời gian phát triển, rút ngắn thời gian cây cho quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống. Đến nay, HTX xuất hơn 7.000 cây dẻ ghép, hơn 1.000 cây dẻ thực sinh để phục vụ người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, HTX còn đầu tư phát triển các loại giống cây ăn quả nhằm hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa một cách thuận lợi.
Một ưu điểm đó là những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Còn người dân đã tận dụng đất và được hướng dẫn chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang trồng mới cây ăn quả theo đúng chỉ tiêu huyện giao.
Chính vì vậy, ngoài diện tích hạt dẻ, diện tích cây cam, quýt trồng mới của huyện hiện nay là 81,49/100 ha (đăng ký), sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm. Diện tích lê trồng mới được 36,6/45 ha (đăng ký), trong đó khoảng 25 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt 100 tấn/năm.
"Phục tráng" cây đặc sản
Thực tế những loại cây như hạt dẻ, lê, quýt… vốn là đặc sản ở Trùng Khánh nhưng do không được chăm sóc, chú trọng đầu tư nên bị thoái hóa, sâu bệnh, gây thiệt hại nặng về chất lượng.
Do đó, diện tích trồng các loại cây đặc sản này dần bị thu hẹp, nguồn gen cây bản địa có nguy cơ bị thoái hóa. Đi liền với đó là người dân không được hưởng lợi kinh tế từ chính những loại cây đặc sản. Nhất là khi không chú trọng làm thương hiệu, một số cây đặc sản đã bị hàng hóa từ Trung Quốc lấn át, “ăn cắp” thương hiệu.
Có một thời gian dài, hạt dẻ Trùng Khánh bị hạt dẻ Trung Quốc nhấn chìm bởi giá rẻ, số lượng lớn, hạt to, được chế biến và đóng gói sẵn, thậm chí còn lấy luôn thương hiệu “hạt dẻ Trùng Khánh” để bán trên thị trường.
Còn ở Trùng Khánh, tuy được coi là cái nôi của hạt dẻ nhưng cây dẻ chỉ được người dân trồng theo hình thức như trồng rừng, không đầu tư chăm sóc bài bản, không có công nghệ thu hoạch, bảo quản sản phẩm nên hạt nhỏ, chất lượng không đồng đều, chỉ để được 1 tuần là hỏng. Địa phương cũng không chú trọng đến việc hỗ trợ người dân làm thương hiệu và tìm đầu ra nên giá trị mang lại từ loại đặc sản này không cao.
Cây hạt dẻ giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. |
Rút kinh nghiệm từ điều đó, huyện Trùng Khánh đã kết hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai nghiên cứu nhiều đề tài phục tráng, bảo tồn và phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có hạt dẻ. Huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, vườn bảo tồn nguồn gen gốc, tìm phương pháp diệt trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX cách phòng trừ sâu bệnh.
Đặc biệt, huyện đã quan tâm phát triển mô hình HTX để làm nền tảng hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hình thức "4 nhà", từ đó hạn chế khó khăn và tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách, cơ chế của Nhà nước.
Để thu hút người dân vào HTX, mới đây, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Trùng Khánh tổ chức tuyên truyền về công tác phát triển HTX. Trong đó nhấn mạnh, Luật HTX năm 2023 sắp đi vào thực tiễn sẽ là tiền đề, động lực để người dân tại địa phương phát triển kinh tế tập thể, chủ động trong liên kết và tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Việc phát triển HTX cũng giúp người dân đoàn kết hơn, giải quyết được những bất lợi trong phân bố dân cư không đồng đều.
Đời sống người dân khởi sắc
Nhờ xác định được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, hỗ trợ giảm nghèo, đến nay, Trùng Khánh đã phát triển và xây dựng được những mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả. Điển hình như HTX An Thịnh (xã Lưu Ngọc), HTX Nông lâm và dịch vụ An Bình (xã Cao Chương)… Các HTX này đã hoạt động theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển các sản phẩm hàng hóa ưu thế của huyện.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX là động lực quan trọng để huyện phát triển du lịch trải nghiệm. Hiện, đã có nhiều homestay và cơ sở lưu trú được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư xây dựng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo tại địa phương.
Theo đánh giá của ngành chức năng, Trùng Khánh là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng đã và đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, và giai đoạn 2021 – 2025 đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo đã được cải thiện và nâng cao, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Bà Đàm Thị Hòa (tổ 11, thị trấn Trùng Khánh) cho biết, gia đình đang sở hữu gần 100 gốc dẻ, có độ tuổi hơn 20 năm. Hiện, gia đình đang được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc những cây dẻ cũ và đầu tư trồng thêm dẻ mới để nâng cao thu nhập. Mỗi năm, gia đình có nguồn thu khoảng 70-100 triệu đồng từ bán hạt dẻ.
Gia đình ông Nông Văn Phúc (xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn) đang có 30 gốc dẻ đã cho thu hoạch. Theo ông Phúc, so với các cây trồng khác, cây dẻ cho thu nhập cao hơn gấp 2 - 3 lần. Cây dẻ giúp gia đình ông dần ổn định kinh tế, thoát nghèo. Chính vì vậy, thời gian tới, ông tiếp tục nhân giống và mở rộng diện tích trồng, thâm canh để nâng cao thu nhập.
Mục tiêu của huyện Trùng Khánh là trong thời gian tới, mỗi xã xây dựng ít nhất 1 HTX hoặc tổ hợp tác đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân; khai thác mô hình du lịch nông nghiệp trên cơ sở mở rộng diện tích sản xuất cây đặc sản, song song với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường.
Minh Nhương