Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Chị Sùng Thị Si, dân tộc Mông là Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) cho biết: hiện nay, HTX có 20 thành viên, đều là đồng bào dân tộc Mông, phần lớn là phụ nữ. Các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, có người bị tàn tật, có người đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có người từng bị lừa bán sang Trung Quốc.
HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A giới thiệu sản phẩm do chính các thành viên thực hiện. |
Những ngày đầu HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A mới thành lập, chị Si nghĩ ngay đến những chị em không có việc làm, gia cảnh khó khăn trong xã. Chị đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX, thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.
Dưới sự điều hành của Giám đốc Sùng Thị Si, HTX ngày càng phát triển. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo với bản sắc riêng, có giá trị trên thị trường, mang lại cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã Sà Phìn.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. “Từ ngày có thu nhập từ công việc tại HTX, cuộc sống của các thành viên trở nên đầm ấm, hòa thuận, con cái được học hành đầy đủ”, chị Si cho hay.
Khai thác thế mạnh địa phương từ các dự án chăn nuôi
Huyện Quang Bình có 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, người Pà Thẻn và Phù Lá là những dân tộc thiểu số rất ít người đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Quang Bình đã triển khai hỗ trợ các dự án phát triển chăn nuôi cho người Pà Thẻn và Phù Lá. Đến nay, nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số, livestream bán hàng, giới thiệu các sản phẩm lên mạng xã hội. |
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người còn được hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc được thụ hưởng chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, được hỗ trợ theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, HTX đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức dạy nghề dệt cho phụ nữ dân tộc thiểu số, truyền lại nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX ngày càng đa dạng, phong phú như: Trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu...
Hiện nay, HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số, livestream bán hàng, giới thiệu các sản phẩm lên mạng xã hội. Từ đó, đưa sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với khách hàng và tăng gấp 2 lần lợi nhuận so với bán hàng truyền thống.
Đặc biệt, các sản phẩm của HTX không chỉ đảm bảo tính ứng dụng, thẩm mỹ, chứa đựng những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, mà còn được đánh mã vạch, có tem truy xuất, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, tạo niềm tin, chắp cánh cho thương hiệu sản phẩm dệt của người Pà Thẻn vươn xa.
Đồng thời, cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Pà Thẻn ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Mở rộng hoạt động HTX là bước đi đúng đắn
Những năm gần đây, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đã giúp sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng bào DTTS ở Hà Giang. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Hà Giang, như: dệt thổ cẩm, mật ong bạc hà, cam sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX vùng dân tộc thiểu số, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX nông nghiệp thấp hơn so với bình quân chung của các lĩnh vực khác; có ít HTX sản xuất được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đa phần HTX tập trung sản xuất sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp, thị trường thiếu ổn định; nhiều HTX chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm...
Theo bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang: Để giải quyết tính trạng đó, tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về liên kết, sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng khoa học công nghệ. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyển đổi, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh đối với các HTX, tổ hợp tác hoạt động không hiệu quả; hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho thành viên, người lao động trong các HTX; thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX; góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Hà