Hiện, ở huyện đã có hàng trăm hộ trồng sen, trên diện tích gần 100ha, tập trung ở các xã Duy Sơn, Duy Phú, Duy Thu.
Nhiều hộ dân Duy Xuyên thoát nghèo nhờ trồng sen (Ảnh: Internet) |
Làm giàu từ sen
Duy Sơn là xã vùng núi của huyện Duy Xuyên. Nơi đây được biết đến là vùng trồng sen lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Trên địa bàn toàn xã có gần 50ha trồng sen, tập trung tại các thôn như Đồng Lớn, Trà Tý… Tại thôn Trà Tý có khoảng 40 hộ trồng sen với diện tích 30ha.
Nguồn thu nhập chính của người dân thôn Trà Tý đều dựa vào vụ thu hoạch sen mỗi năm. Mỗi năm một vụ từ tháng 3 đến tháng 8. Sen ở đây được chăm bón kỹ càng, không sử dụng thuốc nên rất được ưa chuộng. Chính vì thế, sen ở Trà Tý được các thương lái mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên.
Trước đây, gia đình ông Trần Văn Cư ở thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên trồng lúa, thu nhập bấp bênh. Mới đây, ông Cư đã chuyển qua trồng sen ở những diện tích đất lúa kém hiệu quả, chân ruộng thấp trũng.
Theo ông Cư, sen từ khi trồng đến thu hoạch mất gần 6 tháng, rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Vụ sen vừa rồi, gia đình ông lãi khoảng 70 triệu đồng. Ông Cư hồ hởi nói: “Chuyển qua trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, 1 sào sen gấp 2 sào lúa. Nhờ trồng sen, kinh tế của gia đình tôi phát triển mạnh hơn những năm trước”.
Được biết, chi phí trồng sen thấp, giá sen cũng ổn định, khoảng 25.000 đồng/kg. Trồng sen hiệu quả kinh tế gấp 8-10 lần so với trồng lúa. Vì thu nhập cao nên cuộc sống của người dân được ổn định, cuộc sống khấm khá hơn, nhiều nhà giàu lên nhờ cây sen. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân cải tạo đất trồng sen, quy hoạch theo vùng, đầu tư hạ tầng, thủy lợi để giúp dân mở rộng diện tích sen, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Duy Thu cho biết: “Về cơ bản cây sen có giá trị kinh tế cao gấp mấy lần cây lúa. Phần lớn người dân có ý tưởng bỏ ruộng để làm sen. Một số hộ có 3-4 sào sen. Sau một năm, cuộc sống của họ đã đổi khác. Việc phát triển cây sen đem lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đã thống kê được những chân ruộng mà người dân có ý định chuyển đổi sang trồng sen. Tới đây, xã sẽ hỗ trợ việc cải tạo, cây giống, sẽ quy hoạch một vùng hoặc nhiều vùng trên địa bàn”.
HTX "thơm" nhờ trà thảo mộc lá sen
Trà thảo mộc lá sen HTX Thu Bồn (Nguồn: Internet) |
Trà thảo mộc lá sen của HTX Thu Bồn, huyện Duy Xuyên tuy chỉ mới xuất hiện trên thị trường nhưng đang dần định vị được chỗ đứng. Sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2018. Hiện nay, HTX Thu Bồn tiếp tục có những bước cải tiến về bao bì cũng như chất lượng, mùi vị sản phẩm để đưa vị trà thơm thảo mùi đồng quê Duy Xuyên đến được với nhiều người tiêu dùng hơn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Từ những cánh đồng sen trồng theo phương pháp an toàn sinh học, lá sen sẽ được sấy khô và đóng gói trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm lưu giữ được hàm lượng dược tính cao nhất trong sản phẩm. Đây là loại thảo dược có công dụng thanh lọc cơ thể, giúp giảm mỡ, giảm cân và có tác dụng phòng trị cao huyết áp, bệnh mạch vành tim… Điều đặc biệt là trà không làm ở dạng thô mà được đóng gói thành những túi lọc bảo đảm vệ sinh và tiện ích cho người sử dụng.
Do hoàn thiện từng ngày từ chất lượng, mùi vị sản phẩm, Trà thảo mộc lá sen của HTX Thu Bồn đang được biết tới nhiều hơn. Hiện, sản phẩm được kinh doanh trên các trang thương mại trực tuyến cũng như được giới thiệu ở nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Quảng Nam, TP. Đà Nẵng.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, những người rất trẻ của HTX Thu Bồn đã tiếp thêm một sinh khí mới để ngành sản xuất nông nghiệp Quảng Nam có nhiều sản phẩm chất lượng, chuyên nghiệp hơn. Theo ông, OCOP của Quảng Nam sẽ còn đi xa hơn nữa nếu có những người trẻ tâm huyết và quyết đi đến cùng với “đặc sản” quê nhà, trong đó trà thảo mộc lá sen sẽ là sản phẩm có đường phát triển dài hơi trong tương lai.
Nhật Nam