Mô hình liên kết “3 nhà” giữa HTX Toàn Thắng, doanh nghiệp và nông dân địa phương, được xem là mô hình điển hình trong liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từ lợi thế thâm canh nông nghiệp hiệu quả, HTX đã nhạy bén tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Liên kết để làm giàu
Năm 2016, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng được thành lập, dựa trên nền tảng của một HTX cũ ở địa phương. Đến nay, HTX đang có trên 400 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 600ha.
HTX đang sản xuất các dòng cây trồng chủ lực như lúa (chiếm khoảng 70% diện tích), rau màu và trồng cây đinh lăng dược liệu.
HTX đang liên kết sản xuất trên quy mô lớn nhằm nâng cao giá trị (Ảnh TL). |
Giám đốc HTX Hà Minh Đức cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất, các thành viên chủ động đẩy mạnh liên kết, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau từ vốn, dịch vụ đầu vào, kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm.
Việc liên kết giúp các thành viên HTX đồng bộ hóa sản xuất, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật… qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng thu nhập.
Đơn cử, trong sử dụng lúa giống, thành viên HTX đồng loạt triển khai một loại giống chất lượng, xuống giống cùng thời điểm, giúp việc chăm sóc tiện lợi, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của các đối tác thu mua số lượng lớn.
Nhờ canh tác khoa học, giá trị sản xuất của HTX hiện đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận bình quân, sau khi trừ chi phí, của thành viên HTX đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Trường hợp biến động thị trường, mức lợi nhuận cũng đạt mức 36 – 40 triệu đồng/ha/năm, ngang bằng sản xuất lúa đại trà.
Mức thu nhập ổn định giúp đời sống tinh thần, vật chất của thành viên, người lao động HTX được nâng lên đáng kể. 100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, trên 55% thuộc diện khá trở lên, với mức thu nhập 70 – 100 triệu đồng/hộ/năm.
Xây dựng chuỗi giá trị
Không chỉ đảm bảo dịch vụ đầu vào, tăng cường liên kết giữa thành viên, HTX còn chủ động kết nối, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp uy tín.
Điển hình như hợp đồng sản xuất lúa giống với công ty Cường Tân với sản lượng lúa giống mỗi năm khoảng 750 tấn. Liên kết với công ty Ba Duy (Vũng Tàu) và bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên với sản lượng mỗi năm 50 tấn. Liên kết với công ty Dược Traphaco bao tiêu sản phẩm cây dược liệu của các hộ thành viên mỗi năm 20 tấn...
Liên kết với doanh nghiệp giúp HTX đảm bảo thị trường tiêu thụ (Ảnh TL). |
Việc liên kết với doanh nghiệp giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thu, nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho thành viên. Có hợp đồng tiêu thụ cố định cũng giúp HTX giảm thiểu sự phụ thuộc vào biến động thị trường, loại bỏ tình trạng tư thương ép giá.
Xây dựng thành công chuỗi giá trị giúp HTX đảm bảo mức doanh thu cao, đạt bình quân 6,5 – 10 tỷ đồng/năm. Theo đó, HTX đang hướng đến mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân của các hộ thành viên lên 100 – 150 triệu đồng/hộ/năm, 100% hộ thành viên vươn lên khá giả.
Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đã thành lập doanh nghịêp trực thuộc cách đây 2 năm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho thành viên; đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản cho khoảng 2.000 tấn thóc/năm.
Hiện, HTX cũng đang hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đặc sản (tám xoan bao tử, nếp bắc truyền thống) theo phương pháp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch sản xuất lúa gạo đặc sản của HTX đến năm 2020 có 100-150ha, với sản lượng mỗi năm 150- 270 tấn thóc tám xoan bao tử.
Với những nền tảng vững chắc đang có, HTX không chỉ đảm bảo đời sống cho thành viên mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hưng Nguyên