Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc nói chung, khó tiêu thụ thanh long nói riêng trong thời gian gần đây là do 10 triệu hộ nông dân vẫn sản xuất theo lối manh mún, nhỏ lẻ. Nếu "lời nguyền" này không được giải quyết thỏa đáng thì rất khó mở ra dư địa, cơ hội phát triển mới.
Sản xuất vẫn manh mún, tự phát
Điều này được chứng minh cụ thể qua diện tích canh tác bình quân của người dân. Dù đã đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng nghiên cứu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 10 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng đến 70% số hộ có quy mô sản xuất nhỏ, dưới 0,5ha đất. Nhóm có quy mô canh tác từ 2ha trở lên chỉ chiếm khoảng 6%. Trong đó, hai vùng có mức độ đất sản xuất nông nghiệp manh mún cao nhất là Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.
Tại nhiều địa phương, ruộng đất bị chia đều cho mọi người dân. Kết quả là các hộ có từ 3 - 5 mảnh ruộng, thậm chí nhiều hơn, các mảnh ruộng đó lại nằm cách xa nhau. Không chỉ diện tích đất nhỏ lẻ mà ngay trong tư duy sản xuất của không ít người dân vẫn theo lối “đèn nhà ai nhà ấy rạng”.
Những điều này khiến người dân phải bỏ nhiều công sức, khó áp dụng máy móc nên hiệu quả kinh tế không cao. Cụ thể là khó cung cấp được số lượng hàng hóa lớn, tính cạnh tranh của nông sản với khu vực và thế giới còn thấp nên dễ bị “từ chối” khi xuất khẩu. Người nông dân cũng chưa thể giàu từ nông nghiệp. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Chỉ sản xuất theo quy mô lớn, tham gia HTX thì mới giúp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch. |
Bà Ngô Tường Vi, Phó Giám đốc công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết dù bưởi da xanh ở Bến Tre có chất lượng tốt và phía doanh nghiệp Mỹ rất mong muốn ký hợp đồng nhưng đơn vị này đã phải từ chối nhiều lần vì không đáp ứng được số lượng lớn. Nguyên nhân là do người dân sản xuất trên diện tích nhỏ, phân chia thành nhiều mảnh, không liền vùng, liền thửa nên không hình thành được chuỗi bưởi bền vững, quy mô lớn.
Bà Ngô Thị Thu Liên (Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch) cũng cho rằng, do sản xuất manh mún nên người nông dân chưa có được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn còn nhỏ do bất cập trong Luật đất đai khiến người dân, HTX khó thuê hay khó được tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất về cùng một mối.
Nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bà Liên cho biết làm ăn một mình, sản xuất nhỏ lẻ là cái bẫy từ ngàn đời nay của người nông dân. Điều này khiến chi phí tăng cao, nông sản không chất lượng, không tìm kiếm được thị trường, khó liên kết được với các nhà khoa học đến hỗ trợ kỹ thuật…
Vì thế mới dẫn đến tình trạng khó cấp mã số vùng trồng hay mạo danh mã số vùng trồng, không đáp ứng các điều kiện phòng chống Covid-19… khiến các nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu một số loại nông sản của Việt Nam.
Vào HTX là xu hướng tất yếu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Hạt nhân, trung tâm của HTX là thành viên. HTX là phương tiện để phục vụ thành viên. Chính vì vậy, HTX có 3 vai trò là tổ chức kinh tế, tạo cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho thành viên, người lao động. HTX là tổ chức dựa vào cộng đồng, đề cao tính dân chủ và nguyên tắc tự nguyện nên có nhiều yếu tố để bảo đảm bền vững về môi trường xã hội, về kinh tế.
Để giải quyết được những khó khăn căn bản trong sản xuất nông nghiệp là sản xuất nhỏ nhưng thị trường cần số lượng nông sản lớn, bảo đảm chất lượng thì liên kết theo mô hình HTX là con đường tất yếu phải đi.
Cũng phải nói thêm, trong nền kinh tế 4.0, nếu vẫn còn người dân sản xuất đơn lẻ thì ngành nông nghiệp không thể phát triển bền vững, không thể đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của các nước đặt ra.
Trong khi đó, ở khu vực kinh tế tập thể, các HTX kiểu mới hiện nay luôn chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường sự liên kết đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên, nông dân.
Không ít người dân ở Tiền Giang đã biết liên kết sản xuất thanh long thông qua mô hình HTX. |
Tham gia HTX cũng là cách đảm bảo cho các thành viên chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó giúp người nông dân từng bước làm chủ cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu chính ngạch.
“Mô hình kinh tế tập thể hướng đến “4 tự” là: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản. Mọi hoạt động của mô hình kinh tế tập thể đều gắn và hướng tới lợi ích của thành viên, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận xét.
Lấy ví dụ thực tế trong việc tham gia HTX, ông Nguyễn Trung Quý Giám đốc HTX Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) cho biết, thời gian qua không ít người dân đã nhận thấy vai trò của HTX nên đã liên kết sản xuất thanh long trên diện tích 132 ha. Các thành viên cũng sản xuất theo các tổ để được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Vì liên kết nên HTX có năng suất lớn, lên đến 3.300 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu thu mua của 5 doanh nghiệp phục vụ chế biến, xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, EU…
Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo đã được phát triển từ lâu, cả về chủ trương và các mô hình thực tiễn nhưng việc nhân rộng các mô hình HTX liên kết hiệu quả vẫn cần nhiều thời gian hơn.
Bởi nhìn từ thực tiễn thì xuất khẩu nông sản chính ngạch vẫn còn ở mức thấp so với tổng sản lượng hằng năm. Chưa kể, phần lớn sản phẩm liên kết sản xuất cũng chỉ để cung ứng xuất khẩu hoặc xuất khẩu tiểu ngạch thông qua thị trường Trung Quốc.
Nhận thấy hạn chế này, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các HTX chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa; tư vấn, hướng dẫn HTX xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai, tín dụng, tài sản, bồi dưỡng nhân lực. Đặc biệt, thông qua Chương trình hỗ trợ kết nối cung cầu, từ tháng 8/2021 đến nay, đã hỗ trợ tiêu thụ 240.000 tấn nông sản các loại.
Để nâng cao hiệu quả mô hình chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, Liên minh HTX Việt Nam đã lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực như: Thanh long, sầu riêng, nhãn, vải, xoài... và cùng các địa phương hỗ trợ các HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản… thông qua ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của mô hình HTX, từ đó tăng niềm tin và thu hút nhiều người dân tham gia HTX.
Huyền Trang