Bình Đại đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trồng dừa theo hướng hữu cơ (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất hữu cơ
Số liệu thống kê từ Trạm Khuyến nông huyện Bình Đại cho thấy đến nay, toàn huyện có 1.690 ha đất chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó diện tích trồng dừa đạt chứng nhận hữu cơ vào khoảng 750 ha và 940 ha đang chuyển đổi.
Nhận biết nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đang hướng đến là các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, huyện đã chủ động xây dựng tiêu chuẩn sạch, hữu cơ cho dừa ngay từ khâu đầu tiên là trồng cây.
Bà Võ Thị Họa My – Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Thuận, nhận định để phát triển bền vững, người trồng dừa tất yếu phải sản xuất hữu cơ. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, HTX luôn chủ động hướng dẫn thành viên, hộ liên kết phát triển mô hình theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ mới.
“Sản xuất hữu cơ giúp sản phẩm của các hộ trồng dừa được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 5 - 10% với dừa 1 - 2 năm tuổi. Sau 3 năm, dừa hữu cơ được mua cao hơn 15 - 30%. Khi thị trường rớt giá sâu, dừa vẫn được cam kết thu mua với giá sàn 50.000 đồng/chục”, bà My cho hay.
Ông Nguyễn Văn Cương, người có kinh nghiệm gần 10 năm trồng dừa, chia sẻ sản xuất hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, trước hết là bản thân người trồng dừa sau đó là người tiêu dùng. Đối với vườn dừa, sản xuất hữu cơ giúp cho trái năng suất cao và ổn định.
Việc sản xuất hữu cơ còn giúp các nông dân kết hợp trồng xen cây thảo dược dưới tán dừa, dưới ao mương vườn dừa là nuôi tôm càng xanh, kết hợp liên kết chuỗi làm du lịch. Mô hình này cho thấy hiệu quả tích cực và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.
Các HTX, THT đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị dừa ở Bình Đại (Ảnh TL) |
Điểm tựa từ kinh tế hợp tác
Trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị dừa theo hướng hữu cơ, các HTX, THT đang đóng vai trò “cầu nối” dẫn dắt, hỗ trợ sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ cho người dân.
Năm 2019, huyện Bình Đại thành lập HTX Lộc Thuận có quy mô sản xuất hơn 113 ha và 106 thành viên, nâng tổng số HTX chuyên canh dừa trên địa bàn huyện lên 3 HTX, gồm HTX nông nghiệp Lộc Thuận, HTX Thới Lai và HTX Vang Quới Đông.
Huyện cũng có 8 THT phát huy thế mạnh trồng dừa, điển hình như THT ấp Lộc Thành, THT thu mua dừa xã Phú Vang, THT liên kết thu mua dừa trái xã Phú Long, THT liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa trái ấp Bình Phú...
Chính thức hoạt động từ tháng 10/2018, HTX Nông nghiệp xã Vang Quới Đông đã và đang góp phần thúc đẩy ngành dừa tại địa phương phát triển. Người nông dân cũng yên tâm hơn khi HTX đã từng bước hình thành chuỗi giá trị hàng hóa.
HTX Vàng Quới Đông hiện đang thu hút 28 thành viên. HTX hoạt động chủ yếu là thu mua và bán dừa trái. Hàng tháng, HTX thu mua và xuất bán được hơn 90.000 trái dừa.
Ông Phạm Hữu Thuần – Phó Giám đốc HTX, chia sẻ khi liên kết với HTX, nông dân được thu mua dừa cao hơn thị trường 2.000 – 3.000 đồng/chục, đảm bảo người sản xuất không bị lỗ.
Song, để được hưởng các chế độ đãi ngộ, các hộ phải đảm bảo sản xuất hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhật Minh