Những HTX do phụ nữ làm chủ đang gây ấn tượng mạnh tại Bắc Ninh (Ảnh Tư liệu) |
Liên kết làm giàu trong HTX
Bà Đặng Thị Hợp (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du), thành viên HTX nông sản an toàn Xuân Lạc, là một trong những người đầu tiên trong thôn mạnh dạn chuyển đổi khu ruộng trũng kém hiệu quả sang canh tác cây ăn quả và rau màu chất lượng cao.
Trên diện tích 3.600m2 chuyển đổi, gia đình bà trồng 60 cây bưởi Diễn, 50 cây hồng xiêm, 20 cây nhãn, 25 cây mít, rồi đan xen các loại cây ngắn ngày như cam, chanh, đu đủ… và một số loại rau màu theo thời vụ.
Gia đình bà Hợp là 1 trong 5 hộ thành viên chủ chốt khai sinh ra HTX nông sản an toàn Xuân Lạc với 11 thành viên, hầu hết các hộ đều có kinh tế khá giả.
Giống như HTX nông sản an toàn Xuân Lạc, HTX sản xuất nông sản an toàn Đại Xuân (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ) cũng là một đơn vị điển hình do phụ nữ làm chủ. Được thành lập năm 2017, HTX hiện đang có 7 thành viên do Bà Nguyễn Thị Hợp là Giám đốc. Bà Hợp cho biết, sau khi thành lập, HTX bắt đầu triển khai mô hình sản xuất giống lúa tẻ thơm Nàng xuân theo hướng an toàn.
Các thành viên HTX được tập huấn và tuân thủ việc sử dụng các chế phẩm sinh học từ phun thuốc, bón cây cho năng suất, chất lượng hạt gạo cao. Kết quả, mô hình cho thu nhập bình quân 9 triệu đồng/vụ/thành viên. Năm 2019 sản phẩm của HTX là 1 trong 25 sản phẩm được tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh Bắc Ninh đợt 1.
Cũng trong năm 2019, HTX cấy thí điểm 2,5 ha lúa thảo dược thành công được nhiều HTX, nông dân địa phương và các vùng lân cận cũng đến học tập và triển khai.
Đến nay, doanh thu bình quân của HTX là 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động, thu hút 30/32 thành viên là nữ.
Các HTX do phụ nữ làm chủ sẽ tiếp tục được nhân rộng, nâng cao hiệu quả (Ảnh TL) |
Lan tỏa mô hình HTX phụ nữ làm chủ
Xuân Lạc và Đại Xuân chỉ là 2 trong số nhiều HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm nòng cốt phát huy hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Kể từ năm 2017 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh vận động thành lập được 11 HTX, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và 48 tổ liên kết sản xuất thu hút gần 3000 phụ nữ tham gia.
Có thể kể đến hàng loạt điển hình như HTX nông sản sạch Phú Trên (xã Phú Hòa, Lương Tài), HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Minh Ngọc (xã Đông Cứu, Gia Bình), HTX trồng nấm và rau sạch Tâm Bình (xã Liên Bão, Tiên Du), HTX nuôi trồng nông sản an toàn Xuân Lạc (xã Lạc Vệ, Tiên Du); HTX dịch vụ nông nghiệp Nghiêm Xá (thị trấn Chờ, Yên Phong)…
Điểm chung của các HTX do phụ nữ làm chủ là tạo ra không gian cho các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản thế mạnh tại địa phương. Bên cạnh đó, phụ nữ có những ưu điểm so với đàn ông nên các HTX này tuy không phát triển nhanh nhưng chắc chắn và bền vững.
Để bắt kịp những thay đổi của thị trường, nâng cao giá trị sản xuất, các HTX đang đẩy mạnh khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, HTX cùng lĩnh vực để nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, lãnh đạo các HTX cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế trong việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư giống cây, con, phương tiện hay năng lực, kiến thức cơ bản về cách quản lý, điều hành... Đây là những điểm yếu mà các HTX này cần giải quyết sớm trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX cùng Hội Phụ nữ tỉnh cần tích cực phối hợp triển khai vận động thành lập thêm mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, lồng ghép một số dự án giúp các đơn vị tiếp cận được nguồn hỗ trợ về vốn, đất đai… từ đó, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng hạnh phúc gia đình và làm giàu cho xã hội.
Nhật Minh