Nông nghiệp CNC tỉnh Long An đang chuyển biến mạnh mẽ với sự hình thành của các HTX, mô hình sản xuất điểm (Ảnh Tư liệu) |
Chuyển biến tích cực
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của tỉnh Long An, lúa, rau màu, cây thanh long và bò thịt là 4 loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn để thực hiện ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào các khâu chính, như giống, canh tác và sau thu hoạch.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: 20.000ha sản xuất lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười, 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành, 2.000ha rau màu tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP Tân An, vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Kết quả, những chính sách thúc đẩy nông nghiệp theo hướng hiện đại giúp liên kết “4 nhà” được phát huy tối ưu, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của người dân tăng lên.
Đến nay, trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đã thành lập và củng cố được 151 THT, 43 HTX nông nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng 16 HTX điểm, trong đó có 4 HTX điểm điển hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.
Thành công nổi bật nhất là vùng trồng thanh long huyện Châu Thành với hơn 2.082ha (đạt 104,1% kế hoạch), vùng trồng lúa thực hiện được 15.075ha (đạt 75,38% kế hoạch), vùng trồng rau an toàn thực hiện được hơn 1.476ha (đạt 73,8% kế hoạch) và vùng chăn nuôi bò thịt với hơn 4.000 con.
Các sản phẩm đều bảo đảm đạt tiêu chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP. So với mục tiêu đề ra, tỉnh Long An dự báo có thể hoàn thành tốt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong năm 2020, bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang khẳng định dấu ấn đậm nét với hàng loạt điểm sáng trong sản xuất CNC (Ảnh TL) |
Hàng loạt điểm sáng
Sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh giúp HTX nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) trở thành một trong 57 HTX tiêu biểu toàn quốc.
HTX Gò Gòn chính thức triển khai thực hiện cánh đồng lớn từ năm 2013. Hiện, HTX xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất với mô hình liên kết “4 nhà” (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước) rất hiệu quả.
Ông Trương Hữu Trí – Giám đốc HTX Gò Gòn, cho hay trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, cuối vụ cân lúa khấu trừ không tính lãi.
Đầu ra hạt lúa được HTX và doanh nghiệp bao tiêu, thu mua với cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg. Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn đã và đang giúp đời sống của thành viên, hộ liên kết của HTX liên tục được nâng lên.
Một "điểm sáng" khác là HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc). Được thành lập từ năm 2012, HTX hoạt động theo hướng đa năng, đa nghề, trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên.
Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX đang có 60 thành viên, sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn trên diện tích 30ha, trong đó có 7,2ha đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng giúp người nông dân trên địa bàn tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau nói riêng.
Sự ra đời của các HTX cũng là chìa khóa thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương, qua đó tạo nên sức bật cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đang có những chuyển biến sâu rộng, song việc phát triển nông nghiệp CNC tại Long An vẫn còn không ít điểm nghẽn, như tốc độ nhân rộng các mô hình điểm chưa cao, một số THT, HTX nông nghiệp còn yếu thế chưa phát huy hết tiềm năng, nhiều sản phẩm CNC chưa có nhãn hiệu, đầu ra còn “bí”…
Thời gia tới, tỉnh Long An dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với các loại nông sản hữu cơ, liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi nâng cao giá trị nông sản, chú trọng gắn kết giữa sản xuất với thị trường.
Đồng thời, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng vai trò của các HTX, THT trong tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô, điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng.
Hưng Nguyên