HTX Nông nghiệp Phò Ninh được thành lập ngày 26/3/2000, do ông Hoàng Văn Dũng làm Giám đốc. HTX có 536 thành viên, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 20 ha. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của HTX là dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, bảo vệ thực vật (BVTV), làm đất, thu hoạch.
Thành công nhờ nguồn lực hỗ trợ
Năm 2017, Trung tâm KHCN&MT (LMHTXVN) đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát, lựa chọn HTX Phò Ninh để nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình nhà trồng và hệ thống tưới tự động, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP phù hợp với quy mô HTX sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, HTX đã được hỗ trợ xây dựng và chuyển giao công nghệ hệ thống nhà lưới và tưới tự động với diện tích 200 m2; hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng đất, nước và không khí; tổ chức hội thảo phổ biến nhân rộng mô hình nhà trồng và hệ thống tưới tự động.
Cùng với đó, toàn bộ thành viên HTX đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau theo quy trình VietGAP. HTX được đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng sơ chế rau theo quy trình VietGAP. UBND huyện, các ngành chuyên môn đã chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, làm đất, phòng trừ sâu bệnh hạn chế sự gây hại...
Đến nay, việc áp dụng sản xuất rau trong nhà lưới tại Phò Ninh bước đầu đã tạo được sản phẩm bảo đảm chất lượng VSATTP. Đồng thời giảm chi phí cả về thuốc BVTV cũng như chi phí công lao động, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường.
Tính trên 360 m2 trồng xà lách trong nhà lưới, HTX đã thu lợi được 350.000 đồng, trong khi sản xuất thường, lợi nhuận thu được 230.000 đồng. Sản xuất dưa leo trong nhà lưới, HTX đã thu lãi 3.150.000 đồng; đối với cải xanh, HTX thu lãi 710.000 đồng.
Nhìn chung việc áp dụng KH-CN vào trong sản xuất nông nghiệp đã gặt hái nhiều thành công, tuy nhiên để áp dụng vào các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt là đối với khu vực HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, chưa có đủ điều kiện ứng dụng công nghệ nhà trồng và tưới tự động để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hệ thống tưới tự động theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Phò Ninh |
Khó khăn khi nhân rộng mô hình
Trên cơ sở kết quả khảo sát hệ thống tưới tự động của các HTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như khả năng đáp ứng về kỹ thuật như nguồn nước tưới, kỹ thuật vận hành hệ thống, các chuyên gia của Trung tâm KHCN&MT nhận thấy hệ thống tưới tự động dạng phun mưa là phù hợp với điều kiện canh tác tại đây. Nguyên nhân là vì kỹ thuật tưới phun mưa ngày càng được phổ biến và áp dụng rộng rãi, nhất là tại các nước có nền công nghiệp phát triển và phù hợp với các vùng chuyên canh rau màu.
Do toàn bộ hệ thống đường ống đặt ngầm nên tiết kiệm đất, thuận tiện việc chăm sóc, canh tác trên đồng ruộng. Mặt khác cũng dễ dàng tự động hóa từng phần hoặc toàn phần hệ thống tưới, như cơ khí hóa và tự động hóa phần thiết bị điều khiển, thiết bị tưới mặt ruộng hoặc điều khiển toàn bộ hệ thống từ xa theo chương trình lập sẵn nên tiết kiệm sức lao động và nâng cao năng suất tưới.
Thế nhưng, hiện trạng hoạt động và ứng dụng công nghệ canh tác trong nhà trồng tại các HTX nông nghiệp tại Tỉnh Thừa Thiên Thuế hiện nay còn nhiều bất cập. 76,7% HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sử dụng hệ thống nhà trồng kiểu nhà lưới kín. Tuy nhiên, 100% hệ thống nhà lưới của các HTX vẫn sử dụng loại bạt che phủ bằng nilon và bạt dứa nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật.
Theo khảo sát của Trung tâm KHCN&MT tại 30 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ tưới vào sản xuất tại các HTX nông nghiệp còn rất hạn chế. Hầu hết các HTX vẫn sử dụng phương pháp tưới thủ công, tỷ lệ này chiếm đến 80%.
Vấn đề khó khăn còn tồn tại ở đây là khả năng về vốn của HTX, của các hộ dân để đầu tư xây dựng nhà trồng và hệ thống tưới tự động còn rất yếu. Kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn đối với các hộ nông dân. Ngoài ra, để bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt của quy trình VietGAP cần phải đào tạo về lao động và nhiều yếu tố về nguồn nước tưới, nước rửa sau thu hoạch, kỹ thuật chăm sóc, chọn giống, thu hái và bảo quản, kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các HTX chưa quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh. Đất canh tác của các HTX vẫn chủ yếu là đất của các thành viên, phân tán trong các hộ thành viên HTX. Vì vậy, khi áp dụng mô hình nhà trồng với diện tích canh tác tập trung lớn thì gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết người dân đều mong muốn được canh tác rau màu trong nhà trồng. Vì vậy, để nhân rộng hơn mô hình, các HTX trên địa bàn tỉnh rất cần sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hà Xuyên