Không riêng gì Nghệ An, một HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, thành viên ít lại mạnh dạn sử dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất như xây dựng mô hình nhà lưới kết hợp tưới nhỏ giọt được xem là "hàng hiếm".
Nhưng chính việc ứng dụng CNC vào sản xuất đã khẳng định hướng đi đúng đắn của HTX Cây con Chi Khê (Con Cuông, Nghệ An) trong giai đoạn hiện nay.
Mạnh dạn ứng dụng CNC
Giám đốc HTX Cây con Chi Khê Nguyễn Ngọc Trung cho biết ban đầu chỉ là một nhóm hộ cùng liên kết sản xuất với nhau. Năm 2010, trước nhu cầu thực tế, để thuận tiện trong giao dịch và sản xuất, cung ứng giống cây, con cho người dân, HTX chính thức thành lập, thu hút 12 hộ thành viên với vốn điều lệ 900 triệu đồng.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ban đầu HTX chủ yếu làm dịch vụ sản xuất cây giống cung ứng ra thị trường. Nhận thấy hướng đi ngày càng khó khăn do các cơ sở sản xuất cây giống của người dân mọc lên nhiều đã chiếm hết thị phần, HĐQT HTX đã có quyết định táo bạo, chuyển sang ứng dụng CNC của nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.
Năm 2017, lần đầu tiên ở huyện miền núi Con Cuông, một nhóm 5 hộ dân mạnh dạn trồng 1,5ha cà tím quả tròn hàng hóa với phương thức sản xuất sinh thái, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chăm sóc sinh học và canh tác bền vững để cho ra nông sản an toàn. Toàn bộ diện tích cà này được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và được HTX giám sát chặt chẽ về quy trình chăm bón.
Cũng trong năm 2017, được sự hỗ trợ 85% kinh phí của UBND huyện Con Cuông, HTX đầu tư xây dựng 2.000m2 nhà lưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, phun sương, thông gió để trồng dưa Mỹ.
Mặc dù tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng và chăm bón nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên vụ dưa này thất bát. Nhiều thành viên trong HTX có ý nản. Nhưng thấy Giám đốc Nguyễn Ngọc Trung quyết tâm, quả quyết sẽ "ăn chắc" vụ sau nên đã mạnh dạn làm theo.
Đúng như niềm tin nội tâm Giám đốc Nguyễn Ngọc Trung, vụ dưa thứ hai, chỉ sau 80 ngày trồng và chăm sóc, HTX đã thu về hơn 260 triệu đồng tiền lãi.
Đầu năm 2018, HTX mạnh dạn đưa thêm giống cây mới là cây cà chua múi, vào canh tác. 6.000 cây cà chua múi với chi phí 1,5 triệu đồng tiền giống được HTX trồng trên các giá thể (trong bầu bã dừa trộn phân và trồng trên đất CNC) trong nhà lưới, tưới nhỏ giọt kết hợp phun sương tự động. Hiện cà chua đang vào vụ thu hoạch rộ, ước tính HTX sẽ thu hoạch 6 - 8 tấn quả, thu về trên dưới 100 triệu đồng lãi.
Điều rất đáng quan tâm, sản phẩm cà chua, cà pháo được HTX dán tem truy xuất nguồn gốc nên đã khẳng định được niềm tin với người tiêu dùng. Đó thực sự là động lực giúp các hộ thành viên thêm tin tưởng vào kế hoạch sản xuất nông sản an toàn trong tương lai.
Ở vùng miền núi Nghệ An, đời sống người dân đang nặng về tự cung tự cấp, tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa vẫn còn mới, chưa nói đến quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Lãnh đạo huyện Con Cuông kiểm tra sự phát triển của dưa Mỹ trồng trong nhà lưới |
Công nghệ là chìa khóa
Tại các xã vùng đồng bằng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa đang là ngành kinh tế được nhiều nơi chọn làm mũi nhọn trong định hướng chỉ đạo sản xuất. Tuy nhiên, để đầu tư kinh phí lớn, áp dụng CNC vào sản xuất như hệ thống nhà lưới, tưới nhỏ giọt, phun sương thì vẫn còn ít.
Một thành viên HTX Cây con Chi Khê tâm sự: "Ứng dụng công nghệ, KH-KT mới là quan trọng nhất. Trước đây, chúng tôi sản xuất theo phương thức truyền thống nên chịu tác động lớn của thời tiết (mưa, nắng, sâu bệnh, hạn hán...) nhưng nay áp dụng công nghệ mới thấy rất hiệu quả".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm, HTX đã tổ chức cho các xã viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên thực tế đồng ruộng, cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
"Khi mới bắt đầu ứng dụng CNC vào sản xuất, tôi lo lắm. Lo mô hình thất bại gây hao hụt tài chính chỉ là một, lo nhất là các thành viên mất niềm tin vào mình thì nhiều. Giờ thì chúng tôi thành công rồi, các thành viên rất phấn khởi, tin tưởng theo hướng đi của HTX", Giám đốc Nguyễn Ngọc Trung hồ hởi khoe.
Hiện tại, HTX đã có 15 hộ thành viên. HTX đang trở thành "bà đỡ" cho các hộ thành viên với mức thu nhập tăng đáng kể. Bình quân mỗi năm, HTX thu về trên 2 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của thành viên.
Theo đánh giá của huyện Con Cuông, thành công của mô hình trồng cây trong nhà lưới của HTX đã mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Con Cuông; góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, giúp người dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
"Chúng tôi đánh giá cao sự năng động, chịu khó, mạnh dạn của HĐQT cũng như thành viên HTX Cây con Chi Khê. Trong thực hiện đề án trồng rau hàng hóa theo hướng VietGAP của huyện giai đoạn 2016 - 2020, thành công của HTX là điểm nhấn quan trọng. Từ mô hình này, huyện sẽ nghiên cứu để nhân rộng ở các xã khác", ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đánh giá.
Thanh Hải