Bạc Liêu là một tỉnh ven biển có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi Artemia, vì ngoài yếu tố thiên nhiên ưu đãi, chất lượng trứng Artemia của Bạc Liêu xếp hàng đầu thế giới. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, nên trứng Artemia ngoài cung cấp cho thị trường nuôi trồng thủy sản trong nước như làm thức ăn cho tôm giống, cua giống, cá cảnh... còn xuất sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... Nghề nuôi Artemia được xem là mô hình thích hợp cho ngư, diêm dân vì đây là mô hình nuôi với chi phí thấp nên lợi nhuận đạt khá cao.
Đa số dân nghèo tham gia HTX
HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu là một trong 15 HTX nông nghiệp được tỉnh chọn tham gia Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”. Đi vào hoạt động từ năm 2003 với vốn điều lệ 140 triệu đồng, đến nay, HTX đã có vốn hoạt động hơn 4 tỷ đồng và là HTX duy nhất xuất khẩu trứng Artemia của tỉnh.
Kiểm tra trứng Artemia tại HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (Ảnh TL) |
HTX có tổng diện tích sản xuất hơn 300ha (thực nuôi), áp dụng hình thức hợp tác là hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư một phần vốn sản xuất ban đầu cho người nuôi bằng con giống, phân bón và một phần tiền mặt, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. HTX đã tạo điều kiện cho hơn 250 hộ nuôi, từ đó xây dựng cho thành viên cung cách làm ăn mới, đồng thời góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Ông Danh Sin, người Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông, là một trong những thành viên của HTX cho biết: "Gia đình tôi có 4 khẩu, trước đây chỉ trông chờ vào làm muối, thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Từ khi chuyển đổi sang nuôi Artemia, tôi và gia đình đã có của ăn của để".
Nhà ông Danh Sin bắt đầu với 7ha nuôi Artemia được HTX rót toàn bộ chi phí hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật, tiền mặt sửa lại ao nuôi. Bình quân 1ha HTX đầu tư khoảng 10-20 triệu đồng/thành viên; 7 triệu đồng/hộ dân.
Người nuôi chỉ phải quản lý, theo dõi, chăm sóc, đến khi nào thu hoạch thì đem sản phẩm đến HTX để bán theo giá đã quy định. Số vốn HTX đầu tư ban đầu sẽ được thu hồi sau khi nông dân bán trứng. Người nuôi Artemia không phải lo về vốn, giống vì nếu nuôi đợt đầu thất bại vẫn có thể cải tạo lại ao nuôi và chỉ khoảng 2 ngày sau đã có thể cấy giống mới và chừng hơn 2 tuần là thu hoạch trứng. So với làm muối và nuôi tôm thì nuôi Artemia cho thu nhập khá và ổn định hơn nhiều.
Đa phần người dân tham gia HTX là người thiếu vốn sản xuất (dân nghèo, diêm dân sản xuất muối hoặc người nuôi tôm thất bại nhiều vụ chuyển sang nuôi Artemia). Do giá sản phẩm luôn ổn định ở mức cao, đầu ra được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, người dân rất yên tâm đầu tư, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất Artemia.
Giúp cư dân ven biển làm giàu
Với năng suất dao động từ 70 – 150 kg/ha, giá sản phẩm trứng Artemia được doanh nghiệp thu mua tại ao nuôi từ 1.100.000 – 1.200.000 đồng/kg trứng tươi, sau mỗi vụ nuôi Artemia kéo dài từ 5-6 tháng, người nuôi sẽ lãi ròng từ 70.000.000 – 100.000.000 đồng/ha.
HTX Vĩnh Châu là đơn vị duy nhất xuất khẩu trứng Artemia của tỉnh Bạc Liêu. |
Đây là tín hiệu khả quan đối với nông dân ven biển tỉnh Bạc Liêu khi trong thời điểm hiện nay, một số diêm dân đang tìm hướng đi mới thay thế nghề làm muối truyền thống và các hộ dân nuôi tôm trong khu vực gặp khó khăn do vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Khẳng định điều này, ông Văn cho biết: "Artemia đã giúp cho HTX ăn nên làm ra, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. HTX đang tạo việc làm cho 23 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; lao động thường xuyên được mua bảo hiểm theo quy định ".
Theo các chuyên gia, trứng Artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy sản mà hiện chưa có sản phẩm thay thế. Sản phẩm “Trứng Artemia 7 viên kim cương” của HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2004, đạt nhiều giải thưởng trong nước và đến nay đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp với kim ngạch 0,4 - 0,5 triệu USD/năm, năm 2018 đạt 0,8 triệu USD.
Mô hình nuôi Artemia là mô hình phát triển ổn định, tính bền vững khá cao và giúp người dân phát triển kinh tế nên trong thời gian tới, HTX tiếp tục thực hiện các giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng dần năng suất trứng, giúp dân cư vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Tiến Minh