Người dân tận dụng đất đồi để trồng keo và hồi (Ảnh Tư Liệu) |
Bắc La là xã khó khăn của huyện Văn Lãng với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Dự án Thủy điện Thác Xăng đi vào hoạt động, các hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện có nguy cơ thiếu đất sản xuất.
Nhiều biện pháp hỗ trợ
Hiện, xã Bắc La có 343 hộ với 1.400 nhân khẩu, xã có 2.600 ha đất lâm nghiệp và 570 ha mặt nước. Từ năm 2017 đến nay, với hơn 600 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện, xã đã tập trung hướng dẫn người dân mở rộng và phát triển các mô hình như: trồng keo (hơn 500 ha), thông (370 ha), hồng vành khuyên (10 ha); thành lập HTX Thủy sản Thác Xăng nuôi cá lồng.
Theo ông Vy Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Bắc La, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã xây dựng dự án cụ thể, trong đó tập trung phát triển những mô hình kinh tế khai thác thế mạnh địa phương. Hằng năm, xã tổ chức 3 - 4 lớp tập huấn về trồng rừng, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Điển hình như năm 2019 vừa qua, xã tổ chức 1 lớp nuôi trồng thủy sản cho 40 học viên. Kết thúc khóa học, học viên được tham quan mô hình nuôi cá lồng tại huyện Văn Quan, giúp khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, khuyến khích, động viên bà con làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ngoài ra, trong năm 2019, xã lựa chọn 22 hộ nghèo trên địa bàn để hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò (15 triệu đồng/con).
Nắm bắt được những kiến thức từ các biện pháp hỗ trợ của ban lãnh đạo xã, gia đình ông Hà Văn Chư, thôn Nặm Sù nhờ tận dụng lợi thế đất đồi đã trồng được 15 ha keo và hồi. Ông Chư cho biết, trước đây, do không tập trung chăm sóc nên hiệu quả kinh tế từ trồng rừng không cao.
"Qua tìm hiểu và tập huấn, chúng tôi đã biết thêm kỹ thuật trồng và bón phân chăm sóc từng loại cây. Vườn keo của gia đình đang sinh trưởng tốt, vườn hồi bắt đầu cho thu nhập ổn định. Sau khi trừ các chi phí, thu nhập của gia đình đạt 50 triệu đồng/năm. Năm vừa qua, gia đình đã thoát nghèo", ông Chư chia sẻ.
Khác với gia đình ông Chư, gia đình ông Luân Văn Phận, thôn Nà Sòm sau khi di dời chỗ ở phục vụ việc xây dựng công trình thủy điện Thác Xăng, thời gian đầu, gia đình ông cũng gặp khó khăn, loay hoay tìm kiếm việc làm để có thu nhập.
Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương định hướng, ông đã tham gia vào HTX Thuỷ sản Thác Xăng. Tại đây, gia đình ông được định hướng phát triển mô hình nuôi cá lồng, đồng thời được hỗ trợ giống cá, vốn, được tập huấn kỹ thuật nuôi cá hiệu quả.
Nuôi cá trong lồng hồ thuỷ điện cho sản phẩm sạch, ít rủi ro (Ảnh: Tư liệu) |
Bóng dáng của HTX
Từ mô hình 2 lồng cá với tổng giá trị đầu tư khoảng 16 triệu đồng lúc ban đầu, đến nay gia đình ông đã mở rộng chăn nuôi được 6 lồng cá, thu nhập năm 2019 đã đạt 40 triệu đồng. "Gia đình tôi đã thoát nghèo", ông Phận cho biết.
Thực tế, phát triển mô hình nuôi cá lồng đang trở thành hướng giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho người dân xã Bắc La. Bởi không chỉ gia đình ông Phận, HTX Thủy sản Thác Xăng gồm 29 hộ dân (thuộc các thôn Hát Lốc, Nà Sòm, Nặm Sù) cũng đang nuôi 76 lồng cá.
Hồi mới thành lập (tháng 4/2017), HTX được Trung tâm Thủy sản Lạng Sơn hỗ trợ gần 10 triệu đồng cho một lồng cá bao gồm: giống, thức ăn, thuốc phòng và chữa bệnh. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu làm lồng nuôi đến chăm sóc, quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng; kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên tránh việc rò rỉ thất thoát, vệ sinh lồng định kỳ tạo thông thoáng nước trong lồng để tăng lượng ôxy và chống ký sinh trùng cho cá…
Chỉ sau 7 tháng triển khai mô hình, cá trong lồng phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 70%, trọng lượng trung bình đạt từ 0,9-1,2 kg/con. Đến nay, qua gần 3 năm đi vào hoạt động, hiện thu nhập từ nuôi cá lồng của các hộ trong HTX đạt từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Theo ông Vy Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Bắc La, mô hình phát triển nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Thuỷ điện Thác Xăng không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm thủy sản sạch, chất lượng cao cho thị trường, đồng thời bảo vệ được môi trường nước.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 21%, giảm hơn 30% so với 2 năm trước. Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã đã đạt được những kết quả nổi bật, tạo đà quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu giảm nghèo trong thời gian tới.
Minh Khuê