Nhiều HTX kiểu mới được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho các thành viên và hộ nông dân trong vùng.
Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho 11 HTX vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình hình thành chuỗi giá trị của các HTX. Ngoài ra, một số nguồn vốn khác cũng được tranh thủ sử dụng giúp các HTX mở rộng sản xuất - kinh doanh, thu hút thêm thành viên và nâng cao thu nhập cho bà con.
Cuộc sống mới lan tỏa đến từng nhà
Theo ông Hồ Văn Đà - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Kon Tum, năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt 12/13 mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chủ yếu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương có sự bứt phá quan trọng, tăng 9,96% so với năm 2018. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 14.782 tỷ đồng; lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 3.000 tỷ đồng, đạt 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 113,3% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%..., là những chỉ tiêu cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tính đến tháng 3/2020, tỉnh Kon Tum có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
HTX kiểu mới được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho các thành viên và hộ nông dân trong vùng (Ảnh Tư liệu) |
Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều có chung nhận định, Kon Tum đã thật sự khởi sắc, đổi thay khá nhiều, từng bước chuyển mình đi lên, phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao khá nhiều so với 45 năm về trước, đặc biệt là gần 30 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay.
“Đời sống dân làng đổi thay nhanh chóng, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, đi lại rất thuận lợi, người dân không còn “chỉ lo cho cái bụng” mà còn hướng đến mặc đẹp, ăn ngon”, bà bà Y Hếp (thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ.
Trong khi đó, ông A Kiên (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) phấn khởi cho hay, làng Pu Tá có trên 40 hộ trồng được cây sâm dây Ngọc Linh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, đời sống bà con trong xã ngày càng được cải thiện.
Còn ông A Grin, dân tộc Ja Rai (làng Lung, xã Ya Xia, huyện Sa Thầy) luôn gương mẫu, đi đầu hướng dẫn bà con trong làng vươn lên, không cam chịu nghèo khó để thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.
Ở tuổi 71, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hưng, nhà ở thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, vui vẻ cho biết, mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 45 triệu đồng từ việc khai thác mủ 10ha cao su
“Sau chiến tranh đến bây giờ khác nhiều lắm. Trước đây đường đi không có, còn bây giờ có khác gì đường thành phố đâu. Đời sống nhân dân tốt nhất từ năm 2001 về đây. Cuộc sống nhân dân ổn định, khí thế, phấn khởi hơn" - ông Hưng chia sẻ.
Từ một địa phương ngõ cụt giáp nước bạn Campuchia với trên 42.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%; huyện có 11 xã thì có tới 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây nhờ khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, huyện Sa Thầy đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt gần 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 14%. Huyện đã có 2 xã Sa Sơn và Sa Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới. Thị trấn Sa Thầy nhỏ bé ngày nào, trong chiến tranh có sân bay dã chiến Kleng là địa bàn giằng co ác liệt giữa ta và địch giờ đã mang vóc dáng đô thị với 11.000 dân.
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2019, năm 2020, tỉnh Kon Tum phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm từ 3- 4% và có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Những HTX tiên phong
Kon Tum hiện có 112 HTX, tỉnh đã và đang xây dựng mô hình HTX kiểu mới, chủ động liên kết với các hộ nông dân, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, giúp đẩy mạnh sản xuất và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân, đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Liên kết ở đây là liên kết giữa nông dân với HTX; HTX, tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp; HTX với HTX... Việc liên kết được thực hiện thành chuỗi giá trị từ việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, THT và doanh nghiệp... Nhờ sự sáng tạo đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt; một một số HTX đã thành công, tạo ra thương hiệu riêng của mình, thu nhập của thành viên và HTX tăng đáng kể qua từng năm.
Chính nhờ chủ động liên kết với nông dân, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm sạch, nhiều HTX đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Có thể kể đến HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách. Mô hình tạo hiệu ứng tốt, thu hút sự quan tâm của bà con nông dân và người tiêu dùng. Theo Giám đốc HTX Huỳnh Thanh Tú, bà con nông dân và các cơ sở sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị của HTX sẽ được cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra. Ngược lại, người liên kết phải đảm bảo chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật và HTX cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, sản phẩm của HTX đã được sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Nhờ chủ động liên kết với nông dân, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm sạch, nhiều HTX đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên (Ảnh TL) |
Hay như HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn (huyện Kon Plông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông). HTX đã liên kết với 33 hộ dân nghèo của xã Măng Cành, cam kết thu mua và bao tiêu tất cả sản phẩm: hồng đẳng sâm, đương quy... Hiện nay, các sản phẩm nói trên của HTX đã được chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX liên kết với một số doanh nghiệp và các đại lý bán lẻ tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêu thụ các loại sản phẩm: cao sâm hỗn hợp, cao sâm đương quy, cao hồng đẳng sâm, cao sâm hỗn hợp, cao an xoa, rượu sâm...
Trong khi đó, HTX Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) liên kết với HTX Quyết Thắng (huyện Ngọc Hồi), HTX Nông nghiệp xanh Kon Rẫy (huyện Kon Rẫy) và các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn chuyển giao mô hình trồng các loại nấm đến người dân, để bà con sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng. Nhờ đó, đến nay, sản phẩm nấm của HTX đã tạo được thương hiệu, được đưa vào siêu thị và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành.
Tại huyện Kon Plông có 8 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có 4 HTX nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) và 4 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh về rau, hoa, quả xứ lạnh; trồng nấm; thu mua chế biến dược liệu và trồng lan... Thời gian qua, các HTX này đều tích cực tìm giải pháp đầu tư, thay đổi phương thức hoạt động để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trong đó, không thể không kể đến HTX rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen. Với 2.700m2 hoa xứ lạnh trong nhà bạt, cung ứng nhiều loại hoa trong các dịp lễ, tết. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã chủ động tham gia các Hội chợ hoa tết ở trung tâm các huyện, thành phố Kon Tum; nghiên cứu mở rộng thị trường tại các tỉnh, trong đó ưu tiên phối hợp với các đơn vị tại Quảng Ngãi mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Măng Đen. Nhờ những cách làm mới mẻ này mà đầu ra của HTX luôn ổn định, tăng thu nhập cho người lao động.
Đức Nguyễn