Toàn tỉnh Cao Bằng có 87 HTX nông nghiệp, trong đó có 72 HTX đang hoạt động. Với quyết tâm cao, các cấp các ngành đã có những quyết sách để thúc đẩy các HTX phát triển. Đặc biệt, tỉnh luôn định hướng các HTX là cầu nối cho sự phát triển của nông nghiệp, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Gỡ khó từ chính sách
Theo Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh hiện có 87 HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 72 HTX hoạt động, 15 HTX ngừng hoạt động. Hầu hết các HTX nông nghiệp thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa tập trung thành hàng hóa, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực quản lý còn yếu, chưa đáp ứng với cơ chế thị trường; việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ HTX còn những bất cập, không có tính khả thi cao. Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết, các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn chủ yếu do địa bàn chia cắt, diện tích đất sản xuất còn hạn chế, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Đầu ra cho các loại hàng nông sản chưa ổn định. Người dân thiếu vốn, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung còn ít.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngày 12/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Các HTX nông nghiệp góp phần không nhỏ vào chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo ở địa phương (Ảnh: TL) |
Theo đó, Nghị quyết số 20 hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ sản xuất giống, nuôi trồng dược liệu; trồng hoa, rau, củ, quả, trồng dâu nuôi tằm, thạch đen, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc...
Tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ... nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ.
Để hỗ trợ các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp phát triển, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã hỗ trợ 10 HTX nông nghiệp vay vốn từ 200 - 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với một số ban, đơn vị Liên minh HTX Việt Nam khảo sát, thẩm định hỗ trợ cho HTX An Thịnh, xã Quang Vinh (Trùng Khánh) sản xuất theo chuỗi giá trị; lựa chọn HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bạch Nga (Quảng Hòa) tham gia hỗ trợ sản xuất theo chuỗi làm mô hình mẫu, sau khi hoạt động sẽ phát triển tại các HTX nông nghiệp đủ điều kiện.
Nhờ vào các chính sách trên, thời gian qua hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến khá tích cực, đặc biệt là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có nhiều HTX tìm được hướng phát triển bền vững, là đầu mối quan trọng giúp các loại nông sản, rau sạch, trái cây... tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước.
Thành công từ chính sách
Từ chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất của các HTX "ăn nên làm ra", kết nối thu mua nguyên liệu cho bà con, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con xoá đói giảm nghèo.
Đơn cử như mô hình liên kết sản xuất của HTX Án Lại sản xuất dong riềng là một điển hình cho vai trò quan trọng của HTX nông nghiệp. Năm 2013, anh Hoàng Văn Tư, xã Nguyễn Huệ (Hòa An) góp vốn cùng 7 thành viên thành lập HTX Án Lại chuyên sơ chế nguyên liệu dong riềng và miến dong thành phẩm.
Ngay từ đầu, HTX Án Lại xác định hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện theo chuỗi. Trong khi các thành viên cung cấp củ dong, HTX tổ chức sản xuất tinh bột, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững. Nhiều năm qua, mô hình liên kết tổ chức sản xuất trên diện tích 60 ha, chủ yếu là đất ruộng để trồng dong riềng làm nguyên liệu.
Mặc dù sản xuất theo chuỗi, đạt được thành công nhất định nhưng HTX Án Lại vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Internet) |
Từ mô hình này đã giúp các hộ thành viên của HTX và hàng chục lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm sản xuất thủ công của HTX Án Lại được người tiêu dùng đánh giá cao. Không chỉ phát triển thị trường ở trong tỉnh, sản phẩm của HTX còn được tiêu thụ ở một số tỉnh phía Bắc và xuất hiện tại một số siêu thị tại Hà Nội.
Hay như HTX Tuấn Băng được chuyển đổi theo Luật HTX mới vào năm 2015, đây có lẽ là một dấu mốc rất quan trọng để HTX có sự phát triển như ngày nay.
Để có được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX đã ký hợp đồng liên kết với 281 hộ dân tại 6 thôn bản xã Nà Chì, diện tích 189 ha, sản lượng 567 tấn chè tươi/năm. Vùng nguyên liệu này đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng I cấp giấy chứng nhận VietGAP ngày 26/12/2017. Bên cạnh đó, HTX liên kết hợp đồng với 255 hộ tại 4 thôn xã Nà Chì diện tích 195 ha chè hữu cơ, sản lượng dự kiến 600 tấn/năm. Tăng giá thu mua tại vườn từ 8.000 lên 10.000 đồng/kg chè búp tươi.
Năm 2018, HTX tiếp tục ký hợp đồng liên kết với 505 hộ dân tại 11 thôn bản xã Quảng Nguyên quản lý vùng nguyên liệu chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hơn 296 ha, sản lượng dự kiến 870 tấn/năm, đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ngày 27/12/2018…
Hiện tại, HTX đã và đang đưa ra thị trường 3 sản phẩm chính: Chè xanh Shan tuyết, chè vàng phơi nắng và chè đen Shan tuyết. Chè “Tuấn Băng trà” mang hương vị của vùng núi cao: Chè có vị đắng chát, hương thơm đặc trưng của núi rừng, nước xanh sóng sánh ánh vàng.
Song song với công tác sản xuất kinh doanh, HTX Tuấn Băng thường xuyên quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đến đời sống của công nhân. Hiện tại, HTX có 30 lao động, hầu hết là lao động địa phương, mỗi tháng thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người. Do đó, nhiều lao động đã làm việc, gắn bó với HTX nhiều năm nay. Với nguồn thu nhập ổn định khi làm việc ở HTX đã góp phần cho lao động địa phương thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Anh Hoàng Văn Thụ, thôn Tân Sơn (Nà Chì) chia sẻ, anh làm việc tại HTX đã hơn 10 năm nay, công việc đều, thu nhập so với mặt bằng chung ổn định, nên anh toàn tâm toàn ý gắn bó với HTX.
Minh Hà