Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đây đang được xem là hướng đi mới giúp người nông dân cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
Nhờ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình (Ảnh: TL) |
Chú trọng phát triển cây chủ lực
Anh Lý Văn Đình, dân tộc Mông, xóm Lũng Táy Dưới, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng là một hộ nghèo. Năm 2018, gia đình anh và 4 hộ dân trong xóm đã đăng ký trồng 2,5 ha nghệ, trong đó riêng gia đình anh trồng 1 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình sản xuất hữu cơ. Do thực hiện đúng quy trình nên cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 16 - 20 tấn/ha. Nghệ của gia đình anh và các hộ trong xã được doanh nghiệp về tận nơi thu mua, 1 ha nghệ đỏ trừ các chi phí, gia đình thu về 80 triệu đồng, cao hơn so với trồng cây ngô 4 - 5 lần.
Anh Đình cho biết, trước đây gia đình anh và nhiều hộ trong xã chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa. Mặc dù được mùa, nhưng giá trị kinh tế không cao, bán đi cũng không đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt và các con đến trường nên bao năm nay gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo. Kể từ khi tham gia trồng nghệ mới xua đi được cái nghèo.
Không chỉ trồng cây nghệ xoá đói giảm nghèo. Ở Cao Bằng, nhiều địa phương đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cây trồng chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị như: Liên kết sản xuất trồng mía nguyên liệu tại các huyện: Phục Hòa, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Thạch An.
Liên kết trồng cây thuốc lá nguyên liệu như Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Trùng Khánh, Nguyên Bình. Gừng trâu, nghệ đỏ: Hà Quảng, Thông Nông. Lạc giống: Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Thạch An, Trùng Khánh. Chanh leo tại Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa... bước đầu đạt kết quả tốt.
Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp theo phương thức doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu đầu ra của sản phẩm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, sở dĩ huyện liên kết sản xuất theo chuỗi là thời gian qua, nhiều địa phương trồng các loại cây này manh mún, nhỏ lẻ, luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá. Hoặc phụ thuộc vào tư thương, vào bán qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả không ổn định, nhiều khi người nông dân phải bỏ đi vì không bán được.
Xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả
Từ khi liên kết sản xuất chuỗi, nhiều điển hình trong sản xuất đã xuất hiện. Đơn cử như vùng trồng mía nguyên liệu cung cấp mía cho CTCP Mía đường Cao Bằng. Nhờ áp dụng triển khai Dự án mô hình trồng giống mía mới, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, liên kết với Nhà máy đường tiêu thụ mía nguyên liệu với diện tích 9 ha. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn các kiến thức kỹ thuật mới. Mô hình mía được các hộ tham gia chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mía sinh trưởng, phát triển tốt.
Hay như huyện Trà Lĩnh ký hợp đồng cam kết với Công ty Nafoods Tây Bắc và giao cho Hợp tác xã (HTX) An Thịnh liên kết triển khai trồng thử nghiệm 8 ha giống chanh leo tím Đài Loan. Ngay năm đầu tiên thử nghiệm, năm 2017, HTX đã thu hoạch được 40 tấn quả, tỷ lệ loại A đạt trên 70% và được công ty thu mua toàn bộ sản phẩm với giá từ 4 – 22.000 đồng/kg.
Cây gừng, cây nghệ hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Cao Bằng nên luôn cho năng suất cao, đầu ra được ổn định (Ảnh: TL) |
Đại diện HTX An Thịnh cho biết, chanh leo trồng một lần cho khai thác tới 3 năm, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi ha chanh leo từ năm thứ 2 trở đi sẽ cho thu hoạch 25 - 30 tấn quả/năm. Với giá chanh leo theo thị trường hiện nay, bình quân mỗi ha chanh leo, trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi 60 - 80 triệu đồng/ha/năm. Sau đó, HTX An Thịnh đã hỗ trợ cho 24 hộ tại các xã Lưu Ngọc, Quang Vinh, Quang Hán về giống, kỹ thuật, trồng mới hơn 30 ha chanh leo.
Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, trước đó năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 640/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí thực hiện hỗ trợ 6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 để triển khai thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết lúa chất lượng Japonica tại các xã phấn đấu về đích nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các cây trồng chủ lực của địa phương; chuyển đổi từ việc sản xuất các sản phẩm với số lượng nhỏ sang sản xuất tập trung; hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.
Minh Hà