Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, xác định cây chè là một trong những cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua nhiều địa phương đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu chè Shan tuyết quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực.
Giàu lên nhờ chè hữu cơ
Cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước phát triển cây chè Shan tuyết trở thành sản phẩm hàng hoá trong sản xuất nông nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Nhiều HTX đã tập trung tổ chức liên kết sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân trồng chè. |
“Với những lợi ích kinh tế đem lại, hiện nay cây chè Shan tuyết đã và đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo”, ông Tô Đức nói .
Tại HTX chè Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trước đây, người dân ở Bản Liền chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa sương gió, chủ yếu là hái về rồi sao lên để sử dụng trong gia đình.
Nhưng từ ngày trồng chè Shan tuyết hữu cơ, trở thành thành viên HTX chè Bản Liền, các hộ gia đình có vườn chè đều học cách chăm sóc và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè.
Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX chè Bản Liền cho biết: Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm: hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ… Đặc biệt, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm.
Vùng chè Shan tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào và đặc biệt hiện nay, với truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã mở ra cơ hội mới cho Bản Liền được tỉnh Lào Cai lựa chọn là vùng trọng điểm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái, miệt vườn, trải nghiệm vùng chè Shan tuyết cổ thụ Bản Liền vươn tầm thế giới.
Gia đình anh Vàng A Bình là hộ tiêu biểu của thôn và xã trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo khi phát triển mô hình du lịch homestay gắn với trồng chè hữu cơ.
Hiện, nhà anh Vàng A Bình có trên 12 ha cây chè Shan tuyết, trong đó có 5 ha chè cổ thụ từ 50 - 60 năm tuổi. Đây chính là nguồn thu chính của gia đình anh và cũng là một trong những điểm du lịch miệt vườn.
Anh Bình chia sẻ: “Trồng lúa và chăn nuôi chỉ hết đói, vẫn nghèo. Đời ông cụ để lại cho cây chè cổ, từ ngày có HTX chè Bản Liền, tham gia là thành viên nên việc tiêu thụ ổn định và mở rộng diện tích. Ngoài bán chè tươi cho HTX với giá ổn định 16.000 – 17.000 đồng/kg chè tươi, gia đình chế biến chè sao khô bán theo các giá từ 120.000 – 300.000 đồng/kg, tùy theo loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm, chè búp thường… Trong 5 năm qua, tổng thu nhập gia đình trung bình đạt trên 100 triệu đồng/năm từ trồng và thu hoạch chè Shan tuyết”.
Đại diện UBND xã Bản Liền cho biết, địa phương xác định cây chè Shan tuyết hữu cơ là cây chủ lực giảm nghèo bền vững nên đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển, phối hợp với HTX Chè Bản Liền xây dựng và phát triển vùng chè Shan tuyết hữu cơ chất lượng cao, chuyển giao khoa học công nghệ, cải tạo nâng cao chất lượng chè, tiêu thụ ổn định cho bà con nông dân. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có 310 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho HTX Chè Bản Liền.
HTX làm đầu mối để phát triển bền vững
Ở HTX Sơn Trà, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang ban đầu chủ yếu chế biến chè tươi thành chè Xanh theo phương pháp truyền thống. Năm 2018, nhờ có sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa của tỉnh Tuyên Quang, cộng với nguồn vốn tự có, HTX đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất và nâng công suất chế biến chè Shan tuyết.
Các HTX đã góp phần tạo động lực phát triển, nâng cao thu nhập, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo. |
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX cho biết: Để đảm bảo sản lượng chè cung cấp cho sản xuất, mỗi năm HTX thu mua trên 150 tấn chè Shan tuyết tươi của bà con. Thị trường tiêu thụ của HTX không chỉ trong huyện, tỉnh mà nay đã mở rộng ra bên ngoài như: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng… không chỉ tạo việc làm cho các hộ trồng chè, HTX Sơn Trà đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 công nhân, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Triệu Văn Vịnh, công nhân xưởng sản xuất chè của HTX Sơn Trà chia sẻ: Từ khi được nhận vào làm việc tại HTX có công việc ổn định, không phải đi làm xa nhà, có nguồn thu nhập hàng tháng 7 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm chè mang thương hiệu chè Shan tuyết của HTX được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng.
Việc tập trung vào phân khúc hàng cao cấp sẽ định hình được giá trị, thương hiệu của sản phẩm chè Shan tuyết trên thị trường, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người trồng chè địa phương.
Để phát triển sản phẩm chè Shan Tuyết, huyện Na Hang cũng khuyến khích các HTX chế biến sản phẩm đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Đồng thời, quảng bá sản phẩm chè Shan Tuyết đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, để cây chè thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, đổi thay cuộc sống cho người dân nơi đây, chính quyền địa phương đang tích cực quảng bá, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến phối hợp xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Với sự nỗ lực của mình, HTX Sơn Trà đã góp phần tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho bà con nhân dân, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo”, ông Hiệp đánh giá.
Kim Yến