Gia đình anh Hoàng Văn Nhu, xóm Tân Thành (xã Văn Lăng) có hơn 8 sào chè trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng chè trung du, chè đồi và không tưới được nên sâu bệnh nhiều. Sau khi chuyển sang làm chè VietGAP, giá trị sản phẩm chè đã được nâng cao.
"Khi sản xuất chè theo hướng VietGAP, giá sản phẩm được đảm bảo và liên tục cải thiện, hiện đạt 120 - 150 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều với thời điểm trước đây chỉ vào khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg", anh Nhu phấn khởi khoe.
Văn Hán và hành trình xây dựng thương hiệu chè
Là một trong những xã có diện tích chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ với trên 900ha, nhưng những năm trước, cây chè ở xã Văn Hán chưa mang lại giá trị kinh tế tương xứng với điều kiện tự nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng. Vì thế, xã Văn Hán đang tập trung nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng chủ lực này.
Sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ giúp gia tăng giá trị của sản phẩm chè, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe người tiêu dùng (Ảnh: TL) |
Cây chè đã được trồng ở Văn Hán khoảng 60 năm, rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Toàn xã Văn Hán hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè. Trên địa bàn xã đã hình thành một số HTX chế biến chè, qua đó vừa sản xuất, bảo quản được tại chỗ, vừa tạo ra những sản phẩm chè theo tiêu chuẩn cao, xây dựng thương hiệu chè Văn Hán.
"Chúng tôi sẽ tập trung sâu vào chế biến, tiêu thụ, phát triển HTX. Hiện nay, xã có 6 HTX chế biến chè. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến chính sách hỗ trợ về công cụ sản xuất để bà con chế biến sâu, hỗ trợ chỉ dẫn địa lý để quảng bá sản phẩm", đại diện UBND xã Văn Hán chia sẻ.
Việc thành lập HTX, xây dựng thương hiệu chè giúp sản phẩm chè của xã Văn Hán mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Về lâu dài, định hướng sản xuất chè hữu cơ sẽ được xã chú trọng, tiến tới việc xây dựng vùng nguyên liệu và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để thương hiệu chè Văn Hán vượn xa hơn nữa.
Đặc biệt, những năm gần đây, chính quyền và các ban ngành chức năng xã Văn Hán định hướng cho nông dân nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè Văn Hán. Trong đó, xã chú trọng đến việc cải tạo, thâm canh, mở rộng diện tích trồng chè; thay thế các giống chè cũ, chè địa phương bằng những giống chè lai có năng suất, chất lượng cao; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu gắn bó, phát triển cây chè, tham gia các mô hình trồng, chế biến chè theo quy trình VietGAP.
Điển hình như tại xóm Phả Lý, theo sự định hướng của cơ quan nông nghiệp huyện và xã Văn Hán, những hộ trồng chè của đang dần chuyển đổi những giống chè cũ có năng suất thấp sang trồng giống NDT1 theo quy trình VietGAP, hướng dần tới tiêu chuẩn hữu cơ.
Đáng chú ý, trên 80% diện tích đồi chè Văn Hán được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay, tương đương xấp xỉ 800ha chè kinh doanh.
Chính bởi việc tưới chè tiện lợi hơn, lại tiết kiệm được công chăm sóc nên với 1ha chè lai sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của gia đình ông Đoàn Văn Thái (xóm Hòa Khê 1) thuộc hàng đặc sản của địa phương, luôn bán với giá cao so với thị trường, hằng năm thu trên 400 triệu đồng.
HTX với vai trò tiên phong
Nhằm phát triển mở rộng sản xuất, con trai ông là Đoàn Văn Lộc, 29 tuổi, đã vận động một số hộ dân trong xóm thành lập HTX chè Thùy Lộc. Mới thành lập từ tháng 10/2019, lại bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song nhờ uy tín lâu năm của gia đình nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX khá hiệu quả. Hiện, anh Lộc liên kết với gia đình bà con cô bác và nhiều hộ trong xóm để thu mua nguyên liệu. Lộc đang đầu tư làm những sản phẩm chè cao cấp để nâng cao uy tín, giá trị của chè Hoà Khê nói riêng, chè Văn Hán - Đồng Hỷ nói chung. Sản phẩm chè Thuỳ Lộc có giá đến 2 triệu đồng/kg vẫn được tiêu thụ tốt.
Các HTX đóng vai trò tiên phong trong sản xuất theo chuẩn GAP, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Ảnh: TL) |
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hàng chục HTX, tổ hợp tác trồng, chế biến kinh doanh chè. Trong đó, các HTX chè Tuyết Hương, HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Nguyên Việt… đang là những đơn vị đi đầu trong quá trình xây dựng, phát huy hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
HTX chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu) ra đời năm 2016 thì năm 2017 tham gia Dự án “Mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của tỉnh Thái Nguyên. Dự án có 150 hộ dân Sông Cầu tham gia với diện tích 50ha. Năm 2018, HTX làm chè VietGAP, năm 2020 làm theo hướng hữu cơ, năm 2021 thì 20ha của Dự án đã là chè hữu cơ.
Không còn tự xoay xở từ khâu đầu đến khâu cuối rồi mang vài cân chè thành phẩm ra chợ bán đổ bán tháo như trước, phần lớn người Sông Cầu đã “chuyên môn hóa” vùng nguyên liệu. Họ cùng trồng sạch, chăm sóc sạch, hái sạch để bán chè giá cao. Không chỉ có chè VietGAP, OCOP mà chè hữu cơ của Sông Cầu có giá bán “ngang ngửa” với vùng chè nổi tiếng lâu đời. Có nơi tin cậy bao tiêu và trân trọng nguyên liệu sạch như HTX chè Thịnh An, người trồng chè Sông Cầu dồn tâm huyết tình cảm cho đồi chè của mình. Sự gắn bó thủy chung giữa người lao động và doanh nghiệp uy tín sẽ tạo nên sự bền vững của sản phẩm.
Tương tự, đáp ứng các tiêu chí sản xuất theo quy trình VietGAP đã giúp sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương (xã Hóa Trung) vượt qua những đợt kiểm tra gắt gao để đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX đã có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 150 tấn/năm.
Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh. Người trồng chè phải nắm vững các kỹ thuật để nhận diện các loại sâu, bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Ngoài những công đoạn nói trên, HTX còn hướng dẫn thành viên ghi chép nhật ký, quy trình chăm sóc chè cẩn thận vào một cuốn sổ. Sau một năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình VietGAP mới đảm bảo tiêu chuẩn.
Làm chè sạch vất vả hơn so với cách làm truyền thống nhưng lại giúp người dân nâng cao thu nhập, sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng đều được đảm bảo.
Không dừng lại ở đó, HTX còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị tiên tiến như: máy sao chè bằng ga, máy đóng gói hút chân không. Quá trình chế biến chè cũng được tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế để vừa phục vụ bán trong nước, vừa xuất khẩu... Mặt khác, HTX còn thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, mời chuyên gia, nhà khoa học về phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên.
Trải qua 9 năm từ ngày thành lập (năm 2012), HTX Tuyết Hương luông bảo đảm cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe. Hiện, hàng tháng, Chi cục Quản lý Chất lượng đo lường tỉnh Thái Nguyên đều về lấy mẫu kiểm tra, đủ điều kiện mới cho xuất xưởng. Công việc này được thực hiện từ năm 2012 đến nay và HTX đều chưa có sai sót gì. HTX Tuyết Hương cũng là đơn vị được dán tem truy xuất nguồn gốc đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Huyện Đồng Hỷ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, cây chè sẽ tiếp tục được phát triển tại các vùng sản xuất tập trung chủ yếu như: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu. Trong đó, 65% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo quy trình GAP, hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích chè đạt 4.100ha, trên 80% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo quy trình GAP, hữu cơ; 70% sản phẩm chè do doanh nghiệp, HTX hoặc liên kết doanh nghiệp, HTX với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng.
Đức Nguyễn