Sản phẩm từ lục bình góp phần giải quyết vấn nạn môi trường |
HTX Ba Nhất thu hút được gần 500 thành viên, 2.000 lao động thời vụ ở Tp. Hồ Chí Minh và Tân Uyên (Bình Dương), khoảng 1.000 lao động ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ tham gia sản xuất vệ tinh. Sản phẩm của HTX hiện nay chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.
Chất lượng đặt lên hàng đầu
Để bảo đảm quy trình sản xuất, HTX đã làm việc với người dân để thu mua trực tiếp nguyên liệu lục bình. Nhờ đó, HTX không phải thông qua thương lái, đại lý nên sử dụng nguyên liệu rẻ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp HTX gia tăng sức cạnh tranh, duy trì được việc làm và ổn định đời sống cho thành viên và người lao động.
Điều đặc biệt, các sản phẩm làm từ lục bình của HTX tuân thủ theo một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà giữ nguyên màu tự nhiên của lục bình.
Ngoài ra, để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, HTX còn sáng tạo bằng cách sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, dây, dây thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên những sản phẩm lục bình. Theo Ban giám đốc HTX, cách làm này rất được ưa chuộng trên thị trường nước ngoài vì bảo đảm được độ an toàn trong quá trình sử dụng cũng như nét đẹp tinh tế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hoạt động sản xuất của HTX thu hút được sự tham gia của người dân, nhất là chị em phụ nữ. Trung bình một người có thể kiếm được từ 25.000 - 35.000 đồng/ngày, trong khi công việc lại không gò bó về thời gian.
Đến nay, hoạt động sản xuất từ nghề đan lục bình của HTX đã phát triển ổn định. Các sản phẩm làm từ lục bình của HTX đã tạo được uy tín ở thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, HTX cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, giúp nhiều thành viên thoát nghèo bền vững.
Giải quyết vấn nạn lục bình
Bà Nguyễn Thị Cúc- Giám đốc HTX, cho biết trên thị trường, nhu cầu về sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều và cơ hội để phát triển nghề này trong tương lai rất lớn.
Chính vì vậy, HTX đã không ngại cải tiến kỹ thuật, thiết bị máy móc hướng tới sản xuất sạch hơn nhằm giảm chi phí, tăng giá trị sử dụng và giữ vững được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống trên thị trường.
Trước đây, cây lục bình nở rất nhiều, làm tắc các kênh mương, sông... Từ khi HTX Ba Nhất hoạt động, người dân địa phương đã chủ động phát triển lục bình, thu hoạch để bán nguyên liệu cho HTX.
Lục bình từng là vấn nạn của địa phương giờ đây đã phát huy hiệu quả và giá trị khi được HTX Ba Nhất tận dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Từ khi lục bình được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, tình trạng người dân dùng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình đã không còn, môi trường sông nước từ đó cũng được bảo vệ.
“Lục bình là loài cỏ thủy sinh tưởng như chỉ là thứ bỏ đi, nay trở thành "cây xóa đói giảm nghèo", là nguyên liệu sản xuất chính của HTX, từ đó giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người, lại thu nhiều lợi nhuận qua xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Để biến lục bình thành những sản phẩm thủ công giá trị, HTX phải thực hiện nhiều công đoạn như lựa chọn lục bình có độ dài thích hợp (dài khoảng 80cm) sau đó phơi khô và sấy. Cứ 10kg lục bình tươi cho 1kg lục bình khô nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của HTX là rất lớn. Chính vì vậy, HTX đã chủ động thu mua lục bình từ các địa phương khác và sấy khô làm nguyên liệu dự trữ.
Để phát triển nghề đan lục bình một cách bền vững, HTX đã và đang vận động, tuyên truyền người dân trồng và khai thác nguyên liệu cây lục bình trong tự nhiên hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, HTX tích cực đổi mới mẫu mã, chủ động tìm kiếm thị trường để giải quyết thật tốt vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Huyền Trang