Sản xuất tinh xảo là hướng đi bền vững của HTX |
Được thành lập từ năm 2014, HTX đã thu hút được các doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia làm thành viên. Đây cũng là điểm thuận lợi để HTX có nguồn vốn góp lớn và dễ dàng tiếp cận thị trường.
Chú trọng tay nghề, đầu tư công nghệ
Các thành viên của HTX đều là những người có kinh nghiệm trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tuy nhiên, trong thời kỳ mở cửa, sản xuất theo kiểu truyền thống là nút thắt kìm hãm sự phát triển của HTX cũng như kìm hãm tài năng của thành viên. Chính vì vậy, nâng cao tay nghề là một việc cần thiết để giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng thu nhập cho thành viên.
Được sự giúp đỡ của địa phương, HTX đã mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề sản xuất cho các thành viên và người lao động. Đến nay, đây là việc làm được HTX tổ chức hàng năm.
Những thành viên có tay nghề cao sẽ đứng ra hướng dẫn cho đội ngũ công nhân từng khâu sản xuất, từ sơ chế nguồn vật liệu, tạo hình sản phẩm, vận hành máy móc đến hoàn thiện sản phẩm. Vừa hướng dẫn, các thành viên cho người lao động thực hành luôn nên khả năng tay nghề của người lao động được đánh giá cao. Hiện nay, HTX sản xuất các sản phẩm: đồ gia dụng, đồ trang trí, nội thất…
Ngoài nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động, HTX còn tạo điều kiện cho các con em trên địa bàn có thể học nghề bài bản. Trong số đó, không ít người đã làm việc trực tiếp cho HTX hoặc mở cơ sở sản xuất gỗ riêng.
Chú ý chất lượng lao động, các sản phẩm do HTX sản xuất được đánh giá cao về độ tinh xảo, công phu. Bên cạnh đó, HTX chú trọng đầu tư máy móc, thực hiện sản xuất theo quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu.
Theo Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp, các công đoạn làm ra sản phẩm khá tỉ mỉ nhưng đã có sự hỗ trợ về công nghệ, máy móc nên các thành viên và người lao động đều có thể làm được. Đó cũng chính là những thuận lợi để HTX không ngừng lớn mạnh.
Sau những nỗ lực tìm kiếm bạn hàng, đến nay, HTX đã liên kết được với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài về chất lượng, mẫu mã đã được HTX đáp ứng.
Nhờ hoạt động ổn định, HTX đã bảo đảm thu nhập mỗi lao động từ 5 - 9 triệu đồng/tháng, doanh thu cả năm của HTX trung bình đạt 10 tỷ đồng… Tham gia HTX, nhiều thành viên, người lao động đã thoát nghèo và trở thành tỷ phú.
Sản xuất bền vững
Điều dễ nhận thấy là hoạt động của HTX đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải phóng các nguồn lực sẵn có trong nội tại của địa phương mà trước đó chưa được khai thác, sử dụng đúng với tiềm năng. Trong đó, nguồn lực lao động được khai thác, phát huy một cách hiệu quả nhất. Mỗi năm, HTX tạo việc làm cho khoảng 100-130 lao động địa phương với công việc và mức lương ổn định.
Nếu như các làng nghề hoặc HTX đồ gỗ mỹ nghệ khác đang gặp khó khăn vì chủ yếu sản xuất thô, chú trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, thì nhờ đẩy mạnh sản xuất tinh xảo và có sự phân công lao động, nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh nên hiện nay, hoạt động sản xuất của HTX Hiệp Thắng vẫn ổn định.
“Việc HTX đưa công nghệ cao, kỹ thuật tinh xảo vào từng công đoạn không phải để thay thế hoàn toàn cho bàn tay con người mà để thúc đẩy sản xuất theo hướng chuyên môn hóa”, Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp cho biết.
Đi đôi với nâng cao chất lượng các nguồn lực (lao động, vốn, tay nghề…), HTX còn xin ý kiến địa phương xây dựng cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX có thể sản xuất tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe và điều kiện sống, điều kiện lao động của người lao động.
Để giảm ô nhiễm môi trường từ gỗ dư thừa, mùn cưa, HTX đã liên kết thu mua gỗ đạt tiêu chuẩn của các đơn vị uy tín, đồng thời thực hiện thu gom và thanh lý sản phẩm gỗ thừa, mùn cưa cho các đơn vị sản xuất gỗ nén. Đây cũng là nguồn thu được HTX tận dụng để bổ sung nguồn vốn.
Dù trải qua không ít khó khăn nhưng với những bước đi vững chắc, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Như Yến