HTX May mặc Thạch Bình thuộc thôn Lạc Bình 1, xã Thạch Bình, huyện Nho quan, Ninh Bình được thành lập năm 2020. Đến nay, HTX đã trở thành ngôi nhà chung của 25 thành viên, bao gồm những phụ nữ thuộc nhóm người cao tuổi, người khuyết tật hoặc người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Với tinh thần vượt lên chính mình để cống hiến cho xã hội, những người phụ nữ nơi đây đã và đang thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra sinh kế bền vững cho hàng chục người yếu thế trên địa bàn xã.
“Điểm tựa” cho những người yếu thế trong xã hội
Gần 20 năm gắn bó với chức vụ Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, chị Đinh Thị Chúc, thuộc thôn Lạc Bình 1, xã Thạch Bình (Nho Quan) luôn là "đầu tàu" gương mẫu trong phong trào hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bén duyên với nghề may từ khi còn rất trẻ, chị Chúc sớm ấp ủ việc xây dựng một xưởng may để mang lại công việc và nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế trên địa bàn xã.
Năm 2017, từ nguồn vốn 70 triệu đồng của dự án "Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan" và nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của Hội Phụ nữ là 50 triệu đồng, chị Chúc đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để mở xưởng may công nghiệp.
Để thuận tiện trong việc giao dịch và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2020, chị Chúc cùng các hội viên, phụ nữ trong tổ hợp tác đã đăng ký thành lập HTX May mặc Thạch Bình.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, mỗi tháng HTX May mặc Thạch Bình sản xuất từ 15.000 -20.000 sản phẩm, mang về doanh thu khoảng 500- 580 triệu đồng/năm. Nơi đây đang tạo việc làm cho 25 phụ nữ trong độ tuổi từ 30-70 với mức thu nhập từ 2-5 triệu đồng/tháng tùy theo năng lực. Công nhân đến với HTX nếu chưa thành thạo công việc sẽ được hướng dẫn tận tình, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân địa phương.
Tuổi cao sức yếu, lại thêm tật ở tay trái, bà Bùi Thị Xuân (60 tuổi) vô cùng vui mừng khi biết đến HTX May mặc Thạch Bình. “Tôi làm việc ở đây đã 3 năm rồi. Trước đó làm nông vất vả, thu nhập lại không cao. Từ ngày tham gia HTX, gia đình tôi có thêm đồng ra đồng vào. Công việc cũng rất phù hợp với người cao tuổi như tôi”, bà Xuân chia sẻ với VnBusiness.
Đồng lòng vượt qua khó khăn
Nhận được sự ủng hộ của người dân và các cấp chính quyền địa phương, HTX May mặc Thạch Bình gặp nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển.
Mỗi năm, xưởng may của chị Chúc làm việc từ 10-11 tháng, ngày làm tối đa 8 tiếng. Nếu có công việc đột xuất hoặc vào ngày mùa, công nhân sẽ luân phiên nghỉ, xưởng may hầu như không bao giờ thiếu người. Theo chị Chúc, đa số các chị em trong xưởng đều rất chăm chỉ và yêu nghề nên nhân sự ít có sự thay đổi. Nhờ vậy, nhiều thợ may tại đây có tay nghề cứng, mang lại chất lượng sản phẩm tốt.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX chọn may gia công đồng phục, trang phục thường ngày theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc. Sản phẩm sau đó sẽ được đưa đến các cửa hàng thời trang trên toàn quốc và xuất khẩu sang Angola.
HTX May mặc Thạch Bình là ngôi nhà chung của nhiều phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. |
Tuy nhiên, như nhiều mô hình kinh doanh khác, HTX May mặc Thạch Bình cũng phải đối mặt với những nỗi lo về nguồn vốn và nhân lực, đặc biệt là vấn đề nâng cao doanh thu.
Những ngày đầu thành lập, xưởng may của chị Chúc chỉ có 11 người. Có những đơn hàng lợi nhuận cao nhưng số lượng quá lớn, công nhân trong xưởng không thể đáp ứng kịp. Sau đó, chị và các thành viên đã tích cực tham gia các buổi sinh hoạt Hội phụ nữ, họp UBND xã để tuyên truyền và tìm kiếm thêm nhân công. Ngoài ra, chị Chúc cũng chủ động thăm hỏi các chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã nhằm chiêu mộ họ về với HTX.
Bên cạnh đó, các mẫu mã cũng thay đổi liên tục theo từng đơn hàng. Chị phải thường xuyên cập nhật các kiểu dáng, phương pháp may mới để hướng dẫn lại cho công nhân. Do khối lượng kiến thức lớn, bản thân chị Trúc cũng không được đào tạo bài bản về việc dạy nghề nên nhiều sản phẩm làm bị lỗi, hỏng.
Giai đoạn COVID-19 bùng phát, số lượng đơn hàng ít đi, đơn giá sản phẩm cũng giảm sút, HTX bị tổn thất khoảng 30% doanh thu. Thêm vào đó, chi phí nguyên liệu và giá điện tăng ngày càng cao cũng khiến cho hoạt động của HTX bị ảnh hưởng đáng kể.
Để xoay sở, chị Chúc từng nhiều lần phải vay vốn từ ngân hàng cũng như kêu gọi hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhà hảo tâm. Mặc dù vậy, chị cũng như các thành viên HTX May mặc Thạch bình chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, quyết tâm giữ vững công ăn việc làm cho hàng chục công nhân tại đây. Dần dần, khi khó khăn qua đi, hoạt động sản xuất tại HTX cũng ổn định trở lại.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Giờ đây, điều trăn trở lớn nhất của chị Chúc là làm sao nâng cao thu nhập cho các thành viên, đồng thời mở rộng mô hình để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
“Với quy mô hiện tại, HTX chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ cho tối đa 3 thôn lân cận trong xã. Tôi hy vọng mô hình này có thể được nhân rộng để giúp đỡ thêm nhiều người nghèo, người khuyết tật, không để ai bị bỏ lại phía sau”, chị Chúc cho biết.
Do vậy, các thành viên HTX mong muốn kêu gọi thêm sự giúp sức từ các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn, đồng thời đưa thêm nhiều kỹ thuật khoa học hiện đại về phục vụ cho hoạt động sản xuất của HTX.
Chị Chúc cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ mở thêm những lớp tập huấn, đào tạo về các công nghệ may mặc, giúp các công nhân tăng năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cho HTX từ các cơ quan Nhà nước sẽ là nguồn lực rất lớn giúp HTX May mặc Thạch Bình phát triển lâu dài.
Trước mắt, các công nhân của HTX May mặc Thạch Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện tay nghề, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để mọi khách hàng đều hài lòng khi nhận được sản phẩm. Đây sẽ luôn là nơi dang tay đón nhận những hoàn cảnh khó khăn đến học nghề và lao động.
Kim Yên – Thanh Uyên