Thành lập từ năm 2014, HTX Sinh Dược được xem là mô hình kinh doanh đa ngành tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình. Sở hữu nhà máy với quy mô khoảng 4.000 ha cùng nhiều nhà xưởng, văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, HTX Sinh Dược hiện nay đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo nên một Sinh Dược thành công như hiện tại, bên cạnh những sản phẩm dược liệu tiện dụng, chất lượng cao không thể không kể đến thương hiệu Bồ đề Tây Phương với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xương lá bồ đề. Theo thời gian, thương hiệu này đã và đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành cái tên được săn đón hàng đầu của du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Ninh Bình.
Hợp tác để tạo ra thương hiệu “Bồ đề Tây Phương”
Vùng đất Ninh Bình từ xưa đã được ví như cái “nôi” của Phật giáo Việt Nam. Đây là nơi quy tụ của gần 20 ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi như chùa Bái Đính, Non Nước, Bích Động,… Như một cách để bày tỏ lòng hướng Phật, người dân địa phương cũng trồng hàng vạn cây bồ đề - biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ trong Phật giáo.
Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, cùng niềm đam mê với các sản phẩm từ thiên nhiên, Hoàng Thanh Phương sớm ấp ủ việc tạo ra một vật phẩm lưu niệm mang đặc trưng của mảnh đất Cố đô, một sản phẩm mà ai đến Ninh Bình đều không thể quên.
Năm 2018, trong một lần xem chiếc lá bồ đề khô của một người bạn đem về từ Ấn Độ, anh Phương chợt nảy ra suy nghĩ khai thác nguồn lá có sẵn tại địa phương để tạo ra các tác phẩm tranh và quà lưu niệm ý nghĩa. Ý tưởng đó của anh Phương được anh Vũ Trung Đức - Giám đốc HTX Sinh Dược nhiệt tình hưởng ứng. Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm tòi, hai người bạn đã tìm ra cách sơ chế lá bồ đề, tạo thành những bức tranh và đồ lưu niệm mang ý nghĩa bình an, tốt lành, hướng con người đến cái thiện.
Nhận thấy phản hồi tích cực từ những người xung quanh về sản phẩm, 2 người bạn quyết định cùng nhau thành lập xưởng tranh Bồ đề Tây Phương tại thành phố Ninh Bình. Trong đó, anh Phương đảm nhận vai trò điều hành phòng tranh và sản xuất sản phẩm, anh Đức cùng với HTX Sinh Dược sẽ hỗ trợ việc tìm kiếm công nhân, phân phối và quảng bá sản phẩm.
Từ đây, thương hiệu “Bồ đề Tây Phương” ra đời, trở thành một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của HTX Sinh Dược.
“Thổi hồn" cho lá bồ đề
Để tạo ra những tác phẩm từ lá bồ đề, các công nhân của HTX Sinh Dược phải thu hoạch lá vào khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm. Đây là thời điểm có nhiều lá già với phần gân dẻo dai, đạt chất lượng tốt nhất để sơ chế.
Sau thu hoạch, lá được ngâm trong nước vôi từ 1-2 tháng để phần thịt phân hủy. Công nhân sẽ dùng bàn chải chà sạch phần thịt lá, chỉ để lại gân, sau đó phơi khô nhẹ và nhuộm màu. Tất cả công đoạn trên đều được thực hiện thủ công, tránh cho lá bị rách.
Chất dùng để nhuộm lá thường là màu nước pha với hợp kim, vừa giữ cho phần gân mỏng manh của lá được cứng cáp, không bị ố màu, đồng thời khi nhìn dưới ánh sáng sẽ mang lại hiệu ứng lấp lánh rất đẹp mắt.
Phòng tranh Bồ đề Tây Phương là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất Ninh Bình. |
Tiếp đến là công đoạn chế tác tranh. Những chiếc lá bồ đề đã sơ chế sẽ được đính kết để tạo thành các bức tranh tinh xảo đã được lên ý tưởng từ trước. Ngoài ra, người nghệ nhân cũng có thể vẽ hoặc viết thư pháp lên trên lá, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa hoặc những triết lý của nhà Phật.
Theo nghệ nhân Lương Thanh Tùng, mỗi bức tranh lá bồ đề được làm từ 7 - 10 ngày, hoặc có thể lâu hơn, tùy vào kích thước hay độ khó khác nhau. Đối với những bức tranh dát vàng, pha trộn thêm chất liệu khác, thời gian làm có thể mất cả tháng bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỉ mỉ, người thợ không thể làm nhanh được.
Không những thế, để các tác phẩm tạo ra vừa đẹp mắt lại hàm chứa những triết lý Phật giáo sâu xa, các nghệ nhân của Bồ đề Tây Phương còn nhờ đến sự tư vấn của các thầy chùa và cả những nghệ nhân đã có kinh nghiệm lâu năm.
Nhờ sự tỉ mỉ, kỹ càng đến từng chi tiết, những người thợ ở HTX Sinh Dược đã tạo nên những tác phẩm "độc bản" có giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm tranh lá bồ đề của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình.
Trợ lực từ HTX và chính quyền địa phương
Những ngày đầu thành lập xưởng tranh của anh Phương chỉ có 3 nghệ nhân, toàn bộ công nhân tham gia sơ chế lá đều do HTX Sinh Dược tìm kiếm và cung cấp. Vốn sản xuất và phân phối các sản phẩm từ dược liệu tự nhiên, ban lãnh đạo HTX Sinh Dược cũng dễ dàng tìm thấy đầu ra cho các sản phẩm từ lá bồ đề.
Mỗi tác phẩm của Bồ đề Tây Phương đều được chế tác vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo. |
Nhờ đó, các sản phẩm của Bồ đề Tây Phương nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng, có mặt trên nhiều kênh bán hàng truyền thống và online. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã chủ động tìm đến xưởng tranh để học nghề, vấn đề nhân lực cũng đã được giải quyết.
Đến nay, xưởng tranh của HTX Sinh Dược đã trở thành "mái nhà chung" của 10 nghệ nhân và mang lại việc làm cho khoảng 50 công nhân tại HTX Sinh Dược… Bình quân thu nhập của các công nhân, nghệ dân khoảng từ 7-10 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Gần đây nhất, nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, HTX Sinh Dược còn tổ chức trồng hàng trăm cây bồ đề, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho hoạt động sản xuất của xưởng tranh “Bồ đề Tây Phương”. Hoạt động được sự ủng hộ của lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh; đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình và toàn thể thành viên HTX cùng người dân địa phương.
Để nâng cao giá trị nghệ thuật và thương hiệu, anh Phương tiếp tục nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm lưu niệm có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: cúp pha lê lá bồ đề, lá bồ đề dát vàng, thập bồ đề hoa thiên đăng, thư pháp trên lá bồ đề…
Trong đó, những tác phẩm tranh có giá trị cao như: Bồ đề nghìn năm, khổng tước song toàn, hồng phúc bồ đề, đại thụ ngàn năm, phật tâm bồ đề… Những tác phẩm tranh lá bồ đề có giá trị cao này được anh Phương bán ra với giá hàng chục triệu đồng.
Nhờ sự độc đáo và vẻ đẹp riêng có, những tác phẩm của Bồ đề Tây Phương ngày càng nổi tiếng, trở thành mặt hàng hút khách trên các kênh bán hàng truyền thống và online. Nhiều sản phẩm được khách nước ngoài tin dùng, lựa chọn, giúp người làm tranh lá bồ đề sống được bằng nghề, từ đó làm phong phú hơn sản phẩm du lịch của tỉnh Ninh Bình, đưa địa phương trở thành điểm đến an toàn, thân thiện được nhiều du khách trong nước, quốc tế lựa chọn.
Kim Yên- Thanh Uyên