Thành lập từ tháng 11/2017, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (còn gọi là HTX Lanh Trắng) chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống. Đến nay, HTX đã hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 95 thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.
Những mảnh đời bất hạnh
Với vị trí nằm ngay cạnh dinh thự của “Vua Mèo” ở trung tâm xã Sà Phìn, HTX đã tạo ra điểm nhấn về du lịch làng nghề truyền thống, giúp xóa đói giảm nghèo; đồng thời trở thành sợi dây kết nối tình yêu thương, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới, góp phần bảo đảm quyền con người.
HTX luôn là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ dân tộc Mông ở xã Sà Phìn |
Người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX - chị Cầu cho biết: Từ nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới gần 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa, may thành váy áo của phụ nữ Mông.
Có sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, chị Cầu đã tổ chức các lớp dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện; đồng thời sáng lập ra HTX. Chị đứng ra xin UBND huyện cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh, và với một ít vốn vay từ Ngân hàng NN&PTNT để khởi nghiệp.
Điểm đặc biệt của HTX là trừ chị Cầu, 19 thành viên còn lại đều là những mảnh đời từng rất bất hạnh, trong đó: 2 chị là từng là nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc; 2 chị là người khuyết tật, 10 chị từng là nạn nhân của bạo lực gia đình; 5 chị thuộc gia đình có hoàn cảnh nghèo đói, đặc biệt khó khăn; chỉ duy nhất 1 anh đã từng là tác nhân của bạo lực gia đình và nay đang là thành viên lao động tích cực nhất trong HTX.
Từ khi hoạt động đến nay, các thành viên của HTX đã làm ra được hơn 70 loại sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Không dừng lại ở đó, hiện nay sản phẩm của HTX đã bắt đầu xuất sang Canada, Australia, Italia, Nhật Bản.
Giúp người dân thoát nghèo
Chị Cầu chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi có những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản. Các nhà thời trang trong nước, nước ngoài như Chula cũng đến đây nhập sản phẩm của chúng tôi. Hơn một năm nay chúng tôi thoát nghèo được 4 hộ. Ở đây, thu nhập của thành viên bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng, còn những người liên kết với HTX thì thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng".
Đối với những thành viên liên kết, HTX đầu tư vốn cho họ trồng lanh, rồi thuê họ đến dệt vải, cứ 1m là 10.000 đồng. Ở huyện Đồng Văn có 19 xã, thị trấn thì có 15 xã tham gia mô hình liên kết với HTX. Dự kiến cuối năm 2020, tất cả 19 xã, thị trấn cùng tham gia làm với HTX, trong đó mỗi một xã, thị trấn sẽ có ít nhất có 1 nhóm gồm 10 chị em tham gia.
Để tạo ra những loại vải lanh đẹp hơn, chất lượng hơn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, các thành viên trong HTX luôn nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, cải tiến quy trình sản xuất. Khi tham gia HTX, các chị em được tập huấn, nâng cao tay nghề, được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng, người dệt, người may, người thêu, người nhuộm... thành một chuỗi sản xuất liên hoàn. Số tiền thu được, HTX đầu tư tái sản xuất, một phần trả lương cho người lao động.
Chị Hào Thị Ly, thành viên HTX chia sẻ: “Thôn Sà Phìn A có hơn 50 hộ dân toàn là dân tộc Mông. Tôi làm ở đây được gần 2 năm. Hiện, tổ tôi ở đây có hơn 20 người, mỗi người làm một công đoạn, một số ở nhà làm. Tôi làm vỏ gối, túi, áo, quần, rèm cửa, khăn quàng… Tôi hài lòng với công việc, rảnh rỗi tranh thủ đi làm nên cũng làm được việc nhà nữa. Một tháng thu nhập khoảng 3 triệu”.
Chọn hướng đi phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên, HTX Lanh Trắng đã góp phần giải quyết đáng kể công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, luôn là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ dân tộc Mông ở xã Sà Phìn. Mô hình của HTX sẽ được huyện Đồng Văn nhân rộng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Hoàng Lê