Để người dân thoát nghèo bền vững cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì vẫn rất cần sự nỗ lực của chính người dân. Đây là điều cốt yếu trong công tác xóa đói giảm nghèo tại Tủa Chùa.
Đẩy mạnh phát triển KTHT
Là địa phương có diện tích tự nhiên rộng lớn, cùng với sản xuất nông nghiệp, huyện Tủa Chùa cũng định hướng nông dân gắn trồng trọt với phát triển chăn nuôi để khai thác tiềm năng về đất đai và diện tích đồi cỏ, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Điều đặc biệt là Tủa Chùa đã tập trung phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) để làm bệ đỡ giúp người dân phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, từ đó từng bước giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, huyện đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch để phát triển KTHT. Để người dân hiểu và đi theo mô hình HTX, huyện tăng cường tuyên truyền, tư vấn thành lập các HTX mới, hỗ trợ HTX tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX 2012, trong đó chú trọng ở các địa bàn điểm xây dựng nông thôn mới như: Mường Báng, MườngÐMun và Tủa Thàng.
Thông qua chính sách hỡ trợ phát triển KTHT của Nhà nước (chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX; chính sách về đất đai; thuế, xúc tiến thương mại, ứng dụng KH-CN mới…) huyện đã tích cực tư vấn, giải quyết thủ tục hành chính, cấp giấy đăng ký kinh doanh để hỗ trợ các HTX hoạt động.
Đồng thời huyện hỗ trợ các HTX ứng dụng KH-KT, công nghệ mới thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, các mô hình sản xuất. Tiêu biểu là HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn với 19 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, HTX đã phát triển diện tích trồng rau an toàn 5.000 m2 và 700 m2 ao cá. Đầu ra các sản phẩm đã được ký kết với các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn.
Hiện nay, HTX đang mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 1,3 ha. Đây là những diện tích đất vườn, ruộng một vụ được các thành viên cải tạo để đưa vào sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên và tạo thêm việc làm cho người lao động.
Từ một huyện nghèo, hầu hết người dân chưa bao giờ nghe đến KTHT, HTX, nhờ đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông qua các HTX, Tổ hợp tác, đến nay, huyện đã có 6 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Người dân Tủa Chùa đã sống được bằng chè Shan tuyết |
Đánh thức tiềm năng cây chè
Tủa Chùa là vùng đất nổi tiếng bởi chè Shan tuyết. Chính vì vậy, những năm qua huyện đã đẩy mạnh phát triển cây chè với mong muốn người dân có thể thoát nghèo từ cây chè.
Do đặc thù khí hậu, mùa mưa ở Tủa Chùa kéo dài 4 - 8 tháng trong khi giống chè gieo ươm cũng chỉ 8 tháng nên lúc trồng gặp mùa mưa chưa kết thúc, cây chè bị chết yểu.
Trước thực trạng trên, huyện ra Nghị quyết điều chỉnh kéo dài thời gian ươm cây chè từ 8 tháng lên thành 14 tháng và thành lập các ban chỉ đạo trồng chè. Các ban chỉ đạo này phối hợp với từng thôn bản, HTX tăng cường hướng dẫn nhân dân áp dụng KHKT vào canh tác, như đốn cành, tạo tán và bón phân. Thậm chí, để phát triển trồng chè hàng hóa, huyện còn chỉ đạo các địa phương ra các hương ước về chăn thả gia súc, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung, không thả gia súc ra vườn chè vì nếu thả gia súc, chè sẽ không sống nổi.
Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè truyền thống theo hướng hàng hóa với sự hỗ trợ của các dự án, từ năm 2010 đến nay, người dân vùng núi đá Tủa Chùa đã sống được nhờ chè. Nếu như trước đây, chè ở Tủa Chùa dù ngon đến mấy cũng chỉ có giá 5.000 đồng/kg thì bây giờ mỗi kg chè có giá gấp nhiều lần.
Theo số liệu thống kê, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo huyện Tủa Chùa là 86%. Nhờ đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, đến cuối 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 60,1%.
Như Yến