Trồng rau quả an toàn nhưng quan tâm, mở rộng bằng các giống mới lạ nhập khẩu để mở rộng đối tượng khách hàng là những gì HTX Vườn nhà Đà Lạt (TP Đà Lạt) đang làm. Ngoài các loại rau ăn lá, cà chua, bí..., HTX còn trồng các giống mới như bí Thiên Nga, dâu Bạch Tuyết, su hào tím, bí sợi mì, ớt Sweet Palermo, ớt Babi, ớt Snack, khoai tây tím...
Đổi mới cách làm
Theo các thành viên HTX, nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng phát triển khá mạnh, việc trồng những giống cây mới vừa để thử nghiệm, vừa để tìm hướng đi mới nhằm thu hút khách hàng, đánh vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ hiện đại trong bán hàng sẽ giúp HTX tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, đa dạng hơn.
Vì thế mà video giới thiệu về ớt Sweet Palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay... của HTX hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì của HTX với hơn 5 triệu lượt, trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày, HTX nhận được hàng nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này.
Sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất cộng với ứng dụng công nghệ số để bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX rộng mở hơn.
Chị Nguyễn Thị Tường Thảo, thành viên HTX cho biết, mỗi năm HTX trồng hàng trăm loại rau, củ, quả khác nhau nhưng quy trình làm việc, nhất là việc tiếp cận khách hàng đã được đổi mới nhờ chăm chút cho website, fanpage, liên kết với các đơn vị như Tiktok, các sàn thương mại.
Nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã thích ứng với thời buổi 4.0, hoà nhịp vào dòng chảy hiện đại. Hiện, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường 6-7 tấn hàng, bao gồm các mặt hàng rau, củ và đặc sản Đà Lạt.
Từ thành công này, ngoài sản phẩm của HTX, các thành viên còn kết hợp với các nông trại khác để giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP của Đà Lạt và các tỉnh, thành khác.
Trong số gần 40 lao động của HTX hiện nay có trên 20 thanh niên đang làm việc với mức thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. Điều thuận lợi của HTX là người lao động ở địa phương nên dễ dàng bắt nhịp công việc, có sự ổn định và gắn bó lâu dài. Nhiều người sau đó cũng tham gia vào liên kết với HTX, giúp HTX từng bước mở rộng quy mô.
Còn tại HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ trái cây xã Mỹ Đức (huyện ủy Đạ Tẻh), các thành viên không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây ăn trái, hướng đến tiêu chuẩn GlobalGAP và sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bí Sợ mì là một sản phẩm mới của HTX Vườn nhà Đà Lạt thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng thông qua mạng xã hội, các trang bán hàng. |
Ngoài ra, HTX có liên kết với doanh nghiệp, ký hợp đồng bao tiêu cho thành viên, nông dân trong 10 năm liền. Chính vì vậy mà đến nay, HTX đã phát triển được 65 ha các loại cây ăn quả. Thu nhập bình quân của các thành viên trong năm 2022 đạt 500 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, có một hộ đạt thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm, 12 hộ giàu đạt từ 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm...
HTX Mỹ Đức hiện là một trong những đơn vị xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa thành công và hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. HTX cũng đã được vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại
Có thể thấy, việc HTX ở Lâm Đồng ứng dụng công nghệ cao, tìm hướng đi từ nông nghiệp bền vững thích ứng với thị trường không còn là chuyện hiếm. Các HTX đã giúp ngành nông nghiệp xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với những mảnh ruộng nhỏ lẻ, thay vào đó là những cánh đồng công nghệ cao, quy mô lớn được đầu tư bài bản. Những giống rau màu mới lạ, cho năng suất cao, giá trị dinh dưỡng lớn cũng được nhiều HTX thử nghiệm thành công và đưa ra thị trường với những đánh giá tích cực.
Và có nhiều cánh đồng được các HTX áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc bằng phương pháp điều khiển từ xa, bán hàng bằng app điện thoại, livestream, video… Điều này không chỉ tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường mà còn giúp HTX tiếp cận với khách hàng nhiều hơn, thuận tiện hơn, từ đó cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân, thành viên HTX.
Tiêu biểu như HTX Chapi Coffee (Lạc Dương), các thành viên đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc phát triển đa giá trị, từ việc sản xuất đến thu mua, kết hợp với dịch vụ du lịch và ứng dụng công nghệ. Hoạt động của HTX đã giúp thương hiệu cà phê Chappi Mountains đến được với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Và cũng nhờ phát triển chuỗi giá trị cà phê kết hợp du lịch, HTX đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương tạo ra cơ hội từ thu nhập thay thế, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường bền vững.
Tránh tụt hậu
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 680 HTX, 60% trong số đó đã xây dựng và đang phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa. Những HTX hoạt động hiệu quả này cũng đang góp phần giúp tỉnh hình thành và phát triển được 182 chuỗi liên kết, với gần 16.000 hộ trồng trọt và 2.445 hộ chăn nuôi.
Từ đây, giá trị sản xuất thông qua chuỗi liên kết được nâng lên. Chỉ tính riêng các chuỗi rau, củ quả tươi, giá trị sản phẩm tăng từ 20 - 25% so với sản xuất bình thường. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm theo chuỗi được ổn định đầu ra, nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một điều đặc biệt là để có được những chuỗi giá trị hàng hóa hoạt động hiệu quả, các thành viên HTX, nông dân liên kết trên địa bàn tỉnh đã rất năng động, đổi mới tư duy. Họ cho rằng nhu cầu tiêu dùng nông sản, hàng hóa của người dân đã thay đổi, nên để cạnh tranh trên thị trường, giải quyết đầu ra ổn định thì sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, sản xuất phải ứng dụng công nghệ. Vì vậy, tư duy sản xuất cũng phải thay đổi theo, những mô hình sản xuất cá thể lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh cần chuyển sang sản xuất theo quy mô tập thể, theo hướng hiện đại.
Ngay như HTX Vườn nhà Đà Lạt lúc đầu cũng có fanpage, trang Facebook nhưng các thành viên rất ít sử dụng. Tuy nhiên, khi nhân thấy giá trị của công nghệ, HTX đã giao hẳn mảng quản trị fanpage, Facebook, ứng dụng công nghệ cho một nhóm thành viên chuyên trách. Nhờ vậy mà từ bán hàng, công khai quy trình sản xuất, hướng dẫn sử dụng sản phẩm… đều được HTX tận dụng công nghệ một cách tối đa và mang lại hiệu quả cao nhờ lượng người quan tâm và đặt hàng nhiều.
Không chỉ có HTX Vườn nhà Đà Lạt, nhiều HTX cũng xác định chỉ có ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa thì mới có thể làm ăn lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, người tiêu dùng.
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc người dân, HTX áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng năng suất lao động, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương…
Hiện, sản lượng nông sản của Lâm Đồng ngày càng tăng, nhu cầu thiêu thụ ổn định thông qua liên kết vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, các HTX và ngành nông nghiệp tỉnh xác định phát triển theo chuỗi giá trị bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác thế mạnh địa phương vẫn là hướng đi trong thời gian tới.
Tỉnh xác định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp để thực hiện mở rộng và phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất mới. Đồng thời, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác phát triển sản phẩm OCOP và ứng dụng chuyển đổi số thường xuyên, liên tục và phù hợp vào sản xuất, kinh doanh để tránh bị tụt hậu hoặc chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại nhưng bị "đứt gánh giữa đường".
Minh Nhương