Nhờ chú trọng sản xuất theo hướng bền vững, đẩy mạnh liên kết để thu mua, sản xuất theo quy trình và quan tâm đầu tư cho bao bì, mẫu mã, mỗi năm, HTX ba sạch Hưng Đạo (TP Cao Bằng) bao tiêu và cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nông sản, đặc sản các loại của địa phương, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 27-30 lao động địa phương.
Khơi dậy tiềm năng
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX, cho biết mỗi nông, đặc sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có đặc tính khác biệt: do vị trí địa lý, độ cao, phương thức sản xuất của người dân… Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và tạo ra sự khác biệt với sản phẩm cùng loại. Chính vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu sẽ hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng.
“Khi khách hàng dùng sản phẩm không bảo đảm chất lượng, họ sẽ tẩy chay đặc sản của Cao Bằng. Như vậy, cả một hệ thống người làm đặc sản địa phương sẽ đối mặt nguy cơ thất nghiệp”, ông Thứ nói.
Hiện, HTX ba sạch Hưng Đạo là đơn vị sản xuất, thu mua, phân phối các sản phẩm như gạo nếp Pì Pất, miến dong, bún khô, đỗ xanh, đỗ đen, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, lạp sườn, thịt lợn hun khói... Không chỉ tiêu thụ trong nước, HTX còn liên kết được với một số doanh nghiệp, bao tiêu và đưa nông , đặc sản xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản…
Người dân mở rộng diện tích trồng cây dong riềng để đáp ứng nhu cầu sản xuất miến dong. |
Cũng là đơn vị sản xuất, thu mua và bao tiêu nông đặc sản của địa phương, HTX nông sản Tân Việt Á (huyện Bình Nguyên) đã làm tốt vai trò hỗ trợ bao tiêu, xúc tiến thương mại các loại nông sản như: bánh chưng, thạch đen, miến dong, mộc nhĩ, lạp sườn, thạch đen, nấm hương… ra thị trường.
Ông Trần Đức Hiếu, Giám đốc HTX nông sản Tân Việt Á chia sẻ, để tiêu thụ tốt các sản phẩm địa phương, ngoài đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, HTX còn tham gia tích cực các hội chợ thương mại để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng và có cơ hội làm việc với các đối tác là các nhà phân phối, xuất khẩu.
Đặc biệt, việc tận dụng hình thức tiêu thụ, quảng bá hiện đại thông qua các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp số lượt người tìm kiếm, tìm hiểu và đặt mua nông sản của HTX tăng nhiều lần so với chỉ bán hàng truyền thống.
Nâng cao năng lực sản xuất
Có thể thấy, các HTX kiểu mới ở Cao Bằng đang rất nhanh nhạy, linh hoạt trong việc đưa các loại nông-đặc sản ra thị trường thông qua việc xây dựng mô hình liên kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với người dân, HTX, doanh nghiệp.
Việc này không chỉ giúp phát triển các vùng nguyên liệu theo hướng bền vững mà còn nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên HTX. Nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nông-đặc sản trước đây từng gặp khó khăn về đầu ra, giá thấp, diện tích bị thu hẹp thì nay đã có nhiều cơ hội phát triển.
Chẳng hạn như sau khi xây dựng mô hình bao tiêu, diện tích nếp hương tại huyện Bảo Lạc đã tăng khoảng 5-6 lần, đạt 165-170 ha/vụ, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha, giá bán cao gần gấp 2-3 lần so với lúa lai, từ đó mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.
Hay như cây dong riềng ở xã Nguyễn Huệ (huyện Hòa An), có thời điểm người dân bỏ hoang, không trồng vì giá xuống thấp, không có đơn vị thu mua chế biến. Nhưng khi các HTX sản xuất và thu mua nông sản phát triển, người dân đã trồng lại loại cây này. Nếu giá bán 13-14 nghìn đồng/kg bột dong thì giá trị cây trồng đạt tới hơn 150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với cây ngô, mà công chăm sóc, đầu tư lại ít hơn.
Việc xã Nguyễn Huệ phát triển diện tích trồng dong riềng đóng góp không nhỏ vào việc nâng diện tích dong riềng toàn tỉnh lên 475 ha, là một trong những địa phương có diện tích dong riềng lớn trên cả nước.
Thực tế cho thấy, tiềm năng sản xuất, tiêu thụ các loại nông đặc sản ở Cao Bằng còn rất lớn. Các HTX cũng đang từng bước giúp các loại đặc sản phát triển theo chuỗi giá trị, tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Việc này khẳng định giá trị, thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều HTX và các cơ quan quản lý địa phương còn trăn trở, đó là năng lực sản xuất của người dân, HTX còn rất hạn chế. Mới chỉ có một số HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua, bao tiêu nông đặc sản địa phương.
Ông Trần Đức Hiếu cho biết nếu muốn nông-đặc sản có thương hiệu, được nhiều người biết đến, cần phải đưa sản phẩm vào siêu thị và các chuỗi tiêu thụ chất lượng cao. Điều này rất khó đối với bà con nông dân và thành viên HTX, bởi các hệ thống tiêu thụ này ngoài việc đòi hỏi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản lượng lớn còn yêu cầu chiết khấu cao.
Chính vì vậy, nếu người dân, HTX chỉ sản xuất thủ công, đầu tư ở một vài khâu thì rất khó phát triển bền vững. Thay vào đó, cần đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cho người dân, HTX, từ đó thúc đẩy phát triển và đưa các loại nông đặc sản Cao Bằng vươn xa hơn.
Tùng Lâm